Kinh doanh

Du lịch Việt Nam sẽ thay đổi thế nào trong năm 2021?

DNVN - Với những diễn biến phức tạp của dịch Covid trên thế giới và lần thứ ba bùng phát tại Việt Nam vào đầu năm nay, ngành du lịch Việt Nam được dự kiến vẫn sẽ tập trung vào thị trường nội địa. Với những xu hướng thay đổi đáp ứng nhu cầu về các hoạt động ngoài trời, gần gũi với thiên thiên và du lịch nông thôn sẽ được đẩy mạnh trong năm 2021.

Năm 2020, du lịch Việt Nam đón được 3,8 triệu lượt khách quốc tế, giảm gần 80% / 4 xu hướng du lịch năm 2021: Du lịch nhóm nhỏ, chuyển đổi số, du lịch trách nhiệm

Với những diễn biến phức tạp của dịch Covid trên thế giới và lần thứ ba bùng phát tại Việt Nam vào đầu năm nay, ngành du lịch Việt Nam được dự kiến vẫn sẽ tập trung vào thị trường nội địa theo xu hướng giãn cách xã hội, ghi nhận sự nổi lên của khái niệm tư vấn du lịch, tăng tốc chuyển đổi số và cân nhắc phục hồi du lịch quốc tế nhờ quá trình tiêm vaccine.

Tổng thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) Zurab Pololikashvili chia sẻ: “2021 được dự đoán tiếp tục là một năm khó khăn với ngành công nghiệp không khói toàn cầu. Du lịch nội địa tiếp tục là cứu cánh. Nhu cầu về các hoạt động ngoài trời, gần gũi với thiên thiên và du lịch nông thôn sẽ được đẩy mạnh trong năm 2021”.

UNWTO dự báo, du lịch nội địa và gần nhà sẽ là xu hướng nổi bật (chiếm trên 90%). Người dân trên khắp thế giới có xu hướng đi du lịch gần nơi cư trú, những điểm đến gần gũi với thiên nhiên (chiếm 60%) và đi theo nhóm nhỏ hoặc gia đình.

Cuối tháng 3, sự kiện “The esPRESS-Talk” với chủ đề Vietnam 2021 được tổ chức bởi Outbox Conssulting đã trao đổi về xu hướng của du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Trong buổi trao đổi, các vấn đề xu hướng du lịch giãn cách xã hội, khái niệm cố vấn du lịch, chuyển đổi số và sự phụ thuộc vào vaccine đã được thảo luận.

Đối với du khách, khách hàng sẽ tập trung đi theo nhóm nhỏ giảm thiểu tiếp xúc, du lịch cùng gia đình, chuyến đi ngắn ngày, khám phá ẩm thực và du lịch một mình là những xu hướng dự đoán sẽ thịnh hành trong năm 2021. Ông Anthony Lu, Giám đốc khu vực Việt Nam tại Booking.com chia sẻ: “Khảo sát của nền tảng du lịch trực tuyến Booking.com mới đây cho thấy, 71% người Việt sẽ xem những dịp du lịch sau này là cơ hội để kết nối lại với những người thân yêu.” Trong năm 2020, hầu hết du khách đã có khoảng thời gian dài phải xa gia đình, bạn bè và dường như khoảng cách đã khiến mọi người trân trọng nhau hơn. Việc được lại được gặp mặt, trò chuyện cùng gia đình và bạn bè về du lịch là một trong những nguồn cảm hứng chính cho việc đi du lịch trở lại.

Khi kế hoạch du lịch của hầu hết mọi người phải hoãn lại đột ngột, 57% du khách Việt Nam quả quyết sẽ không xem nhẹ cơ hội được đi đây đi đó trong tương lai. 38% tiết lộ ưu tiên kỳ nghỉ cuối tuần cho chuyến đi đầu tiên sau khi các hạn chế được dỡ bỏ. Tuy nhiên, chỉ 10% có kế hoạch thực hiện một chuyến đi xa xỉ do lo ngại bị gián đoạn. Đặc biệt, khám phá ẩm thực được 53% du khách Việt Nam quan tâm hàng đầu và 45% muốn ăn ngoài thường xuyên hơn với số tiền tiết kiệm được từ việc không đi du lịch nước ngoài. Bên cạnh đó, xu hướng du lịch một mình có thể sẽ tăng mạnh khi có tới 29% du khách Việt trả lời sẽ lên kế hoạch du lịch một mình trong tương lai.

Trong khi đó đối với kênh bán hàng đại lý truyền thống, đại lý du lịch sẽ tập trung hơn trong việc cung cấp thông tin cho khách hàng nhằm giúp họ lựa chọn được điểm đến an toàn, từ đó có khả năng sẽ chuyển đổi dần thành cố vấn du lịch chứ không chỉ đơn thuần là đại lý chuyên mua bán tour như trước. Về vấn đề chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp, đặc biệt đối với những doanh nghiệp nhỏ, có thể bắt đầu từ những chi tiết cơ bản, với nguồn vốn hạn hẹp trước khi tính đến những hệ thống, nền tảng sổ.

Đà Nẵng vẫn là điểm đến hấp dẫn với những chương trình linh hoạt và liên tục đổi mới

Đà Nẵng vẫn là điểm đến hấp dẫn với những chương trình linh hoạt và liên tục đổi mới.

Tuy nhiên, mặc dù du lịch nội địa đang là cứu cánh ở nhiều nước và có những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy, song đối với phần lớn các điểm đến, du lịch nội địa chỉ giúp phục hồi phần nào, vì không thể bù đắp được sự sụt giảm của du lịch quốc tế. Với những điểm đến phụ thuộc chủ yếu vào du lịch quốc tế, thì thị trường du lịch nội địa càng không thể giúp phục hồi ngành du lịch. Ngoài ra, ở một số quốc gia, du lịch nội địa vẫn bị gián đoạn nghiêm trọng do lệnh giãn cách xã hội trong nước vì dịch bệnh.

Một số các quốc gia có nguồn thu lớn đã lên kế hoạch để dần mở cửa từng bước lại du lịch quốc tế. Gần với Việt Nam nhất đó chính là Thái Lan, nơi được cho là tới 20% GDP đến từ du khách quốc tế. Mô hình của Thái Lan cũng có thể xem xét và nghiên cứu, đánh giá hiệu quả thực tế và áp dụng vào Việt Nam. Thái Lan đang cân nhắc kế hoạch tái mở cửa theo 4 giai đoạn và nếu chính thức triển khai, Thái Lan sẽ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế dần dần từ tháng 4 để có thể mở cửa quốc tế hoàn toàn vào tháng 1 năm sau.

Bên cạnh đó là các quốc gia như Indonesia với kế hoạch mở cửa lại điểm thu hút khách nhất – Đảo Bali. Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore hay Malaysia cũng đang lên kế hoạch để mở cửa lại từng phần đối với những khu vực được đánh giá có nguy cơ thấp như Việt Nam.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm