Kinh doanh

4 xu hướng du lịch năm 2021: Du lịch nhóm nhỏ, chuyển đổi số, du lịch trách nhiệm

DNVN - Trong năm 2021, thói quen đi lại, thói quen tiêu dùng sẽ làm thay đổi mạnh mẽ các xu hướng du lịch. Theo một báo cáo của công ty nghiên cứu Outbox Consulting về “Xu hướng dịch lịch Việt Nam 2021” đã đưa ra bốn nhóm xu hướng chính: xu hướng du lịch, xu hướng lập kế hoạch và đặt dịch vụ, xu hướng công nghệ và xu hướng điểm đến.

Campuchia hủy lệnh cấm nhập khẩu cá da trơn của Việt Nam / Doanh nghiệp sẵn sàng tâm thế trước triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2021

Cõ lẽ không cần phải nói thêm nhiều về những gì mà ngành du lịch đã phải hứng chịu trong năm 2020, dù đã có nhiều cố gắng để tìm cách chống cự nhưng dường như 3 lần bùng nổ dịch đã làm cho ngành du lịch sang năm 2021 trong cơn hấp hối. Tuy nhiên, nhu cầu đi lại lúc nào cũng tồn tại, là một phần không thể thiếu của nền kinh tế, và có rất nhiều công việc, nhiều nhu cầu khoa học công nghệ cũng không thể thay thế được con người. Ranh giới giữa du lịch công vụ và du lịch giải trí mờ nhạt hơn với tốc độ bùng phát nhanh của đại dịch COVID-19 cũng như sự sắp xếp lại các ưu tiên trong các chuyến đi của du khách. Chắc chắn, trong năm 2021, thói quen đi lại, thói quen tiêu dùng sẽ làm thay đổi mạnh mẽ các xu hướng du lịch.

Theo một báo cáo của công ty nghiên cứu Outbox Consulting về “Xu hướng dịch lịch Việt Nam 2021” đã đưa ra bốn nhóm xu hướng chính: Xu hướng du lịch, xu hướng lập kế hoạch và đặt dịch vụ, xu hướng công nghệ và xu hướng điểm đến.

Du lịch ảo - thay thế một phần trải nghiệm thực tế

Du lịch ảo - thay thế một phần trải nghiệm thực tế

Trong xu hướng du lịch thì xu hướng theo hướng giãn cách xã hội xuất hiện và đáng lưu ý nhất bởi những lo ngại về dịch bệnh. Khách sẽ có xu hướng chọn những điểm đến vắng vẻ hơn, những hành trình ít chuyển tới những điểm thăm quan đông đúc, ở tại những khách sạn, resort vắng người và có những dịch vụ mang nhiều tính riêng tư hơn để đảm bảo ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Những khu chợ địa phương đông đúc, những khu phố về đêm nhộn nhịp, những điểm thăm quan nổi tiếng sẽ không phải là lựa chọn hàng đầu vào thời điểm này với nhiều nguy cơ lây lan cộng đồng. Các cơ sở phục vụ du lịch theo đám đông sẽ phải tổ chức lại cho phù hợp với các điều kiện về giãn cách và đặt an toàn của du khách lên hàng đầu. Ngoài ra khách hàng cũng sẽ tránh đi những nhóm lớn mà chuyển xu hướng sang nhóm nhỏ, gia đình để hạn chế rủi ro.

Du lịch sức khỏe và du lịch có trách nhiệm sẽ trở thành những loại hình du lịch được phổ biến và phát triển hơn do sự quan tâm tới sức khỏe của cá nhân và cộng đồng được nhận thức và nhân rộng khắp nơi. Xu hướng này không chỉ ở Việt Nam và được lan rộng trên toàn thế giới. Khi nói về sự bền vững trong du lịch, các cuộc thảo luận thường bàn về việc các tác động đối với môi trường. Trước COVID-19, mối quan tâm của du khách tập trung vào việc giảm thiểu tác động của việc đi du lịch đối với môi trường. Tuy nhiên, đại dịch đã buộc thế giới phải cân nhắc hơn bao giờ hết về cách các hành động cá nhân tác động không chỉ lên môi trường thiên nhiên mà còn đến xã hội và cộng đồng địa phương. Điều này dẫn đến việc du khách bắt đầu đưa ra những lựa chọn có trách nhiệm hơn không chỉ đối với môi trường mà còn đối với điểm đến và cộng đồng địa phương.

Đối với xu hướng lập kế hoạch và dịch vụ đáng lưu ý nhất là thời gian đặt dịch vụ được rút ngắn. Trước đây, các thị trường du lịch lâu đời như châu Âu, châu Mỹ thường có những kế hoạch du lịch được chuẩn bị trước dài hơi một năm, nửa năm… thị trường châu Á cũng lên tới 3 tháng 6 tháng nhưng chắc chắn với tình hình vẫn còn phức tạp như hiện nay, người tiêu dùng sẽ cẩn trọng hơn trong việc đưa ra quyết định đặt dịch vụ bởi tính rủi ro và những điều kiện hoàn hủy khá phức tạp và bất lợi với người tiêu dùng.

Một báo cáo của Skyscanner năm 2020 chỉ ra rằng du khách có xu hướng đặt các dịch vụ lưu trú cuối cùng, vì họ nghĩ rằng khi huỷ dịch vụ khách sạn sẽ khó lấy lại tiền hơn so với các chuyến bay bị huỷ. Nhằm phản ứng lại với xu hướng rút ngắn thời gian đặt dịch vụ của du khách, các doanh nghiệp trong ngành cũng thay đổi các điều khoản trong việc đặt dịch vụ một cách linh hoạt hơn. Với các quy tắc và quy định về du lịch thay đổi hằng ngày, cách duy nhất để du khách tự tin đặt vé là cho phép họ linh hoạt thay đổi đặt phòng khách sạn hoặc chuyến bay mà không phải trả thêm phí.

 

Tuy công việc của các đại lý du lịch, công ty lữ hành có vẻ sẽ trở nên phức tạp hơn nhưng họ lại có lợi thế nếu nhận được sự tin tưởng của khách hàng, bởi khách hàng không phải ai cũng có thể nắm được toàn bộ thông tin; và đại lý du lịch với vai trò tư vấn sẽ giúp khách hàng có được một chuyến đi an toàn nhất, và đảm bảo cho các hoạt động được thông suốt, đồng thời cũng giải quyết giúp khách hàng trong những trường hợp hoàn hủy dịch vụ một cách thuận lợi và nhanh chóng, thay vì khách hàng phải tự giải quyết từng dịch vụ riêng lẻ.

“Không tiếp xúc” đó chính là yếu tố tiên quyết cho xu hướng chuyển đổi số trong du lịch. Việc sử dụng công nghệ số trong du lịch đã được thế giới và Việt Nam thực hiện từ nhiều năm nay. Dưới sự ảnh hưởng của dịch COVID-19, tốc độ chuyển đổi số trong năm 2020 đã phát triển nhanh hơn bao giờ hết. Nhiều quốc gia đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực này, coi đó là giải pháp hiệu quả để khắc phục hậu quả của các chính sách hạn chế sự lây lan của dịch bệnh như hạn chế tip xúc hay giãn cách xã hội. Hình thức du lịch trực tuyến, khám phá các điểm đến trên thế giới bằng công nghệ thực tế ảo đã trở nên phổ biến hơn.

Airbnb tiên phong trong lĩnh vực này khi thực hiện những sáng kiến về trải nghiệm online nhằm kết nối những du khách đang mong muốn được thoát khỏi thực tại với những người cung cấp trải nghiệm. Tuy nhiên, đại diện Airbnb ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Parin Mehta cũng chỉ ra rằng, việc thực hiện các trải nghiệm thực tế ảo đòi hỏi rất nhiều đầu tư về nền tảng công nghệ mà không phải nhà cung cấp dịch vụ nào cũng làm được. Trong tương lai, trải nghiệm ảo có thể trở thành một tiêu chuẩn phải có đối với mỗi doanh nghiệp, giúp khách du lịch có cơ hội kết nối với hướng dẫn viên và cảm nhận trải nghiệm trước khi đặt dịch vụ.

Trong năm 2021, công nghệ sẽ là yếu tố hàng đầu giúp du khách có lại tự tin khi đi du lịch. Trong một cuộc khảo sát gần đây được thực hiện bởi Censuswide, hơn 4/5 khách du lịch cho biết công nghệ sẽ giúp họ tự tin đi du lịch trong năm tới. Du khách cho rằng một ứng dụng di động cung cấp thông tin và cảnh báo trong chuyến đi (chẳng hạn như nếu có một đợt bùng phát cục bộ hoặc có những hướng dẫn mới từ chính phủ) sẽ rất cần thiết. Bên cạnh đó, thanh toán không chạm, các loại hình ví điện tử sẽ làm tăng sự an toàn tránh những giao tiếp trực tiếp không cần thiết.

Thanh toán không chạm - giải pháp cho du lịch hạn chế tiếp xúc

Thanh toán không chạm - giải pháp cho du lịch hạn chế tiếp xúc

 

Như đã nói trong xu hướng du lịch giãn cách xã hội, thì điểm đến sẽ trở thành một yếu tố quan trọng trong việc đưa ra quyết định của khách hàng khi đi du lịch. Những điểm đến ít nổi tiếng hơn sẽ có cơ hội phát triển hơn trong thời gian tới đây bởi tính an toàn của nó. Những điểm đến này sẽ cho phép họ tuân thủ các quy tắc giãn cách xã hội, cũng như khám phá và kết nối lại với thiên nhiên, điều mà nhiều du khách đã không thể tận hưởng trong những một năm qua. Với nhu cầu khám phá mới và tránh những điểm đến phổ biến như vậy, dự báo sẽ xuất hiện nhiều điểm đến mới trên bản đồ du lịch Việt Nam, những điểm đến với quy mô nhỏ và phù hợp với những nhu cầu du lịch riêng không theo đám đông.

Trong năm 2021, trước khi kiểm soát được dịch, thị trường khách du lịch nội địa tiếp tục là trọng tâm phát triển. Theo khảo sát của Outbox Consulting năm 2020, biển đảo và các thành phố du lịch nổi tiếng vẫn tiếp tục là các điểm đến hàng đầu và dự đoán đây cũng sẽ là những điểm đến được khách Việt ưa chuộng trong năm 2021.

Du khách Việt thường bỏ ra từ 2 - 3 ngày để đi đến các điểm đến trong nước, và sẽ kết hợp các ngày nghỉ cuối tuần hoặc các kì nghỉ lễ ngắn. Do vậy, họ sẽ chọn những điểm đến dễ di chuyển và gần thành phố họ sinh sống. Đối với điểm đến biển đảo, Vũng Tàu và Nha Trang là hai điểm đến thuận tiện di chuyển nổi lên như những điểm đến nổi ting với du khách nội địa. Bên cạnh đó, những điểm đến nổi tiếng khác như Hạ Long, Sapa, Phú Quốc hay Đà Lạt cũng là những điểm đến thu hút khách du lịch.

Nhưng trên hết, tốc độ phục hồi của ngành du lịch phụ thuộc phần lớn và tốc độ tiêm chủng ở Việt Nam và trên thế giới. Dù hiện nay đã có du khách của nhiều quốc gia quan tâm và muốn tới Việt Nam nhưng chính sách và thời điểm mở cửa của Việt Nam vẫn chưa được quyết định, hoàn toàn phụ thuộc vào những diễn biến tiếp theo trên thế giới. Nhiều người lạc quan dự đoán thời điểm đó có thể là vào quý 3 hoặc 4 của năm 2021, nhưng một số khác cẩn trọng hơn cho rằng phải tới quý 2 năm 2022. Dù sao nhân sự trong ngành du lịch cũng cần có sự chuẩn bị để đón sự quay trở lại của ngành nghề, du khách trong một trạng thái “bình thường mới”.

 

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm