Kinh doanh

EVN tháo gỡ tình trạng quá tải của các nhà máy điện mặt trời

DNVN - Từ nay đến cuối năm 2020, tất cả các nhà máy điện mặt trời tại khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ được giải tỏa công suất và không còn tình trạng quá tải.

Khánh thành nhà máy điện mặt trời 35 MW đầu tiên tại Việt Nam / EVN hứa sẽ hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà

Đây là thông tin được ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tại Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam về Triển khai Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị. Cụ thể, trong thời gian vừa qua, một số khu vực phát triển mạnh về năng lượng tái tạo như Ninh Thuận, Bình Thuận xảy ra tình trạng quá tải cục bộ lưới điện truyền tải. Trước thực trạng này, EVN đã đầu tư và đưa vào vận hành các trạm biến áp (TBA) 500 kV, 220 kV và hiện nay cơ bản giải tỏa hết công suất các nhà máy điện mặt trời tại hai tỉnh này. Đồng thời, EVN cũng đang phối hợp với Viện Năng lượng báo cáo Bộ Công Thương đẩy mạnh xây dựng hệ thống lưới điện truyền tải đồng bộ với các nhà máy điện, các trung tâm điện lực để bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, cũng như quy hoạch điện VIII trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 55.

Trao đổi với một nhà đầu tư năng lượng là Công ty Cổ phần Năng lượng FECON (FCP, một đơn vị thành viên của Công ty Cổ phần FECON, hiện đang đầu tư dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 tại tỉnh Bình Thuận), đại diện FCP cho biết việc EVN đưa vào vận hành trạm biến áp 500KV và 220KV đã tác động rất tốt đến giải toả công suất cho các nhà máy điện mặt trời tại khu vực quá tải nghiêm trọng nhất là Ninh Thuận và Bình Thuận, giúp tăng thêm sản lượng phát lên lưới khoảng 18-20% như Nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Hảo (VH6). Thực tế công suất phát đạt được tại VH6 từ ngày 30/6/2020 đến nay được trong khoảng bình quân 190-230MWH/ngày (tương đương 82% công suất thiết kế), so với công suất phát được trong suốt giai đoạn từ tháng 6/2019 đến trước 30/6/2020 trung bình chỉ khoảng 150MWh/ngày (tương đương 60% công suất thiết kế).

 tất cả các nhà máy điện mặt trời tại khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ được giải tỏa công suất và không còn tình trạng quá tải.

Tất cả các nhà máy điện mặt trời tại khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ được giải tỏa công suất và không còn tình trạng quá tải.

Trạm biến áp 220KV Vĩnh Hảo do EVN đầu tư đặt tại vị trí trạm cắt Vĩnh Hải, hiện nay vẫn đang trong quá trình triển khai các thủ tục đầu tư, dự kiến có thể thi công cuối năm 2020 và đóng điện vào Quý 1 năm 2021. Với việc đưa thêm các công trình lưới điện phục vụ giải toả công suất năng lượng tái tạo như đường dây mạch 2 Phan Rí - Ninh Phước, đấu nối phía 110kV trạm biến áp 220kV Phan Rí, vấn đề giảm phát của các nhà máy khu vực Tuy Phong, Bình Thuận có thể được giải quyết, trong đó có Nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 của Công ty Cổ phần Năng lượng FECON.

Đại diện FECON cho biết việc giải toả công suất phát điện trong khu vực Ninh Thuận - Bình Thuận và đặc biệt là việc EVN đang đầu tư thêm TBA 220KV Vĩnh Hảo tạo điều kiện cho nhà đầu tư FECON có thể thúc đẩy các thủ tục triển khai Giai đoạn 2 của dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 (công suất 130MW).

Chia sẻ về những cánh cửa được mở ra trong Diễn đàn cao cấp về Năng lượng Việt Nam 2020 (23/7/2020), TS. Võ Trí Thành cho biết ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (mặt trời/điện gió) sẽ có nhiều khởi sắc trong thời gian tới. Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị được đánh giá là toàn diện và sâu sắc, đang tháo những nút thắt trong phát triển năng lượng, giải quyết bài toán năng lượng phát triển bền vững cho Việt Nam.

“Nội dung Nghị quyết khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng, đặc biệt là kinh tế tư nhân, kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp độc quyền, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch. Đây có thể xem là chính sách mở cửa cho Doanh nghiệp tư nhân cùng phát triển ngành điện. Bên cạnh đó, EVN đã đầu tư và đưa vào vận hành các trạm biến áp (TBA) 500kV, 220kV trong thời gian tới góp phần giải toả nỗi lo lắng thừa công suất của các đơn vị sản xuất năng lượng”, TS. Võ Trí Thành nói.

Cường Cao
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm