Kinh doanh

Năng lực chế biến hạn chế: Xuất khẩu trái cây gặp khó khăn

DNVN - Trong bối cảnh tình hình kiểm soát chặt dịch COVID-19 của Trung Quốc, năng lực chế biến trái cây trong nước hạn chế dẫn đến xuất khẩu trái cây Việt Nam gặp thêm nhiều khó khăn.

Mẹo bảo quản trái cây tươi lâu hơn cho từng loại, ai cũng nên biết / Hướng dẫn cách làm sữa chua trái cây tươi cực dễ tại nhà

Xuất khẩu hàng rau quả giảm 13,6% trong 5 tháng đầu năm

Sáng 8/6 đã diễn ra “Diễn đàn trực tuyến tăng cường các giải pháp phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam” (Diễn đàn Kết nối Nông sản 970).

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước gần 23,2 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 9,4 tỷ USD, tăng 10,4%; lâm sản chính đạt gần 7,7 tỷ USD, tăng 7,6%; thủy sản ước đạt gần 4,8 tỷ USD, tăng 46,3%; chăn nuôi ước đạt 138,9 triệu USD, giảm 16,2%; vật tư đầu vào sản xuất khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 59,3%.

Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 41,6% thị phần. Với các thị trường khác: Châu Mỹ chiếm 30,4%, châu Âu chiếm 12,0%, châu Đại Dương chiếm 1,7% và châu Phi chiếm 1,5%.

Trong 5 tháng đầu năm nay, ngành nông nghiệp đã có 9 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, điều, nhóm rau quả, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ và nhóm đầu vào phục vụ sản xuất).

Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 5/2022 ước tính đạt 300 triệu USD, giảm 11% so với tháng 5/2021. Trong 5 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam ước đạt 1,47 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2021.

“Diễn đàn trực tuyến tăng cường các giải pháp phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
trái cây chủ lực phía Nam”.

Trong bối cảnh tình hình kiểm soát chặt dịch COVID-19 của Trung Quốc, năng lực chế biến trái cây trong nước hạn chế dẫn đến xuất khẩu trái cây Việt gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn đầu tiên phải kể đến là hoạt động cấp mã số vùng trồng. Việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói mới triển khai chủ yếu đối với cây ăn quả, chưa triển khai được nhiều với các sản phẩm có khối lượng xuất khẩu lớn như lúa, chè, hồ tiêu, cà phê,....

Vẫn còn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam.

Trung Quốc ngày càng siết chặt việc kiểm soát đối với sản phẩm nhập khẩu, trong đó có tăng cường giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Thời gian đàm phán đối với các sản phẩm kéo dài và chịu sự tác động của dịch COVID-19, chuyên gia Trung Quốc không thể sang Việt Nam để kiểm tra vùng trồng.

Yêu cầu chất lượng, truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt thị trường Trung Quốc có thể tăng biện pháp kiểm dịch bệnh, có thể làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước.

Cùng với đó là chi phí đầu vào sản xuất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng tác động đến sản xuất cây ăn quả, có thể ảnh hưởng năng suất, chất lượng trái cây.

Năng lực chế biến trái cây trong nước còn hạn chế, chủ yếu xuất khẩu trái tươi, nếu gặp điều kiện khó khăn khi xuất khẩu, khi đó việc tiêu thụ sẽ vô cùng khó khăn.

Đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng tỷ trọng chế biến sâu

Nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản giữa các vùng sản xuất nông sản nói chung và trái cây tươi nói riêng đến các thành phố lớn và các tỉnh trong cả nước cũng như xuất khẩu, giải pháp mà Cục Trồng trọt đưa ra tại diễn đàn bao gồm:

Các cơ quan chức năng cần cơ cấu lại sản xuất, chế biến và thị trường nông sản theo chuỗi ba nhóm sản phẩm. Đề xuất xây dựng hệ thống cung ứng nông sản theo chuỗi dựa trên các nền tảng Logistic hiện đại.

Cần đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh.

Tìm thêm các dư địa mới để nâng cao giá trị gia tăng, đồng thời, hoàn thiện các chính sách về sản xuất, chế biến, quản lý chất lượng và phát triển thị trường nông sản hài hòa với các cam kết quốc tế để thu hút đầu tư nước ngoài và mở cửa thị trường.

Đối với địa phương, các địa phương cần liên kết tạo dựng nền công nghiệp chế biến nông sản gắn với sản xuất và thị trường đồng bộ, hiện đại.

Xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được cơ giới hóa đồng bộ, theo nhu cầu và khả năng tiêu thụ của thị trường.

Đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao; tăng chế biến từ các phụ phẩm của sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị gia tăng.

Đồng thời, phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistic phục vụ nông nghiệp, thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, nhất là hạ tầng giao thông vận tải; hạ tầng kho bãi phục vụ phát triển sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản.

Phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tại một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, thương mại của hàng nông sản.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm