'Vị đắng' xuất khẩu trái cây tươi
Trên 165.000 người lao động bị mất việc, thiếu việc vì COVID-19 / Hải quan TP.HCM tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp khai thác hiệu quả EVFTA
Thời gian gần đây, Thái Lan đẩy mạnh nhập khẩu quả dừa tươi từ Việt Nam để chế biến, xuất khẩu với giá trị gia tăng cao hơn.
Xuất nhiều vẫn... không thể vui
Theo báo cáo từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Thái Lan là trung tâm chế biến thực phẩm của khu vực Đông Nam Á. Do nhu cầu về sự đa dạng nguồn nguyên liệu cho chế biến, nên nhập khẩu dừa tươi của Thái Lan từ Việt Nam và Indonesia đều tăng rất mạnh.
Các doanh nghiệp chế biếnđược coi là nòng cốt trong chuỗi liên kết để nâng cao giá trị trái cây. |
Trong 7 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu dừa tươi của Thái Lan từ Việt Nam đạt 129 nghìn tấn, trị giá 50,4 triệu USD, tăng 377,7% về lượng và tăng 781,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ trọng nhập khẩu dừa tươi từ Việt Nam của Thái Lan đã tăng lên 61,4% từ mức 51,3%.
Rõ ràng, sự yếu kém về công nghệ chế biếnđã khiến Việt Nam chưa khai thác được nhiều giá trị từ trái dừa như cách mà Thái Lan đang làm.
Tương tự, đối với quả thanh long, do công nghệ chế biến sâu còn yếu kém, nên đa phần xuất khẩu tươi qua thị trường Trung Quốc. Trong tháng 8/2020, xuất khẩuthanh long sang thị trường này đạt 127,4 triệu USD, tăng 7% so với tháng 8/2019, chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam.
Tuy nhiên, xuất thanh long sang thị trường Trung Quốc hiện nay vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thương lái, nên thường xuyên không ổn định. Do đó, Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị cần đẩy mạnh xuất khẩu thanh long chính ngạch để giữ vững thị trường truyền thống là Trung Quốc và mở rộng ra các thị trường mới như Australia, New Zealand, EU…
Mặt hàng chanh leo cũng đang có tiềm năng rất lớn ở thị trường EU. Các sản phẩm chanh leo ngày càng được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng nhờ mùi vị đặc trưng, có thể chế biến thành nhiều sản phẩm như nước uống, kem, mứt, bánh kẹo... Đây là lợi thế mà Việt Nam phải phát huy nếu muốn vượt qua các nước có cùng vị trí địa lý ở Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Malaysia và các nước có cùng điều kiện khí hậu ở Nam Mỹ như Peru, Ecuador…
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chỉ ra điểm yếu của xuất khẩu rau quả tươi là thời gian bảo quản ngắn, dao động trong khoảng 30-40 ngày. Trong khi đó, thời gian vận chuyển bằng đường biển sang châu Âu mất 3 tuần, cộng thêm chờ 4-5 ngày để kiểm tra chất lượng. Như vậy, trái cây còn khoảng 10 ngày để tiêu thụ, chỉ có thể phân phối ở các thành phố gần cảng mà chưa thể đi sâu vào nội địa.
"Mở đường" cho doanh nghiệp đầu tư
Theo ông Nguyên, sở dĩ trái cây Việt Nam vẫn xuất dưới dạng thô là công nghệ chế biến của Việt Nam đã quá cũ và chế biến chưa sâu, sức cạnh tranh chưa tốt tại các thị trường nước ngoài nói chung và châu Âu nói riêng.
"Trong khi đó, công nghệ chế biến, bảo quản của Thái Lan đã phát triển vượt trội. Nói thẳng ra làThái Lan chỉ thua Việt Nam ở thuế nhập khẩu", ông Nguyên nhấn mạnh.
Với thị trường Trung Quốc, yêu cầu đặt ra đối với trái câynhập khẩucũng ngày càng cao. Ông Viên Á Tường, Tổng Thư ký Hiệp hội Trái cây Thượng Hải lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu trái cây của Việt Nam, để chiếm thị phần nhiều hơn đòi hỏi sản phẩm phải có chất lượng và giá cả cạnh tranh.
"Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường giám sát các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu, liên quan đến các phương diện như truy xuất nguồn gốc nông sản, đăng ký vùng trồng, đăng ký nhà máy đóng gói và dán nhãn sản phẩm. Điều này chính là trách nhiệm đối với người tiêu dùng và cũng đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn cho tất cả các nhà sản xuất trái cây", ông Tường nhấn mạnh.
Theo thống kê từ Bộ NN&PTNT, diện tích cây ăn quả trên toàn quốc những năm gần đây liên tục tăng nhanh. Hiện đã có khoảng 40 loại rau quả Việt Nam được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh những thị trường truyền thống, trái cây Việt từng bước khẳng định chất lượng, chinh phục được những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Australia...
Tuy vậy, Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận, để ngành hàng rau quả của Việt Nam ngày một mở rộng và chiếm lĩnh thị trường quốc tế, giải pháp tiên quyết là phải đẩy mạnh chế biến sâu.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNTNguyễn Xuân Cường, mặt hàng rau quả của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng hơn nữa. Để làm tốt điều này cần phải mở rộng các mô hình liên kết đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Trên cơ sở doanh nghiệp làm nòng cốt, tập trung các yếu tố đầu vào áp dụng khoa học công nghệ từ khâu giống, tổ chức sản xuất cho đến khâu chế biến và mở thị trường thương mại.
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp chế biến rau quả đầu tư mở rộng nhà máy chế biến sâu, tham gia liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu, hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với người dân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo