Ngành du lịch Liên kết, hợp tác để gượng lên trong sự kiệt sức
Khởi tố hình sự Công ty Dệt May Sunrise Việt Nam nhập khẩu linh kiện máy móc đã qua sử dụng / Đà Nẵng: Doanh nghiệp suy giảm niềm tin đối với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của thành phố
Dịch Covid-19 giáng “đòn chí mạng” lên ngành du lịch
Bước vào năm 2020, du lịch Việt Nam có được đà và nền tảng tăng trưởng ngoạn mục 5 năm liên tục. Tháng 1/2020, lần đầu Việt Nam đón được hai triệu khách quốc tế trong một tháng. Thế nhưng, từ tháng 2/2020, dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới đã ngay lập tức ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch. Ngành du lịch Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn chưa từng xảy ra trước đó.
Kể từ tháng 3/2020, Việt Nam ngừng hoạt động đón khách quốc tế, chỉ còn hoạt động du lịch trong nước. Nhưng thị trường du lịch trong nước cũng bị ảnh hưởng bởi các đợt giãn cách xã hội khi dịch bùng phát. Trong nước, dù dịch Covid-19 nhanh chóng được khống chế tốt, Việt Nam trở thành điểm sáng về an toàn phòng dịch trên toàn thế giới nhưng ngành du lịch không tránh khỏi những tổn thất nặng nề.
Ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19.
Theo dự báo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước chỉ đạt 3,8 triệu lượt, giảm gần 80% so với năm 2019; khách du lịch trong nước cũng giảm gần 50%; khoảng 40-60% lao động ngành du lịch bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động; nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%; tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên đến 530 nghìn tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD)...
Dịch Covid-19 buộc ngành du lịch phải chuyển hướng vào tập trung phát triển du lịch nội địa. Du lịch phải cùng lúc thực hiện "nhiệm vụ kép": vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân vừa duy trì sản xuất, kinh doanh. Và du lịch trong nước là giải pháp duy nhất giúp các doanh nghiệp từng bước phục hồi, duy trì hoạt động.
Ngành du lịch đã hai lần phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa vào tháng 5/2020 (với chủ đề "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam") và tháng 9/2020 (với chủ đề "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn"). Chương trình kích cầu du lịch nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Bằng tất cả những nỗ lực, đến hết tháng 11/2020, tổng số khách du lịch trong nước đạt 49 triệu lượt. Du lịch trong nước đã góp phần duy trì được hoạt động ở mức cầm chừng của ngành trong thời chống dịch…
“Lúc này, muốn đi xa phải đi cùng nhau”
Có thể thấy, mức độ tàn phá ngoài sức tưởng tượng của dịch Covid-19 khiến ngành du lịch Việt Nam gần như “kiệt sức”, song đây cũng là điều kiện để ngành du lịch phải đánh giá lại, tư duy lại cách làm du lịch trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp.
Du lịch Việt Nam chuyển hướng tập trung khai thác thị trường khách trong nước ở trạng thái "bình thường mới", với yêu cầu tiên quyết là phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho các sản phẩm du lịch, bảo đảm an toàn cho du khách. Nhưng ngành du lịch cũng phải tính xa hơn để đón đầu khách quốc tế, với những sản phẩm mới, phù hợp ngay khi đủ điều kiện mở lại hoạt động đón khách quốc tế.
Tại buổi tọa đàm "Liên kết phát triển du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu" vừa diễn ra mới đây tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, bà Trần Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh khẳng định, du lịch là ngành có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, do vậy muốn phát triển du lịch bền vững cần có sự liên kết, phối hợp với các tỉnh thành khác.
Bà Trần Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định, du lịch là ngành có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, do vậy muốn phát triển du lịch bền vững cần có sự liên kết, phối hợp với các tỉnh thành khác. (Ảnh: NA)
Theo bà Hiền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang đẩy mạnh liên kết, hợp tác du lịch với các tỉnh, thành như Hà Nội, TP.HCM, Bình Thuận, Đắk Lắk… Theo ghi nhận, việc liên kết du lịch với các tỉnh, thành bước đầu đã có những tín hiệu tích cực, khi lượng khách từ các tỉnh liên kết du lịch đang đổ về Bà Rịa - Vũng Tàu khá đông vào dịp cuối tuần.
“Do vậy, ngay lúc này muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau. Thay vì từng tỉnh, thành mạnh ai nấy thu hút khách thì nên ngồi lại cùng nhau hình thành tour liên tỉnh, liên vùng và cùng tiếp thị, quảng bá cho nhau để tăng sức hút cho điểm đến là điều cần kíp trong bối cảnh du lịch chỉ trông chờ khách nội địa hiện nay”, bà Hiền cho hay.
Theo ông Võ Thanh Mỹ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngành du lịch của tỉnh đã có bước chuyển mình mang lại lợi thế cho tỉnh dù rằng lượng khách du lịch đến địa phương giảm tới 90% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của Covid-19.
Năm 2019, tổng lượt khách du lịch đến địa phương đạt hơn 15,5 triệu lượt, trong đó có hơn 1 triệu lượt du khách do các thỏa thuận liên kết mang lại, tăng 20% so với năm 2018. Riêng năm 2020, đại dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề.
Tuy nhiên, sau mỗi đợt dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, Bà Rịa - Vũng Tàu lại chủ động kích cầu, quảng bá rầm rộ hướng thẳng vào thị trường Đông Nam Bộ và các tỉnh, thành có liên kết với Bà Rịa Vũng Tàu. Nhờ vậy, dù doanh thu và lượng khách giảm so với cùng kỳ, song so với các tỉnh, thành cùng lợi thế du lịch biển, mức sụt giảm của Bà Rịa - Vũng Tàu thấp nhất.
Đại diện Lữ hành Saigontourist - bà Phan Yến Ly cho biết, Bà Rịa - Vũng Tàu là điểm đến quen thuộc đối với du khách TP.HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam. Trong hơn 300 đường tour Lữ hành Saigontourist khai thác, lượng khách đặt tour đi các địa danh của tỉnh chiếm ưu thế, nhất là sau mỗi đợt dịch Covid-19 được kiểm soát trong cộng đồng. Điều này chứng tỏ Bà Rịa - Vũng Tàu an toàn trong dịch và đáp ứng yêu cầu về khoảng cách địa lý, khí hậu, điều kiện nghỉ dưỡng của du khách gần.
End of content
Không có tin nào tiếp theo