Ngành đường có mang về trái ngọt trong năm 2021?
Hàng không Việt Nam năm 2020: Vietnam Airlines lỗ hơn 11.000 tỷ, Vietjet lãi 70 tỷ đồng / Hộ chiếu vaccine: Chìa khóa cho sự trở lại của ngành du lịch, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro
Kể từ năm 2021, đường nhập khẩu Thái Lan vào Việt Nam chính thức bị áp thuế chống bán phá giá với mức 48,88% cho đường tinh và 33,88% cho đường thô; cộng với việc giá đường, nhu cầu đường thế giới liên tục tăng mở ra một tương lai triển vọng cho ngành mía đường trong nước.
Theo một báo cáo nghiên cứu ngành đường của VCBS, dự kiến ngành đường thế giới tiếp tục thâm hụt cao trong niên vụ 2020/21. Niên độ 2019/20, sản xuất đường toàn cầu giảm 7,7% và sản lượng tiêu thụ giảm thấp hơn đạt 1,2%. Vì vậy, sau 2 năm liên tiếp thặng dư đường toàn cầu thăng dư thì sang niên độ 19/20 đường thế giới bị thâm hụt 3,5 triệu tấn. Tương ứng, giá đường cũng đã phục hồi sau khi chạm đáy cách đây 2 năm, từ mức cao trong năm 2017-2018. Tồn kho đường toàn cầu cuối NĐ 2019/20 giảm so với niên độ trước do bị thâm hụt cao và được dự báo niên độ 2020/21 tiếp tục thâm hụt gần 5,8 triệu tấn.
Dự phóng cho niên độ 2020/21
Hiện nay, gần 70% lượng đường trên thế giới được tiêu thụ tại các nước sản xuất, trong khi đó số còn lại được xuất khẩu và giao dịch toàn cầu. Sản lượng đường thô sản xuất toàn cầu được dự phóng tăng 16 triệu tấn lên 182 triệu tấn (tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước), trong đó Brazil chiếm hết 3/4 mức tăng. Tiêu thụ ước tính tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước dựa vào tăng trưởng ở các thị trường như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Iran và kéo tồn kho thấp hơn mặc dù có phục hồi ở sản lượng sản xuất. Xuất khẩu được dự phóng sẽ tăng mạnh cùng với nguồn cung tăng (đặc biệt là ở Brazil).
Trong năm 2020, lượng đường tiêu thụ sụt giảm do dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Đây là lần đầu tiên trong vòng 40 năm, lượng tiêu thụ đường sụt giảm. Như những năm trước đây, lượng tiêu thụ đường tăng trưởng gần bằng tốc độ tăng dân số, khoảng 1% mỗi năm. Do dịch Covid-19, mức tiêu thụ năm nay giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm đầu tiên kể từ niên độ 1980/81. Ngành đồ uống và thực phẩm bị ảnh hưởng đáng kể do các qui định phong tỏa và giãn cách xã hội. Trong niên độ 2020/21, nếu sản lượng sản xuất tăng, với nhu cầu tiêu thụ thấp hơn một chút, thâm hụt đường toàn cầu sẽ thu hẹp lại, sản lượng sản xuất được dự phóng tăng. Hai quốc gia sản xuất mía đường lớn nhất thế giới là Brazil và Ấn Độ có khả năng tăng sản lượng. Mặt khác, đường từ củ cải (thay thế đường mía) của EU ước tính giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước, bất kỳ sự gia tăng sản xuất đường mía nào thì sẽ được bù đắp phần lớn bằng việc giảm sản xuất đường từ củ cải.
Một yếu tố khác ảnh hưởng tới ngành đường đó là biến đổi khí hậu. Sản lượng và năng suất mía biến động lớn theo các hiện tượng khắc nghiệt của khí hậu (hạn hán hay bão vùng nhiệt đới). Dưới ảnh hưởng tăng nhiệt do La Niña đang phát triển, nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2020 vẫn là một trong 3 năm ấm nhất từ 1980 đến nay. Điều này gây ra những ảnh hưởng lớn như lũ lụt nghiêm trọng tại Đông Phi, Sahel, Nam Á, Trung Quốc và Việt Nam. Ở Việt Nam, những trận mưa lớn đặc trưng cho sự xuất hiện của gió mùa Đông Bắc đã trở nên trầm trọng hơn do liên tiếp của các cơn xoáy thuận và áp thấp nhiệt đới, với 8 cơn đổ bộ vào đất liền trong vòng chưa đầy 5 tuần. Trong khi đó, hạn hán lại gây ra những thiệt hại nặng nề nhất là phía Bắc Argentina, Paraguay và các khu vực biên giới tây của Brazil.
Một trong những quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới là Brazil, quốc gia đứng thứ nhất về cả sản xuất và xuất khẩu đường, chiếm 23% sản lượng toàn cầu và 49% tổng xuất khẩu thế giới, thì sản lượng niên độ 19/20 tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 29,2 triệu tấn, dự kiến sản lượng niên độ 20/21 tăng 40,6% so với cùng kỳ năm trước, dự báo đạt kỷ lục 42,1 triệu tấn nhờ vào sự chuyển đổi của các nhà máy sản xuất đường-ethanol chuyển cơ cấu sản xuất sang đường và điều kiện thời tiết thuận lợi, đặc biệt là lượng mua tốt hơn vào năm 2020. Brazil dự báo sẽ xuất siêu đường lên tới 32 triệu tấn, lớn nhất từ trước tới nay.
Thái Lan - xếp hạng thứ 5 về sản xuất và thứ 2 về xuất khẩu toàn cầu, sản lượng đường Thái Lan chiếm 5% về sản xuất và chiếm 13% tỷ trọng xuất khẩu toàn cầu, hạn hán tồi tệ nhất trong bốn thập kỷ đã ngăn cản việc trồng mía trong thời kỳ tối ưu nhất. Sản lượng niên độ 19/20 giảm 43,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 8,3 triệu tấn do hạn hán. Sản lượng niên độ 20/21 dự báo giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước, dự phóng đạt 7,8 triệu tấn, mức thấp nhất trong 10 năm qua do hạn hán kéo dài làm giảm năng suất, và thuế đường từ năm 2018 liên tục giảm làm giảm nhu cầu đường trong sản xuất đồ uống có cồn.
Thái Lan là đối thủ lớn nhất của Việt Nam hiện đang nỗ lực bảo hộ toàn diện ngành mía đường. Hàng năm hơn 700 triệu USD sử dụng cho mục đích trợ giá để bù đắp khi giá đường trên thế giới sụt giảm. Người trồng mía được thanh toán trực tiếp mỗi năm khoảng 500 - 525 triệu USD. Niên độ 2019/20 Chính phủ Thái tiếp tục trợ cấp bằng cách hỗ trợ cho nông dân trồng mía mua tư liệu sản xuất với tổng quỹ ngân sách 325 triệu USD. Cùng với đó là các biện pháp gián tiếp như nghiên cứu trồng mía, hỗ trợ lãi suất cho nông dân đầu tư máy móc, kiếm soát chặt chẽ hạn nghạch nhập khẩu, duy trì tỉ lệ chia sẻ lợi nhuận.
Tháng 04/2016, Braxin kiện Thái Lan lên WTO về việc trợ giá đường vi phạm các nguyên tắc WTO. Thái Lan thừa nhận hành vi vi phạm. Tuy nhiên, đến nay việc khắc phục vi phạm của Thái Lan vẫn chưa có chuyển biến gì. Do việc giải quyết các tranh chấp vi phạm nguyên tắc thương mại của WTO còn thấp, Chính phủ nhiều nước đã can thiệp hỗ trợ sản xuất trong nước vượt ra ngoài các nguyên tắc thương mại công bằng.
Để mía đường Việt Nam không còn "đắng"
Quyết định 2466/QĐ-BTC ban hành ngày 21/09/2020 quyết định công bố điều tra chống bán phá giá và trợ cấp đối với các sản phẩm đường từ Thái Lan Trong bản đề nghị điều tra lên Bộ Công thương, các doanh nghiệp đường trong nước ước tính biên độ phá giá của đường Thái Lan lên tới 37,9%, đây có thể là căn cứ để Bộ Công thương tiến hành các biện pháp phòng vệ thương mại. Từ 9/2/2021, để bảo hộ cho việc sản xuất đường trong nước, chính phủ Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá với mức 48,88% cho đường tinh và 33,88% cho đường thô đối với đường Thái Lan. Giá đường tại Việt Nam đã ghi nhận những dấu hiệu hồi phục từ cuối năm 2020.
Ngành đường đang đứng trước những dấu hiệu tích cực, những triển vọng trong ngắn hạn tới từ FTA và kỳ vọng biện pháp bảo hộ. Sản lượng đường ở các nước lân cận sụt giảm chính là cơ hội cho Việt Nam trong niên vụ tới, khi tại Thái Lan hạn hán có thể làm cản trở việc xuất khẩu đường, chỉ được dự báo gia tăng 4%. Đối với Trung Quốc, do những lo ngại về dịch bệnh và tình hình lũ lụt, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu đường nhằm dự trữ lương thực thiết yếu thì Việt Nam lại xuất đường với trị giá khoảng 90 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2020.
Giá đường nội địa tại Việt Nam so với các nước khác trong khu vực
Triển vọng từ hiệp định thương mại tự do EVFTA có hiệu lực từ 1/8/20220 mở ra khi cánh cửa xuất khẩu đường chất lượng cao sang EU. Theo đó, hạn ngạch thuế quan với mức 10.000 tấn đường trắng và 10.000 tấn sản phẩm chứa trên 80% đường, và thuế suất 339 EUR/tấn đối với đường thô và 419 UR/tấn đối với đường luyện sẽ giảm dần theo lộ trình. Theo dự báo của USDA, sản lượng đường nhập khẩu của EU trong niên vụ 2020/21 ước đạt 3,0 triệu tấn (tăng 43% so với cùng kỳ năm trước, tăng cao so với dự báo cũ là 2,1 triệu tấn), những doanh nghiệp được hưởng lợi đảm bảo được các yêu cầu cao về chất lượng, truy xuất nguồn gốc.
Tuy nhiên, trong dài hạn, ngành mía đường Việt Nam vẫn còn rất nhiều thách thức, như năng suất mía kém cạnh tranh hơn Thái Lan khiến chi phí sản xuất cao hơn. Việc kiểm soát lỏng lẻo đối với đường nhập khẩu giá rẻ qua biên giới làm sai lệch cung cầu thị trường và giá đường. Trong khi đó, Trung Quốc và Thái Lan cũng có thể nâng cao sản lượng và gây sức ép lên giá đường. Những doanh nghiệp đầy triên vọng của Việt Nam như Công ty Thành Thành Công Biên Hòa, doanh nghiệp mía đường lớn nhất nước, công ty Đường Quảng Ngãi đều đang tìm kiếm những biện pháp áp dụng công nghệ cao, sản xuất đường chất lượng cao, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang EU.
Cuối cùng, báo cáo cũng đánh giá giải pháp dài hạn cho mía đường đó là cần xây dựng mối quan hệ bền vững với các đối tác phân phối hoặc nông dân là một kế hoạch chiến lược của các doanh nghiệp. Đặc biệt, khi người tiêu dùng có mức độ trung thành thấp đối với các sản phẩm như đường và chất tạo ngọt, sự hỗ trợ của nhà phân phối là rất quan trọng đối với các công ty để giữ sản phẩm của họ có sẵn và tiếp cận người tiêu dùng mục tiêu. Trong khi đó, hợp tác chặt chẽ với nông dân hỗ trợ các nhà sản xuất ổn định nguồn cung nguyên liệu và hoạt động sản xuất. Nhìn chung, sự cạnh tranh mạnh mẽ đã giúp các doanh nghiệp trong ngành tăng cường năng lực của mình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo