Kinh doanh

Ngành sản xuất đối mặt nhiều khó khăn

DNVN - Theo Báo cáo Chiến lược thị trường tháng 3/2023 của Công ty Cổ phần chứng khoán SSI, hoạt động sản xuất phải đối mặt với nhiều khó khăn từ nhu cầu bên ngoài chậm lại và áp lực về lạm phát đè nặng lên tiêu dùng trong nước.

TP Hồ Chí Minh: Sản xuất công nghiệp phục hồi, trên 90% doanh nghiệp trở lại hoạt động / Hà Nội: Sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực

Báo cáo Chiến lược thị trường tháng 3/2023 của SSI nhận định ngành sản xuất của Việt Nam đang đối mặt với khó khăn.

Số liệu mới công bố từ Tổng cục thống kê cho thấy bức tranh nền kinh tế trong hai tháng đầu năm nghiêng nhiều về gam màu tối, khi nhiều khó khăn xuất phát từ nhu cầu bên ngoài chậm lại và áp lực về lạm phát cũng đè nặng lên tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, điểm sáng trong giai đoạn này đến từ lĩnh vực đầu tư, với việc cả đầu tư công và FDI đăng ký mới đều ghi nhận kết quả khá tích cực.

“Với tình hình khó khăn trong sản xuất và nhu cầu tiêu dùng giảm nhiệt, tăng trưởng GDP quý 1 năm 2023 ước tính sẽ chậm lại, ở mức 5% - 5,5% so với cùng kỳ. Xu hướng từ các biến số vĩ mô nhiều khả năng vẫn chưa được cải thiện trong quý 2 và tăng trưởng GDP có thể sẽ tiếp tục chậm lại, khi mức nền quý 2 năm 2022 khá cao”, báo cáo dự báo.

Ngành sản xuất đối mặt nhiều khó khăn.

Cũng theo SSI, hoạt động sản xuất và chế biến chế tạo - động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn trước tiếp tục cho những dấu hiệu yếu dần trong những tháng đầu năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 6,3% so với cùng kỳ, trong đó các nhóm ngành thành phần đều thu hẹp như chế biến chế tạo (-6,9%), khai khoáng (-3,8%) hay sản xuất và phân phối điện (-5,2%).

Nhu cầu bên ngoài và trong nước yếu dần là nguyên nhân dẫn đến sản lượng sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng, như sản lượng quần áo may mặc (-14,8% so với cùng kỳ), điện thoại (-9,6%) hay sản xuất ô tô giảm -18,3%.

Một yếu tố “thú vị” trong số liệu sản xuất giai đoạn này là chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trái ngược, tăng từ 47,4 điểm trong tháng 1 lên 51,2 điểm trong tháng 2. Tuy nhiên, đây là con số đã điều chỉnh yếu tố mùa vụ và trên thực tế, số liệu chưa điều chỉnh PMI tháng 2 ghi nhận ở mức 49 điểm (không có nhiều sự khác biệt với tháng 1 đạt 48,3 điểm).

Đáng chú ý, khi Tổng cục thống kê cho biết số lượng lao động trong ngành chế biến chế tạo giảm 1,1% so với cùng kỳ (ước tính vào khoảng gần 80 nghìn người). SSI cho rằng, đây cũng là một tín hiệu không mấy tích cực cho ngành sản xuất, khi các doanh nghiệp phải thu hẹp lại quy mô sản xuất và cắt giảm lao động.

Xuất khẩu cũng diễn biến tương tự, giảm -10,4% so với cùng kỳ. Tăng trưởng xuất khẩu giảm, chủ yếu do thủy sản (-32,9%), dệt may (-19,6%), linh kiện máy tính (-13,9%). Trung Quốc là thị trường duy nhất ghi nhận tăng trưởng (4,6%) trong khi đó các thị trường chủ chốt khác đều giảm khá mạnh như Mỹ (-20,8%), ASEAN (-8,6%) hay EU (-4,3%).

Nhập khẩu giảm -16% so với cùng kỳ, trong đó nhập khẩu linh kiện trung gian giảm mạnh do các đơn hàng mới ở mức yếu. Do đó, thặng dư thương mại tăng lên 2,8 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm.

Xuất khẩu dệt may giảm 19,6% trong 2 tháng đầu năm.

Về áp lực lạm phát, SSI cho rằng áp lực này vẫn còn hiện hữu. Lạm phát bình quân trong 2 tháng đầu năm ghi nhận ở mức 4,6% so với cùng kỳ (cao hơn mục tiêu 4,5% của Chính phủ) với 2 nhân tố đóng góp lớn từ nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (+7,4%), thực phẩm (+5,0%).

“Lạm phát cơ bản vẫn là yếu tố cần được quan sát cẩn trọng trong thời gian tới, khi ghi nhận mức tăng 5,1% so với cùng kỳ. Trên thực tế, mặc dù chỉ số CPI theo tháng đã phần nào có dấu hiệu hạ nhiệt ở cả lạm phát chung và lạm phát cơ bản, chúng tôi cho rằng rủi ro vẫn còn hiện hữu, khi giá các mặt hàng thuộc quản lý của Chính phủ (giá điện) vẫn chưa được điều chỉnh tăng. Tiêu dùng trong nước chậm lại”, SSI phân tích.

Về tiêu dùng, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, theo SSI, lĩnh vực này tăng 13% so với cùng kỳ (+24,9% so với 2 tháng đầu năm 2019).

Tuy nhiên, áp lực về lạm phát cũng đè nặng lên tiêu dùng trong nước khi số liệu về tiêu dùng vẫn thấp hơn 25% so với xu hướng thông thường trước COVID-19 và doanh thu bán lẻ thực tế trong tháng 1 cũng đã điều chỉnh giảm mạnh so với ước tính trước đó.

Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,8 triệu lượt khách trong 2 tháng đầu năm – tương đương với 59% giai đoạn 2019. Đáng chú ý, du khách Trung Quốc mặc dù có sự cải thiện trong tháng 2 nhưng vẫn chỉ tương đương 8% so với thời kì trước COVID-19.

“Trên thực tế, khách Trung Quốc tăng yếu có thể do một số rào cản chính sách hạn chế khách du lịch như việc chưa mở bán các gói du lịch theo nhóm và hạn chế công suất chuyến bay từ phía Trung Quốc. Chúng tôi ước tính việc Trung Quốc mở cửa trở lại cần thêm thời gian để thực hiện và phản ánh vào nền kinh tế (kịch bản cơ sở là trong quý 3)”, SSI dự báo.

Đánh giá về điểm sáng của hoạt động sản xuất, SSI cho rằng, đầu tư là điểm sáng trong tháng 2. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân đạt 2,55 tỷ USD, giảm 4,85% so với cùng kỳ nhưng vẫn tương đương so với giai đoạn 2019-2021.

Điểm đáng chú ý FDI đăng kí mới đạt 1,76 tỷ USD, tăng 180% so với cùng kỳ với 2 dự án nổi bật đến từ Bắc Giang, bao gồm dự án sản xuất linh kiện của Ingrasys (621 triệu USD – công ty thành viên của tập đoàn Foxconn) và dự án sản xuất tấm năng lượng mặt trời từ Hainan LONGi (140 triệu USD).

Về đầu tư công, số liệu ước tính từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy giải ngân vốn Ngân sách Nhà nước trong 2 tháng đầu năm 2023 tăng 18,3% so với cùng kỳ, với sự góp sức từ Bộ Giao thông vận tải (tăng 91,7% so với cùng kỳ).

Báo cáo của SSI cho rằng, năm 2023, Việt Nam có nhiều dư địa để thúc đẩy nhu cầu trong nước thông qua các biện pháp kích thích tài khóa nhờ cơ cấu nợ công vẫn đang được kiểm soát. Trong đó, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế vẫn là điểm khác biệt của Việt Nam so với phần còn lại của thế giới, và là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2023.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm