Tin tức - Sự kiện

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ấn tượng

Để đạt được mức tăng trưởng ấn tượng là cả sự phấn đấu không ngừng nghỉ từ Chính phủ tới doanh nghiệp khi quý IV/2022 nhiều đơn hàng bị cắt giảm.

Cần nhiều ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội để giảm giá bán / Người dân Thủ đô hứng khởi chào năm mới 2023

Ảnh minh họa.

Năm 2022 vừa khép lại với rất nhiều chỉ số kinh tế xã hội đáng ghi nhận khi bức tranh kinh tế của Việt Nam có nhiều gam màu sáng trong bức tranh chung nhiều gam màu xám của các nền kinh tế trên thế giới. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp đã đạt kết quả đột phá, với mức tăng trưởng ấn tượng là 7,8%.

Quý IV/2022, lượng đơn hàng sụt giảm mạnh, chi phí đầu vào ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu, doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, xu hướng tăng chậm này vẫn không ngăn được đà tăng chung của sản xuất công nghiệp trong cả năm 2022.

Bà Đỗ Thị Ngọc - Vụ trưởng Vụ thống kê tổng hợp và phổ biến thông tin thống kê, Tổng cục thống kê cho biết: "Ngành công nghiệp là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2022, thể hiện qua chỉ số sản xuất công nghiệp IIP năm 2022 tăng ở mức khá, tăng 7,8% so với năm 2021 và rất nhiều ngành công nghiệp trọng điểm cũng có mức tăng trưởng cao".

Trong đó, có sự tăng trưởng ngoạn mục của một số ngành công nghiệp mũi nhọn như: sản xuất đồ uống, sản xuất dệt may, sản xuất da giày, sản xuất công nghiệp hóa dược và dược liệu. Việc Việt Nam đã sớm kiểm soát được đại dịch COVID-19 và xác định đúng thời điểm để mở cửa nền kinh tế, tranh thủ cơ hội thị trường thế giới khan hiếm về hàng hóa, tập trung đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu đã là cơ hội quan trọng giúp tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp đạt được mức tăng đột phá này.

Ông Madhav Joshi - Giám đốc Khu vực, Công ty TNHH ABB Việt Nam đánh giá: "Với các giải pháp Chính phủ Việt Nam đưa ra, nhất là kiểm soát tốt đại dịch đã làm cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư xây dựng chuỗi cung ứng bền vững trong ngành công nghiệp thiết bị ở hầu hết các khu công nghiệp tại Việt Nam. Có thể nói thời gian vừa qua có những ảnh hưởng nhất định về các đơn hàng, nhưng nhờ những lợi thế về vị trí, năng lực sản xuất của Việt Nam, chúng tôi vẫn giữ được các đối tác trong khu vực, châu Âu hay Hoa Kỳ…".

 

PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam cho biết: "Ngay từ đầu đã lường tính đến những sự khó khăn thì Chính phủ trong Nghị quyết 01 cũng chỉ đặt mục tiêu sự tăng trưởng của chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ từ 6,3 - 7,4%. Nhưng trên thực tế đến bây giờ tổng kết, con số này không có gì đáng phải nghi ngờ cả, tức tăng lên 7,8%. Trong bối cảnh thế giới khó khăn, tất cả mọi người đều nói đó là thành tích lạ thường và ấn tượng".

Năm 2023, Quốc hội đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,5%, thấp hơn con số 8,02% năm nay. Nhưng để đạt mục tiêu tăng trưởng này trong năm tới, cùng với các lĩnh vực như nông, lâm nghiệp và thủy sản phải đạt mức tăng trưởng tối thiểu 3%, lĩnh vực công nghiệp cũng phải đạt mưc tăng từ 7 - 8%. Đây cũng là mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh khó khăn chung trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm