Thị trường

Thiếu đơn hàng, sản xuất công nghiệp tháng 1/2023 sụt giảm mạnh

DNVN - Với việc số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng giảm đã kéo chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2023 giảm ở 30 địa phương với mức giảm chung là 14,6% so với tháng trước.

Thị trường lao động sẽ tiếp tục trở lại đà phục hồi / Việt Nam nhập gần 9 tỷ USD xăng dầu năm 2022

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2023 ước giảm 14,6% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số này so với cùng kỳ năm trước giảm ở 30 địa phương và tăng ở 33 địa phương trên phạm vi cả nước.
Đây là mức giảm khá mạnh và nguyên nhân chủ yếu là do Tết Nguyên đán Quý Mão diễn ra trong tháng 1/2023 nên số ngày làm việc ít hơn 8-10 ngày so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp tháng 1/2023.
Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo giảm 9,1%, làm giảm 7 điểm phần trăm trong mức tăng chung. Ngành khai khoáng giảm 4,9%, làm giảm 0,8 điểm phần trăm. Ngành sản xuất và phân phối điện giảm 3,4%, làm giảm 0,3 điểm phần trăm. Riêng ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2023 ước giảm 14,6% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng đầu tiên năm 2023, chỉ số sản xuất của một số ngành trọng điểm cấp II cũng có mức giảm tương đối mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, sản xuất phương tiện vận tải khác (mô tô, xe máy) giảm 27,1%; sản xuất xe có động cơ giảm 23,9%; sản xuất trang phục giảm 21%; sản xuất thiết bị điện giảm 19,1%...
Ở chiều ngược lại, chỉ số sản xuất của một số ngành tăng là sản xuất đồ uống tăng 17,5%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,9%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị tăng 3,8%.
Về tình hình lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/1/2023 giảm 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,2% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước không đổi và tăng 0,9%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 0,5% và tăng 0,8%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 1,1% và giảm 0,1%.
Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 0,8% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,1% so với cùng thời điểm năm trước. Ngành chế biến, chế tạo giảm 0,9% và tăng 0,2%. Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí không đổi và tăng 0,2%. Trong khi đó, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,4% và tăng 2,6%.
Trước đó, trong báo cáo về kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh của 6.500 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2023 được Tổng cục Thống kê công bố vào cuối tháng 12/2022 cho thấy, có 31,5% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2023 tốt hơn quý IV/2022; 37,3% doanh nghiệp cho rằng giữ ổn định và 31,2% doanh nghiệp đánh giá sẽ khó khăn hơn.
Về số lượng đơn đặt hàng mới quý I/2023 so với quý 4/2022, có 30% doanh nghiệp dự báo tăng; 39,4% doanh nghiệp nhận định giữ nguyên và 30,6% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm.
Đối với số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý I/2023 so với quý IV/2022, có 24,0% doanh nghiệp dự báo tăng; 42,7% cho biết giữ nguyên và 33,3% doanh nghiệp dự báo giảm.
Về tình hình lao động, dự báo sử dụng lao động quý I/2023 so với quý IV/2022 khả quan hơn với 82,4% số doanh nghiệp dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên (12,5% tăng, 69,9% giữ nguyên), 17,6% doanh nghiệp dự kiến lao động giảm.
Về khối lượng sản xuất quý I/2023 so với quý IV/2022, có 69,9% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (31,4% tăng, 38,5% giữ nguyên), 30,1% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất giảm.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm