Nghịch lý hàng không Việt: Doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận nhiều hãng về âm
Đề nghị tăng chuyến bay tại Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột / Đối tác ngoại phản hồi việc “mở lại bầu trời” của hàng không Việt
Theo công bố của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) trong năm 2022, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.
Ngay từ tháng 4/2022, thị trường vận chuyển hàng không nội địa đã ở mức tương đương cùng kỳ năm 2019. 69 đường bay nội địa đã được các hãng hàng không tái khai thác, mở mới và tăng tần suất.
Nhờ vào sự bùng nổ nhu cầu di chuyển trong giai đoạn cao điểm hè, sản lượng khách nội địa đã hồi phục hoàn toàn và tăng trưởng 40 - 42% so với cùng kỳ năm 2019 trong các tháng 6 - 8/2022.
Ở thị trường quốc tế, các hãng hàng không Việt đã khôi phục 118 đường bay, kết nối từ 9 sân bay Việt Nam đến 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, vận chuyển 11 triệu lượt khách quốc tế, gấp 22 lần so với năm 2021.
Bên cạnh việc tăng cường công suất, các hãng hàng không cũng nhanh chóng đi tắt đón đầu trong hoạt động nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không, cũng như xây dựng các dòng sản phẩm mới, đa dạng, hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu hành khách.
Nhờ những nỗ lực vượt bậc này, các hãng bay Việt đã ghi nhận doanh thu liên tục đạt mức cao kỷ lục thời gian qua.
Tuy nhiên, giữa bức tranh khởi sắc chung của toàn ngành, nhiều ý kiến cho rằng sự phục hồi ở các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng không là chưa đồng đều. Đặc biệt khi các hãng bay vẫn phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi mới nảy sinh.
Giá nhiên liệu bay (Jet A1) liên tục tăng vọt trong năm 2022, có thời điểm đạt mức trên 160 USD/thùng. Bình quân cả năm 2022, giá nhiên liệu bay đạt 130 USD/thùng, tăng khoảng 80% so với mức trung bình của năm 2021.
Trong giai đoạn trước mắt, giá Jet A1 vẫn được dự báo dao động ở mức 110-130USD/thùng, gây bất lợi lớn cho các hãng hàng không, trong bối cảnh chi phí nhiên liệu chiếm tới hơn 40% tổng chi phí khai thác.
Bên cạnh đó, USD tăng giá khoảng 9% so với VND trong năm 2022 cũng gây áp lực tài chính lớn cho các hãng bay, khi đây là đồng ngoại tệ được sử dụng phổ biến nhất để thanh toán các chi phí hoạt động.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tài chính, VND trong 2023 vẫn còn dư địa giảm giá khoảng 3 - 4% so với USD.
Đây đều là các nhân tố ảnh hưởng mạnh tới khả năng điều tiết giá cả một cách hiệu quả của các hãng bay, cũng như toàn thị trường.
Do đó, trong ngành hàng không nội địa đang tồn tại một nghịch lý là mặc dù doanh thu tăng mạnh, nhưng nhiều hãng bay vẫn nhuận ở mức âm.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt", chiều 24/2, TS Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đã đưa ra 3 kịch bản về sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam thời gian tới. Đó là kịch bản kỳ vọng, kịch bản lạc quan và kịch bản bi quan.
Theo đó, kịch bản kỳ vọng được xem xét trong bối cảnh về cơ bản, dịch bệnh được kiểm soát ở Việt Nam và các nước có đông du khách tới Việt Nam; chính sách hạn chế đi lại của Việt Nam và các nước đó được gỡ bỏ, thủ tục kiểm soát được đơn giản hóa.
Với kịch bản này, về cơ bản, thương mại quốc tế và các chuỗi cung ứng toàn cầu được khôi phục nhưng vẫn còn những đứt gãy cục bộ, ngắn hạn cho tới giữa năm 2023.
Chính sách của Nhà nước phát huy tốt tác động tích cực tổng hợp tới ngành hàng không và các doanh nghiệp hàng không chủ động tái cấu trúc, xây dựng và triển khai các chương trình quảng bá, xúc tiến có hiệu quả, đặc biệt là đối với thị trường mục tiêu.
Kết quả hoạt động của ngành đạt mức cao điểm trước dịch bệnh vào đầu năm 2023, trong đó vận chuyển hành khách trong nước được phục hồi vào cuối năm 2022, vận chuyển hành khách quốc tế phục hồi vào đầu năm 2023.
Tuy nhiên, đối với kịch bản bi quan, nếu kinh tế Việt Nam và thế giới tăng trưởng chậm hơn so với kế hoạch và mức dự báo tối thiểu hiện nay thì phải tới cuối năm 2024, kết quả hoạt động của ngành đạt mức cao điểm trước dịch bệnh.
Để phục hồi, phát triển ngành hàng không và hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành có thể nhanh chóng phục hồi, phát triển, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam kiến nghị, Nhà nước tiếp tục đầu tư xây dựng, mở rộng, đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành hàng không và hệ thống cơ sở hạ tầng có liên quan tới hoạt động của ngành hàng không Việt Nam.
Nhà nước cần có chính sách tăng cường thu hút đầu tư tư nhân và các hình thức công - tư hỗn hợp để đa dạng hóa hệ thống cơ sở hạ tầng và đẩy nhanh tốc độ nâng cấp, mở rộng hệ thống này theo yêu cầu của thị trường cũng như đổi mới và hoàn thiện công tác tổ chức, quản lý nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống này.
Đồng thời, tiếp tục chuẩn bị và sớm triển khai đàm phán với những quốc gia là thị trường có tiềm năng lớn cho ngành hàng không mà hiện Việt Nam chưa khai thác được nhiều để các hãng hàng không có điều kiện thuận lợi trong việc thâm nhập và khai thác thị trường này.
“Trước mắt, Nhà nước cần tiếp tục đàm phán để mở rộng phạm vi thừa nhận “hộ chiếu vaccine” của Việt Nam, thỏa thuận các quy trình, thủ tục với hành khách bay đi và đến Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho khách bay.
Kịp thời bổ sung các biện pháp bảo vệ lợi ích của ngành hàng không trong nước, ngăn ngừa và chống lại các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp hàng không nước ngoài, tránh để họ lợi dụng lợi thế chèn ép các doanh nghiệp trong nước”, ông Nề kiến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo