Nhiều dư địa thúc đẩy thương mại hàng nông sản vào thị trường Châu Âu
Xuất khẩu sang EU, bún, miến, phở sẽ không cần giấy chứng nhận an toàn thực phẩm / EU ngừng kiểm soát khẩn cấp với bún, miến, phở, bánh đa của Việt Nam
Phát biểu tại “Diễn đàn Kinh doanh nông nghiệp Việt Nam - EU” sáng 11/7, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đánh giá quan hệ thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và EU không ngừng cải thiện trong thời gian qua, đặc biệt từ sau khi có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Các mặt hàng trao đổi giữa hai bên có tính bổ trợ, không cạnh tranh. Kim ngạch thương mại nông lâm thủy sản 2 chiều Việt Nam - EU tăng từ 4,3 tỷ USD năm 2015 lên 4,5 tỷ năm 2020, 5,2 tỷ USD năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022 đạt 2,66 tỷ USD tăng 26% so với năm 2022.
Liên minh châu Âu (EU) là thị trường quan trọng của Việt Nam đối với các mặt hàng như cà phê, hạt điều, hồ tiêu, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ. Việt Nam nhập khẩu từ EU chủ yếu vật tư, thiết bị nông nghiệp, các sản phẩm chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Hai bên còn rất nhiều dư địa để thúc đẩy thương mại hàng nông sản. Bên cạnh các mặt hàng nêu trên, cần xem xét thúc đẩy thương mại đối với các mặt hàng như gạo của Việt Nam, rau quả của cả Việt Nam và EU, các sản phẩm chế biến, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý….
Theo ông Tiến, Việt Nam có lợi thế về sản xuất và xuất khẩu nông sản. Việt Nam thuộc nhóm 15 nước xuất khẩu nông lâm thủy sản hàng đầu thế giới.
Nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đến trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD và dự báo đạt trên 55 tỷ USD vào năm 2022.
Lợi thế so sánh trong sản xuất nông sản cùng với môi trường vĩ mô ổn định và an toàn, thị trường trong nước quy mô lớn với gần 100 triệu dân, là cửa ngõ cho khu vực Đông Nam Á với 650 triệu dân, Việt Nam đã thu hút được các tập đoàn lớn và có tiếng trong lĩnh vực nông nghiệp trên thế giới, trong đó có các doanh nghiệp EU như Bayer (Đức); De Heus, Nutreco (Hà Lan); Nestlé (Thụy Sỹ); Ceva, Virbac (Pháp).
Tính đến cuối năm 2020, tổng số dự án FDI luỹ kế còn hiệu lực trong ngành nông nghiệp (bao gồm cả sản xuất nông nghiệp trực tiếp và các ngành công nghiệp – dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp) là 1961 dự án, với vốn đăng ký đạt 17,2 tỷ USD.
“Có 62 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có đầu tư vốn FDI vào ngành nông nghiệp Việt Nam. Trong đó, vốn FDI từ EU vào nông nghiệp Việt Nam vẫn khá khiêm tốn, với 44 dự án và tổng vốn đăng ký trên 200 triệu USD, chỉ chiếm 9,6% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam và dưới 1% so với tổng FDI của EU vào Việt Nam”, ông Tiến cho biết.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định Bộ sẵn sàng hợp tác với EU trong nỗ lực thúc đẩy an ninh lương thực, phát triển bền vững, đảm bảo ổn định kinh tế - xã hội trong khu vực và toàn cầu.
Bộ NN PTNT sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với EU để tạo thuận lợi thương mại, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật theo thông lệ quốc tế, không tạo ra các rào cản thương mại mới mà không đủ cơ sở khoa học, nhằm thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản, vì lợi ích của người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng của 2 bên.
“Việt Nam cũng mong muốn thu hút các dự án FDI tập trung vào phát triển nông nghiệp tri thức; nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, hữu cơ; cụm liên kết ngành cấp vùng, gắn với các vùng chuyên canh lớn; chế biến nông lâm thủy sản, đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao; phát triển cơ sở hạ tầng thương mại và logistics phục vụ chuỗi giá trị nông nghiệp’, ông Tiến nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo