Thị trường

Tỷ lệ lấy mẫu kiểm tra thanh long của EU quá cao: Hiệp hội Rau quả "kêu cứu"

DNVN - Hiệp hội Rau quả Việt Nam vừa gửi Công văn số 31/VP-HHRQVN/22 tới Văn phòng SPS Việt Nam, đề nghị làm việc lại với phía EU để giảm tần suất kiểm tra thanh long và rau gia vị khi xuất khẩu sang thị trường này.

EU dự kiến kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với mì ăn liền xuất xứ Việt Nam / Xuất khẩu nông sản sang EU, Mỹ, Trung Quốc: Chuyên gia "bắt bệnh" những hạn chế của doanh nghiệp Việt

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hiện tỷ lệ kiểm tra lấy mẫu hàng thanh long để kiểm tra dư lượng hóa chất tồn dư trong sản phẩm (MRL) là 20%, và tỷ lệ kiểm tra với rau gia vị là 50%, theo thông báo ngày 13/6/2022 của EU.

Tỷ lệ lấy mẫu kiểm tra thanh long, rau gia vị của EU quá cao khiến doanh nghiệp gặp khó.

"Chúng tôi thấy tỷ lệ này quá cao và quá khắc nghiệt đối với hàng rau quả Việt Nam vì sau khi lấy mẫu kiểm tra là coi như số hàng đó bị mất đi không thể sử dụng được, nghĩa là chúng tôi bị mất đi một giá trị hàng bao gồm giá hàng cộng chi phí logistics cao ngất ngưởng hiện nay", Công văn số 31 viết.

Việc giữ tần suất kiểm tra thanh long ở mức 20% và rau gia vị ở mức 50% khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị "ăn mòn". Đồng thời, việc kiểm tra kéo dài hơn 4 ngày để đáp ứng tần suất trên, khiến phẩm chất hàng bị "sút kém khi bán ra thị trường".

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Hiệp hội đang đề nghị Văn phòng SPS Việt Nam làm việc với phía EU, nhằm giảm bớt tỷ lệ lấy mẫu kiểm tra xuống khoảng 3%.

Một giải pháp khác được ông Nguyên nêu ra, là EU có thể chỉ định một cơ quan kiểm định tại Việt Nam, giúp kiểm tra hàng trước khi xuất khẩu như cách phía Mỹ đang làm (chiếu xạ) và công nhận kết quả của cơ quan này.

Một số cơ quan kiểm định có nguồn gốc EU hiện hoạt động tốt ở Việt Nam như Eurofins, Bureau Veritas... có đủ khả năng xét nghiệm MRL theo yêu cầu của Hải quan EU.

"Chúng tôi mong muốn giảm tỷ lệ kiểm tra tại EU, bởi vừa mất thời gian, vừa gây ảnh hưởng cho phía doanh nghiệp Việt Nam. Hy vọng phía EU có thể tháo gỡ nút thắt này cho xuất khẩu rau quả Việt Nam", ông Nguyên chia sẻ.

Từ Geneva, Thụy Sĩ, TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Trưởng Đoàn công tác của Việt Nam tại phiên họp thứ 83 của Ủy ban SPS-WTO cam kết: "SPS Việt Nam sẽ đề nghị EU làm rõ các tiêu chí về tần suất kiểm tra một số nông sản, thực phẩm xuất khẩu, cũng như đi đến thống nhất các giải pháp nhằm giảm tần suất kiểm tra, giúp doanh nghiệp, người dân đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu".


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm