Tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh trước thách thức khủng hoảng Covid-19
Covid-19 làm gia tăng số hộ nghèo tạm thời về thu nhập, các vấn đề về bất bình đẳng giới / Chống buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong lực lượng chức năng
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Phạm Việt Dũng, Tổng Biên tập Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam cho hay: “Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những hậu quả to lớn, nặng nề và đặt ra những vấn đề chưa từng có tiền lệ cho thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Dường như tất cả các quốc gia đều đứng trước một câu hỏi lớn là làm gì để đối phó hiệu quả với vô vàn khó khăn do đại dịch gây ra, đồng thời nhanh chóng khắc phục thiệt hại, lấy lại nhịp độ tăng trưởng, duy trì đà phát triển kinh tế và sự ổn định của đời sống xã hội”.
Tổng biên tập Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam Phạm Việt Dũng phát biểu khai mạc.
Ông Dũng cũng cho biết, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra và chỉ đạo triển khai nhiều quyết sách quan trọng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giảm thiểu khó khăn, thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra, đặc biệt là các chủ trương, chính sách nhằm thực hiện mục tiêu kép là vừa ngăn chặn, chống dịch thành công, vừa tiếp tục phát triển ổn định, bền vững nền kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, tình hình kinh tế quốc tế và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến sự sống còn của không ít doanh nghiệp. Thực tế ấy đòi hỏi không chỉ có trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc hoạch định chính sách, mà còn cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính các doanh nghiệp để nỗ lực tìm ra những giải pháp hiệu quả, nhằm chủ động thích ứng, vượt qua những thách thức của đại dịch và hơn nữa còn có thể biến nguy thành an, biến thách thức, khó khăn thành cơ hội phát triển mới.
Ông Phạm Việt Dũng nhấn mạnh, tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh luôn là vấn đề quan trọng, quan tâm thường trực không chỉ của các nhà quản lý mà còn là bài toán cốt tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân. Đặc biệt, trải qua cơn tàn phá của đại dịch Covid-19 này, vấn đề định vị lại, điều chỉnh chiến lược, giải pháp sản xuất, kinh doanh và mô hình cạnh tranh đang đặt ra rất nhiều yêu cầu cấp bách trước mặt, lâu dài cả ở tầm quốc gia, ở doanh nghiệp. Theo ông Dũng, để góp phần giải quyết vấn đề này, không chỉ có sự nỗ lực của các cơ quan quản lý, các doanh nhân, doanh nghiệp mà còn cần sự chung sức vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội.
Diễn đàn “Tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh trước thách thức khủng hoảng Covid”.
“Có thể khẳng định, Chính phủ đã rất linh hoạt và chủ động trong ứng phó với đại dịch, các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành là rất quyết liệt, phù hợp với tình hình thực tế. Qua đó, nước ta đã giữ vững được sự ổn định kinh tế vĩ mô, tạo lập được môi trường ổn định cho các ngành phục hồi, phát triển trong trạng thái bình thường mới”, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phát biểu.
Một số ý kiến cho rằng, bên cạnh những tín hiệu tích cực, tình hình kinh tế quốc tế và trong nước vẫn còn những khó khăn, thách thức đe dọa sự sống còn của không ít doanh nghiệp. Thực tế này đòi hỏi không chỉ trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạch định chính sách mà còn cần có sự vào cuộc quyết liệt của các chính các doanh nghiệp để nỗ lực tìm ra các giải pháp hiệu quả, nhằm chủ động thích ứng, vượt qua những thách thức của đại dịch và để biến nguy thành an, biến các thách thức, khó khăn thành cơ hội phát triển mới.
TS. Võ Trí Thành đề xuất, cần tiếp tục triển khai thực hiện hiện quả hơn nữa các giải pháp, gói hỗ trợ đã được Chính phủ đề ra tương đối đồng bộ và toàn diện, nhất là những giải pháp về hoãn, giãn, miễn, giảm thuế, phí đối với doanh nghiệp; xem xét thực hiện các gói kích thích kinh tế mới phù hợp với điều kiện thực tế; tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, năng lực chống chịu trước các biến động kinh tế của các doanh nghiệp; thực hiện tốt các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gắn liền với tăng cường tính minh bạch hóa thị trường.
Toàn cảnh cuộc họp.
Sau khi đánh giá về những tác động, cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp sau đại dịch Covid–19, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế đã tập trung phân tích những xu hướng đầu tư-kinh doanh mới, trong đó nhấn mạnh, phân tích cụ thể về các xu hướng lớn như: việc đầu tư vào những lĩnh vực an toàn; việc cắt giảm chi phí đầu tư và nhân sự; tái cấu trúc chuỗi cung ứng và đầu tư; tận dụng cơ hội từ chuyển dịch dòng vốn đầu tư; việc áp dụng công nghệ, thay đổi cách thức làm việc; việc định hình lại cách thức cung cấp sản phẩn, dịch vụ của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến chuyên gia đã tập trung mạnh vào phân tích các giải pháp giúp gia tăng doanh số đối với doanh nghiệp; việc duy trì việc làm ổn định và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trước các tác động kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra; phát triển các kênh phân phối và mở rộng thị trường sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp; quản trị rủi ro, nắm bắt cơ hội thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, duy trì lợi nhuận bền vững; tăng cường khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo