Kinh doanh

Ví điện tử và thanh toán không tiền mặt đang tác động lớn đến thị trường bán lẻ

DNVN - Sẽ có hai xu hướng tiếp tục phát triển trong thời gian tới có ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường bán lẻ, đó là việc sử dụng ví điện tử và thanh toán không tiền mặt tiếp tục được đẩy nhanh, thương mại điện tử trong lĩnh vực bán buôn từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp (B2B) sẽ có sự tăng trưởng đáng kể

Hàng Việt vào siêu thị ngoại: Còn nhiều trở ngại / Chuỗi siêu thị hàng Nhật nội địa Sakuko Japanese có nhận diện thương hiệu mới

Deloitte Việt Nam vừa phát hành báo cáo ngành bán lẻ năm 2022 với chủ đề Ngành bán lẻ tại Việt Nam: Mô hình đa kênh (omnichannel) “cất cánh”. Báo cáo chỉ ra một số xu hướng chuyển đổi trong ngành bán lẻ tại Việt Nam và những cơ hội cho các nhà bán lẻ để đổi mới và phát triển chiến lược đa kênh.

Theo đó, xu hướng nổi bật là việc omnichannel phát triển nhanh chóng sau đại dịch COVID -19. Hầu hết người tiêu dùng Việt Nam ở khu vực thành thị đã quen với thói quen tiêu dùng trên nhiều kênh: Các cửa hàng truyền thống, website của nhãn hàng, nền tảng trao đổi của bên thứ ba và ứng dụng giao đồ ăn, sau khi cân nhắc các yếu tố về thời gian giao hàng, giá cả, khuyến mãi, ưu đãi…

Phân khúc siêu thị được hưởng lợi từ sự thay đổi chi tiêu của người tiêu dùng.

Ngay trong đại dịch, nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi đã nhanh chóng phát triển và xuất hiện trên nhiều kênh trong đó có cả các nền tảng giao đồ ăn. Nhiều thương hiệu đã phát triển và cho ra mắt ứng dụng điện thoại độc quyền để tương tác trực tiếp với khách hàng.

Xét về thị phần, các chuỗi cửa hàng nước ngoài “thống trị” phân khúc cửa hàng tiện lợi của Việt Nam, với 4 trong số 5 thương hiệu hàng đầu thuộc sở hữu của các công ty đa quốc gia nước ngoài.

Các siêu thị lớn ngày càng trở nên phổ biến khi mua số lượng lớn và nhiều loại hàng hóa. Trong đại dịch, phân khúc siêu thị lớn đã tận dụng xu hướng chuyển dịch sang các kênh kỹ thuật số bằng cách mở rộng sự hiện diện trên các nền tảng thương mại điện tử và thương mại di động.

Các công ty đa quốc gia nước ngoài tiếp tục chiếm ưu thế phân khúc siêu thị lớn, một số siêu thị lớn sử dụng các loại sản phẩm độc đáo của riêng họ như một lợi thế cạnh tranh.

Đặc biệt, các siêu thị tận dụng các sản phẩm nhãn hiệu riêng và các mẫu mã nhỏ hơn. Phân khúc siêu thị đã được hưởng lợi từ sự thay đổi chi tiêu của người tiêu dùng - giảm bớt việc mua sắm tại các nhà bán lẻ tạp hóa truyền thống trong thời kỳ đại dịch.

Hơn nữa, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến giá cả, các chuỗi siêu thị cũng đã tận dụng điểm này để bán các sản phẩm nhãn hiệu riêng của họ với mức giá ưu đãi.

Chia sẻ về những xu hướng của ngành bán lẻ, ông Vũ Đức Nguyên, Phó Tổng Giám đốc phụ trách ngành hàng tiêu dùng, Deloitte Việt Nam cho biết lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi nhanh chóng trong thời gian tới.

“Chúng tôi tin rằng, một số thói quen tiêu dùng gắn với mô hình đa kênh omnichannel sẽ không chỉ là tạm thời, mà sẽ trở thành thói quen lâu dài, khi người tiêu dùng quen với sự tiện lợi mà mô hình này đem lại.

Sẽ có hai xu hướng tiếp tục phát triển trong thời gian tới có ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường bán lẻ, đó là việc sử dụng ví điện tử và thanh toán không tiền mặt tiếp tục được đẩy nhanh, thương mại điện tử trong lĩnh vực bán buôn từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp (B2B) sẽ có sự tăng trưởng đáng kể”, ông Nguyên dự báo.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm