Kinh doanh

VN-Index có thể lên 1.300 điểm hay xuống 820 điểm?

Lạc quan nhất là VN-Index có thể lên hơn 1.300 điểm và xấu nhất là quay xuống mức 820 điểm, theo dự báo của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng Việt Nam.

Thao túng giá cổ phiếu V21, một cá nhân bị phạt hơn nửa tỉ đồng / Nông sản rớt giá kéo theo thị trường phân bón trầm lắng

Diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động mạnh đến thị trường chứng khoán

Diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động mạnh đến thị trường chứng khoán


Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng phòng phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, thị trường chứng khoán hiện rủi ro hơn so với năm 2017. Ông Lâm đưa ra 3 kịch bản dự báo cho VN-Index trong những tháng cuối năm bao gồm kịch bản lạc quan nhất là VN-Index tăng lên 1.302 điểm nếu Mỹ và Trung Quốc tìm được tiếng nói chung, tình trạng căng thẳng được chấm dứt, thị trường khu vực dự kiến tăng khoảng 20% so với hiện nay.
Trong khi đó, kịch bản trung tính đưa VN-Index đạt mức 1.109 nếu tình hình căng thẳng thương mại đó sẽ có giải pháp trung dung, không đến mức thực thi tất cả những tuyên bố của Mỹ về đánh thuế lên hầu hết các hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc với giá trị hơn 200 tỉ USD. Cuối cùng kịch bản xấu nhất có thể xảy ra khi trong tháng 9 chiến tranh thương mại leo thang, thị trường khu vực sẽ chịu tác động lớn kéo chỉ số chứng khoán giảm khoảng 30% so với mức hiện tại.
Trên thực tế, từ cuối tháng 6 đến nay, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra, chỉ số VN-Index giảm so với các thị trường ASEAN. Cụ thể chỉ số VN-Index đã giảm 2,4%, trong khi thị trường chứng khoán Philippines, Thái Lan, Malaysia tăng khá với mức trung bình tăng 4,1%. Chỉ riêng thị trường chứng khoán Indonesia giảm nhẹ hơn 1%. Nếu so với nhóm chỉ số chứng khoán các thị trường cận biên như Estonia, SriLanka, Bulgaria, Tunisia, Romania... với mức giảm bình quân 1,7% thì tốc độ giảm của VN-Index cũng mạnh hơn. Điều này cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đã phản ứng thái quá với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Với việc giảm giá vừa qua, chỉ số P/E (giá/thu nhập cổ phiếu) chung của thị trường Việt Nam đã giảm về 17,4 lần so với mức cao nhất 21,7 lần. So sánh chung thị trường mới nổi chỉ số P/E khoảng 15,64 lần thì P/E thị trường Việt Nam vẫn đắt. Tuy nhiên so sánh với 4 quốc gia tương đương khối ASEAN gồm Thái Lan, Philippines, Malaysia và Indonesia với P/E bình quân khoảng 18,45 lần thì Việt Nam đang rẻ hơn. Bên cạnh đó, tốc độ tăng GDP của Việt Nam vẫn thuộc các nước tăng cao nhất trong khối quốc gia Đông Nam Á. Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN-5 (Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam) duy trì mức mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay.
Trong khi đó, Báo cáo chiến lược quý 3/2018 của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, các rủi ro vĩ mô trong quý là chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng phức tạp hơn. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 2 lần khiến dòng vốn có khả năng sẽ tiếp tục rút khỏi nhóm thị trường mới nổi. Tiếp theo là rủi ro về vấn đề chính sách bảo hộ của Mỹ sẽ khiến xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới khi Mỹ vẫn đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu của thị trường này là 21,5 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm (chiếm tỷ trọng cao nhất so với các khu vực khác). Tuy nhiên công ty này vẫn dự báo thị trường sẽ có giai đoạn tăng vào cuối năm nay với mục tiêu VN-Index có thể quay lại mức 1.200 điểm.
Còn báo cáo của Công ty chứng khoán Rồng Việt cho biết sự gia tăng của biến động tiền tệ, lợi nhuận kém của các cổ phiếu tại Đông Nam Á, và việc giảm đầu tư trong mùa hè có thể hàm ý rằng thị trường chứng khoán trong khu vực đang ở mức rủi ro thấp. Rồng Việt kỳ vọng từ tháng 10, cho dù có khả năng căng thẳng địa chính trị gia tăng, thì thị trường chứng khoán vẫn có thể khởi sắc hơn và kết thúc năm 2018 khả quan.
Theo Báo Thanh niên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm