Thị trường

Kinh tế 2023, dự báo 2024: Tìm lời giải tối ưu hiệu quả đầu tư công

Năm 2023 là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với hoạt động đầu tư công, nhất là việc làm sao gỡ được các nút thắt để giải ngân đầu tư công một cách hiệu quả.

Nhìn lại năm 2023, dự báo năm 2024: Bitcoin vượt qua những thách thức và hoài nghi / Thanh khoản nhỏ giọt, gia tăng áp lực tồn kho bất động sản nghỉ dưỡng

Chú thích ảnh
Hàng trăm phương tiện hoạt động hết công suất để thi công hạng mục móng mặt đường tại gói thầu số 10 (Tam Điệp, Ninh Bình). Ảnh tư liệu: Huy Hùng/TTXVN

Đầu tư công được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai mạnh mẽ với kỳ vọng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình giải ngân, đặc biệt là về cơ chế, chính sách. Vậy, giải pháp nào để đầu tư công phát huy hiệu quả hơn, tạo động lực kéo đầu tư tư nhân tăng trưởng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) xung quanh vấn đề này.

Năm 2023, đầu tư công đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tập trung, thúc đẩy mạnh mẽ với kỳ vọng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phần nào hỗ trợ doanh nghiệp. Ông có bình luận gì về những kết quả đã đạt được ở lĩnh vực này?

Đây là kỳ vọng lớn, nỗ lực cũng rất nhiều với sự sát sao của Chính phủ, sự quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và quyết tâm của các doanh nghiệp. Điều này cho thấy được sự chuyển biến đầu tiên là ở ngành xây dựng với mức tăng trưởng hơn 6% sau quý III/2023 trong khi kinh doanh bất động sản lại tăng trưởng âm. Nhờ chủ trương thúc đẩy đầu tư công nên nhiều công trình, dự án đã và đang được tích cực triển khai, tạo nguồn thu cho không ít doanh nghiệp và đem lại công ăn việc làm cho bao người lao động.

Tuy nhiên, thực tiễn tình hình giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, chưa đáp ứng mong đợi, cũng như chưa có sự cải thiện nhiều. Điều này chưa đảm bảo cho việc đầu tư công thực sự trở thành yếu tố dẫn dắt tổng cầu.

Cũng đã có nhiều nguyên nhân được các chuyên gia kinh tế phân tích dẫn tới sự chậm trễ trong đầu tư công. Ở góc nhìn của tôi thì thấy rằng, cơ bản vẫn là do công tác chuẩn bị dự án đang còn hạn chế. Việc lựa chọn nhà thầu và đối tác thi công cũng chưa đảm bảo và đặc biệt là giá nguyên vật liệu đầu thêm tăng cao khiến cho các nhà thầu không mặn mà triển khai.

Tuy nhiên, mấu chốt vẫn là vấn đề về thể chế, chính sách; môi trường đầu tư hoặc các thủ tục điều kiện kinh doanh vẫn còn rào cản. Tình hình này có thể sẽ còn kéo dài tới năm 2024, bởi dư địa tăng trưởng không còn nhiều, nội lực ngày càng cạn và nguồn vốn đầu tư công sẽ là thách thức trong năm tới.

Cùng với việc triển khai, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng tích cực kiểm tra, giám sát để kịp thời hỗ trợ chủ đầu tư, nhà thầu giải quyết khó khăn, thách thức nhằm đảm bảo tiến độ và hiệu quả dự án. Ông nhận định ra sao về điều này?

Tôi quan tâm tới cách làm nhiều hơn. Dù nỗ lực nhưng giải ngân đầu tư công vẫn chậm tiến độ nên khả năng kích thích cầu trong nước chưa cao. Đầu tư công vẫn chưa kéo được đầu tư tư nhân tăng trưởng.

Ở một số nơi, một số ngành và địa phương cũng cử 5-6 cơ quan, đơn vị kiểm tra, giám sát các dự án về tình hình thực hiện, tiến độ thi công và nhiều tiêu chí khác. Nhưng theo tôi, điều đó chưa đem lại hiệu quả và chưa thể gỡ vướng cho từng dự án. Vì lẽ đó, vấn đề này cần có giải pháp mang tính hệ thống hơn; cải cách thể chế cũng phải được tiến hành một cách hệ thống hơn.

Ông có thể nói rõ hơn về cải cách thế chế trong lĩnh vực đầu tư công và điều gì theo ông cần tập trung thay đổi?

Nên bắt đầu từ thủ tục đầu tư và theo tôi, cần tách việc chuẩn bị dự án đầu tư ra khỏi quy trình thủ tục mà doanh nghiệp phải thực hiện. Điều này sẽ đem lại nhiều lợi ích như: tăng chất lượng dự án, thúc đẩy tiến trình giải ngân và tăng được hiệu quả sử dụng đồng vốn. Các bộ và địa phương hãy dùng một số ngân sách chi thường xuyên để chuẩn bị dự án đầu tư. Dự án đầu tư tốt sẽ được đưa vào Kế hoạch đầu tư trung hạn hàng năm.

Kế hoạch này cũng cần có tiêu chí lựa chọn những dự án trọng điểm nhất, phù hợp nhất thậm chí triển vọng đem lại hiệu quả nhất để ưu tiên triển khai trước. Như vậy, các địa phương cần có một danh sách dự án được sắp xếp thứ tự ưu tiên theo các tiêu chí hoặc theo số lượng vốn. Như cách làm hiện nay là hoàn toàn không có thứ tự ưu tiên, dẫn tới ở nhiều địa phương, có nhiều dự án tốt những vẫn không được lựa chọn để triển khai.

Sau nữa là cần phải tiếp tục đơn giản hoá thủ tục; bỏ đi nhiều thứ, thậm chí có thể bỏ đi từ 1/2 đến 2/3 những quy định về thủ tục đầu tư hiện tại. Việc lược bỏ, đơn giản hoá thì nên giao cho một đơn vị độc lập để đảm bảo sự công tâm và thời gian tiến hành.

Chẳng hạn như trong quy hoạch của các tỉnh hoặc ngành đã có danh mục dự án đầu tư thì sắp xếp theo thứ tự ưu tiên của các dự án đó và thực hiện thủ tục quyết định đầu tư. Bên cạnh đó, nên bỏ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư vì đây là thủ tục quan trọng nhất nhưng lại đang dựa trên những thông tin sơ sài khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian.

 

Đôi khi, do không có sự chuẩn bị kỹ, quá trình thực hiện phải qua nhiều lần điều chỉnh khiến thủ tục điều chỉnh dự án mất nhiều thời gian, tương tự như cách thực hiện 1 dự án mới. Điều đó sẽ làm chậm tiến độ, làm đội vốn, lãng phí và kém hiệu quả cho dự án.

Theo tôi, riêng về lĩnh vực đầu tư công, để có sự cải thiện hơn, tối ưu hiệu quả để kích thích tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong năm 2024 cần nỗ lực nhiều hơn về cải cách thể chế, đổi mới tư duy và cách làm.

Trân trọng cảm ơn ông!

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm