Thị trường nông sản: Xuất khẩu gạo trầm lắng do hạn chế nguồn cung
Nhìn lại năm 2023, dự báo năm 2024: Bitcoin vượt qua những thách thức và hoài nghi / Đề nghị các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án bất động sản giảm giá nhà
Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giá các loại lúa như: Đài thơm 8, OM 18 ở mức từ 9.400 – 9.600 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; nàng Hoa 9 giá từ 9.500 – 9.600 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; IR 50404 từ 8.900 – 9.100 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OM 5451 từ 9.400 – 9.650 đồng/kg cũng tăng 100 đồng/kg; lúa Nhật ổn định từ 7.800 - 8.000 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 16.000 – 17.500 đồng/kg; gạo thơm Thái hạt dài từ 19.000-20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 17.500 – 18.500 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.500 đồng/kg…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, diện tích sản xuất lúa của cả nước đạt 7,1 triệu ha, năng suất dự kiến 60,7 tạ/ha, sản lượng dự kiến 43,1 triệu tấn, tăng khoảng 0,4 triệu tấn so với năm 2022.
Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhấn mạnh, 2023 là một năm rất thành công đối với ngành gạo, Việt Nam xác lập 2 kỷ lục mới. Đó là giá lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam cao chưa từng có trong lịch sử ngành hàng. Sản lượng gạo xuất khẩu lập đỉnh 8 triệu tấn. Đây là năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được 8 triệu tấn.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, trong quá trình triển khai đề án, sẽ thực hiện thí điểm các chính sách mới như: chi trả tín chỉ carbon dựa trên kết quả; tập trung vào sản xuất phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tận dụng tối đa phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo; khai thác đa giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ lúa gạo...
Các thí điểm thành công tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa “Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao” trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam.
Về xuất khẩu, các thương nhân cho biết gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 655 - 660 USD/tấn trong phiên 14/12, so với mức 655 - 665 USD/tấn một tuần trước.
Một nhà giao dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hoạt động giao dịch vẫn trầm lắng do nguồn cung thắt chặt, trong khi người mua ngần ngại đặt hàng mới vì giá tương đối cao.
Các thương nhân cho biết nguồn cung sẽ không tăng cho đến tháng 3/2024, sau khi nông dân thu hoạch vụ Đông Xuân.
Trong khi đó, giá gạo đồ xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng trong tuần qua nhờ nhu cầu cải thiện và mối lo về nguồn cung. Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức từ 499 - 506 USD/tấn trong tuần qua, so với mức từ 497 - 505 USD/tấn của tuần trước.
Một nhà xuất khẩu tại Kolkata cho biết giá lúa đang tăng lên, do Chính phủ Ấn Độ mua lúa từ nông dân với mức giá hỗ trợ tăng, qua đó làm tăng giá xuất khẩu.
Nhu cầu từ các thị trường Đông Nam Á đã khiến giá gạo của Thái Lan tăng lên mức cao nhất trong bốn tháng.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2023, ở mức 640 USD/tấn, so với mức từ 620 - 625 USD/tấn trong tuần trước đó.
Các nhà giao dịch cho biết giá tăng là do nhu cầu từ các thị trường như Indonesia và Philippines. Một thương nhân dự báo mức giá cao có thể sẽ được duy trì hoặc tăng mạnh hơn vào cuối năm, khi chỉ có một lượng nhỏ nguồn cung được đưa vào thị trường.
Tại Bangladesh, các quan chức cho biết chính phủ nước này có kế hoạch mua thêm 200.000 tấn gạo từ nông dân địa phương trong vụ thu hoạch hiện tại để củng cố kho dự trữ. Chính phủ Bangladesh đặt mục tiêu mua 700.000 tấn gạo trong nước.
Về thị trường nông sản Mỹ, trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), giá các mặt hàng nông sản đều tăng trong phiên ngày 15/12, dẫn đầu là lúa mỳ.
Khép phiên này, giá ngô giao tháng 3/2024 tăng 3,75 xu (0,78%) lên 4,83 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn tăng 13,5 xu (2,19%) lên 6,2925 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 1/2024 tăng 1,75 xu (0,13%) lên 13,1575 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Khối lượng giao dịch đã chậm lại do kỳ nghỉ lễ đã gần kề và rất ít người muốn gia tăng rủi ro vào cuối năm.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) báo cáo nước này đã bán 447.500 tấn đậu tương cho một khách hàng và 134.000 tấn đậu tương cho Trung Quốc.
Thị trường cà phê thế giới cho thấy, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tăng phiên thứ năm liên tiếp. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 1/2024 tăng thêm 32 USD lên 2.857 USD/tấn và giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 3/2024 tăng 28 USD lên 2.825 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì khá cao, trên mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York giảm. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 3/2024 giảm 1,30 xu xuống 189,30 xu/lb và giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 5/2024 giảm 0,45 xu xuống 186,80 xu/lb (1 lb =0,4535 kg). Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 800 – 900 đồng, lên dao động trong khung 66.300 – 67.000 đồng/kg. Giá cà phê tươi giao dịch quanh mức 13.800 đồng/kg.
Đà tăng của giá cà phê Arabica đã chững lại sau khi Công ty Cung ứng và Dự báo Nông sản (Conab) điều chỉnh ước tính sản lượng vụ mùa 2023/2024 của Brazil tăng thêm 0,7 triệu bao. Theo Conab, vụ cà phê Arabica, chiếm 70,7% tổng sản lượng, sẽ có 38,9 triệu bao, tăng 18,9% so với vụ thu hoạch trước.
Trong khi đó, nông dân ở các nước sản xuất chính đã hạn chế bán hàng vụ mới để trông chờ mức giá cao hơn, khiến nguồn cung cà phê Robusta giao ngay tiếp tục bị thắt chặt, đẩy giá tại London tăng suốt cả tuần.
End of content
Không có tin nào tiếp theo