Kinh tế 5 tháng chuyển biến tích cực, tạo đà tăng trưởng
Giá vàng giảm mạnh / Kinh tế 5 tháng chuyển biến tích cực, tạo đà tăng trưởng
Điểm sáng này đến cả từ khu vực kinh tế trong nước và khu vực FDI, phản ánh xuất khẩu hàng hóa sẽ đóng vai trò tích cực thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế cả năm 2024. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, những tín hiệu tích cực, nền kinh tế vẫn chưa phục hồi toàn diện.
Nhiều chỉ số tăng trưởng tích cực
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2024 tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,78%.
Cùng với đó, kinh tế tháng 5 và 5 tháng năm 2024 tiếp tục quá trình phục hồi với dấu hiệu tích cực hơn. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2024 tăng cao hơn tháng 4/2024. Tính chung, 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số IIP tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu chỉ số IIP phản ánh khu vực công nghiệp phục hồi tính cực hơn theo thời gian.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư công thực hiện đạt kết quả tốt hơn về kế hoạch giải ngân so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 11,07 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, vốn FDI thực hiện trong 5 tháng ước đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 5 tháng đầu năm trong 5 năm qua; trong đó, 78,9% số vốn FDI thực hiện thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tạo động lực tăng trưởng nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Hoạt động thương mại hàng hoá quốc tế là điểm sáng với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá ước đạt 305,53 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2%, trong 5 tháng kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 31,35 tỷ USD/tháng; nhập khẩu đạt 148,76 tỷ USD, tăng 18,2%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,01 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục phục hồi tốt; trong đó có một số nhóm hàng xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 33,4%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 11,8%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 11,6%; máy ảnh, máy quay phim tăng 61,2%.
Theo chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, TS. Nguyễn Bích Lâm, động lực xuất khẩu đến cả từ khu vực kinh tế trong nước và khu vực FDI, các thị trường chủ lực đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đều phục hồi tốt, phản ánh xuất khẩu hàng hoá sẽ đóng vai trò tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024.
Trong bối cảnh các nền kinh tế hàng đầu thế giới, là đối tác thương mại lớn, quan trọng của nước ta đã kiểm soát được lạm phát gần mức mục tiêu; tiền lương tăng dẫn tới thu nhập của người lao động tăng là động lực tăng chi tiêu của các hộ gia đình; tồn kho hàng hoá giảm mạnh, là động lực quan trọng gia tăng nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong thời gian tới.
“Kinh tế Mỹ và EU tăng trưởng chậm hơn so với dự báo khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu có nhiều khả năng cắt giảm lãi suất trong thời gian tới để thúc đẩy sản xuất; điều này giảm chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, giảm áp lực tỷ giá đối với nhập khẩu tư liệu sản xuất và giảm áp lực lạm phát đối với kinh tế Việt Nam”, TS. Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, nền kinh tế vẫn chưa phục hồi toàn diện. Động lực tăng trưởng dựa vào tiêu dùng phục hồi chậm và yếu. 5 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, loại trừ yếu tố giá tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 5,2% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,3%).
Khu vực doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Trong 5 tháng đầu năm 2024 bình quân một tháng có 19,8 nghìn doanh nghiệp tham gia thị trường thì cũng có tới 19,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đối với nền kinh tế, số doanh nghiệp gần như không thay đổi nhưng năng lực sản xuất kinh doanh đã suy giảm.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro tới sự ổn định và phát triển kinh tế toàn cầu; trong đó, có Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sức mua hồi phục chậm, áp lực cạnh tranh gia tăng ở các thị trường ngoại và nội địa, kéo theo đó là những vấn đề về tín dụng, đầu tư…
“Niềm tin của thị trường hay tâm lý của người dân có lúc có nơi còn thận trọng trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất định, rủi ro. Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức cũng là yếu tố làm cản trở phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Đồng bộ các giải pháp
Để kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn, quá trình phục hồi nhanh và bền vững hơn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chính sách, bảo đảm hài hòa, xử lý các tình huống trong ngắn hạn và phát triển trong trung, dài hạn, đặc biệt là hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước; chuẩn bị các điều kiện tốt để thu hút các làn sóng chuyển dịch FDI.
"Các địa phương phải thực sự đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời, giám sát hỗ trợ, tháo gỡ ách tắc về thủ tục cho doanh nghiệp vốn hiện nay rất khó khăn", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đặc biệt lưu ý về tình hình doanh nghiệp thành lập mới. Theo đó, số thành lập mới đã đạt 20 nghìn doanh nghiệp/tháng, tổng 5 tháng, số thành lập mới đã lớn hơn số rút lui khỏi thị trường. Đây là một dấu hiệu hết sức tích cực và Chính phủ sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới để phục hồi và phát triển.
Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội khóa XV, ông Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) cũng cho rằng, việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp ổn định, đầu tư phát triển là yếu tố rất quan trọng; trong đó, việc tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cần phải được quan tâm trên hết.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần tập trung thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước, thực hiện các chương trình khuyến mại; chương trình ưu đãi tín dụng cho tiêu dùng; nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm và bình ổn giá cước vận tải. Ban hành và thực hiện giải pháp hiệu quả tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Cùng với đó, Chính phủ đẩy nhanh tiến độ giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công; khẩn trương hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 theo đúng quy định, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện. Có giải pháp để không còn bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương chưa giải ngân hoặc giải ngân chậm vốn đầu tư công.
Để tạo sự đột phá trong thu hút và giải ngân vốn FDI năm 2024 của nền kinh tế, Chính phủ cần có giải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, công nghệ, thông tin và logistics đồng bộ.
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, xuất khẩu có vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xuất, nhập khẩu; thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóaViệt.
Ngoài ra, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính hiệu quả của các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để phát triển thị trường xuất khẩu. Đa dạng hoá thị trường xuất, nhập khẩu, đặc biệt đối với thị trường nhập khẩu để giảm thiểu tác động của những cú sốc từ các thị trường này.
Đồng thời, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xuất, nhập khẩu; thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp xử lý vấn đề tỷ giá giữa VND và USD, gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt.
Cùng với những giải pháp của Chính phủ, các doanh nghiệp xuất khẩu cần khẩn trương, nhanh nhậy nắm bắt tín hiệu thị trường, giữ vững thị trường truyền thống, chủ động tìm kiếm đơn hàng, mở thêm thị trường mới.
Để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, Chính phủ và các địa phương cần có giải pháp đảm bảo đầy đủ nguồn cung với giá ổn định đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, điều chỉnh giá điện phù hợp với tình hình kinh tế trong nước, công khai minh bạch giá thành sản xuất điện.
“Dự báo kinh tế tháng 6 năm 2024 của nước ta sẽ phục hồi tích cực hơn so với 5 tháng đầu năm nhờ vào tổng cầu thế giới; hiệu quả của giải ngân vốn đầu tư công và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài”, TS. Nguyễn Bích Lâm nhận định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Thị trường bất động sản tiếp đà hồi phục
Tiền nhàn rỗi đổ vào ngân hàng đạt mức kỷ lục
Việt Nam là điểm đến quốc tế phát triển nhanh chóng của AirAsia
Giá bất động sản tăng gần 60% trong 5 năm
TP Vinh mở rộng, tổ hợp căn hộ cao cấp Pearl Residence tại Cửa Lò được săn đón
‘Siết’ giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy kinh tế