Thị trường

Kinh tế ban đêm: Nhiều tiềm năng nhưng chưa khai thác hết

DNVN - Theo giới chuyên gia, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm bởi đây là loại hình có nhiều tiềm năng và mang lại nhiều lợi ích. Thực tế cho thấy, kinh tế ban đêm mới chỉ dần thành các hoạt động tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Choáng váng: Một cổ phiếu tăng giá 721% trong 2 tháng lên sàn / Giá lợn tại miền Bắc và miền Nam tăng mạnh

"Kinh tế ban đêm" được hiểu là tất cả những hoạt động dịch vụ diễn ra sau 17 giờ cho đến 6 giờ sáng hôm sau, bao gồm ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, cho tới các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm.
Khái niệm "kinh tế ban đêm" được chú ý sau khi mới đây Văn phòng Chính phủ ban hành công văn số 6433/VPCP-QHĐP gửi các Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Công Thương; và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TW về việc nghiên cứu chính sách kinh tế ban đêm của Trung Quốc.
Trước đó, ngày 15/7/2019, theo Bản tin Thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành chính sách thúc đẩy kinh tế ban đêm (các hoạt động dịch vụ, kinh doanh sẽ được trợ cấp từ 20h đêm đến 6h sáng hôm sau) trong bối cảnh kinh tế nước này tăng trưởng thấp do ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, cuộc sống thành thị có đặc điểm là diễn biến liên tục, đặc biệt là khi Việt Nam mở cửa có thể thu hút hàng triệu khách du lịch nước ngoài. Khách du lịch nước ngoài cần sự trải nghiệm, khám phá và mong muốn sử dụng hết quỹ thời gian khi đi du lịch cũng như các dịch vụ phục vụ họ.
Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM.

Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM chia sẻ với báo chí về kinh tế ban đêm

"Do vậy, nếu mình chỉ phục vụ ban ngày, và đến 8 giờ hoặc 10 đóng cửa thì sau 10 giờ đêm khách du lịch không biết làm gì. Đây là thực tế đang diễn ra tại nhiều thành phố lớn của Việt Nam", ông Cung nêu.
Qua quan sát của người đứng đầu CIEM, ngay cả ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng chưa phát triển hết các dịch vụ vào ban đêm để phục vụ khách du lịch.
"Dịch vụ của chúng ta chưa thực sự đa dạng. Theo đó, khách du lịch đến chỉ có hoạt động đi tham quan, ăn tối, ngoài ra không có những dịch vụ khác", ông Cung tiếp tục nêu thực trạng của kinh tế ban đêm.
Cho rằng tất cả các quốc gia đều thực hiện mô hình kinh tế ban đêm để đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là khách du lịch, ông Cung cho biết Việt Nam nên khuyến khích phát triển kinh tế ban đêm. Tuy nhiên, để phát triển loại hình kinh tế này, Việt Nam cần phải bỏ một số quy định liên quan đến giờ đóng cửa dịch vụ.
"Có lẽ chúng ta cần phải có tư duy mới, thay đổi những quy định cũ để tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế ban đêm phát triển. Thiết nghĩ, các thành phố - đặc biệt là những thành phố lớn - phải có định hướng phát triển các dịch vụ phục vụ nhu cầu và tất nhiên các dịch vụ đó sẽ tạo công ăn việc làm, thu nhập, qua đó đóng góp vào sự thịnh vượng chung của đất nước", Viện trưởng CIEM nhận định.
Cùng chung quan điểm, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME), cho rằng phát triển kinh tế ban đêm là việc nên làm. Hiện nay, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã áp dụng mô hình này. Trong thời gian tới cần đặc biệt tập trung tại các thành phố trực thuộc Trung ương như Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng...
"Tôi nghĩ cần đẩy mạnh kinh tế ban đầu bởi vì thứ nhất là tăng năng lực cạnh tranh, thứ hai là sản lượng sẽ được tăng thêm. Ngoài ra, tôi nghĩ ban đêm có thể hiệu quả hơn ban ngày vì khi có giờ làm thêm thì năng lực sản xuất sẽ tốt hơn", ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.
Theo ông Hoàng Thọ Xuân, nguyên vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), để triển khai hiệu quả kinh tế ban đêm, trước hết các bộ, ngành và địa phương cần phải kết hợp chặt chẽ với ngành du lịch. Việc triển khai mô hình kinh tế này nên tập trung ở thành phố, các tụ điểm mua sắm sôi động ở các trung tâm thành phố lớn, thay vì triển khai đại trà, tránh trường hợp nơi nào cũng làm, cũng mở ra nhưng không hiệu quả.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm