Kinh tế tư nhân đã khởi sắc nhưng cần mở đường cho khối này phát triển nhiều hơn
(DNVN) - Tọa đàm “Kinh tế Việt Nam 2018 và triển vọng 2019-2020: Vận hội mới – Yêu cầu mới" diễn ra sáng 17/01, các chuyên gia kinh tế có chung nhận định, kinh tế tư nhân đã có nhiều khởi sắc, tuy nhiên cần mở đường và hỗ trợ khối doanh nghiệp này nhiều hơn.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019: Củng cố nền tảng tăng trưởng bền vững / Sử dụng Quỹ Bình ổn để giữ ổn định giá xăng dầu
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) tham gia vào nhiều công trình lớn và nổi bật của đất nước. Nếu khai thác được những dự án của tư nhân thì vừa huy động được vốn phát triển kinh tế, vừa phát triển được kinh tế tư nhân.
Trong khi đó, về chính sách, tư duy và cách nói của Chính phủ đã có sự thay đổi tích cực về khu vực KTTN khi khẳng định phát triển KTTN thành động lực quan trọng của kinh tế đất nước.
TS Nguyễn Đình Cung.
Khẳng định khu vực tư nhân đã khởi sắc, nhưng TS Nguyễn Đình Cung cho rằng cần mở đường cho khu vực kinh tế này phát triển thêm. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, có một nhóm DN có tiềm năng tăng trưởng cao như Vingroup, Trường Hải... và nên tập trung hỗ trợ cho nhóm DN này.
"Trước đây, người thắng cuộc trong hoạt động bơm vốn là các DN Nhà nước. Bây giờ phải chuyển hướng, theo đó không phải chọn người thắng cuộc mà là hỗ trợ. Đầu tiên phải tháo gỡ vướng mắc về thể chế, và sau đó là hỗ trợ khối DN tư nhân.
Chẳng hạn với Trường Hải, cần hỗ trợ để DN này xuất khẩu sản phẩm ô tô sáng các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, hay Myanmar. Chỉ khi xuất khẩu được ra nước ngoài, họ mới có năng lực cạnh tranh", TS Nguyễn Đình Cung đề xuất.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Năm 2018, vai trò của KTTN thể hiện rõ nét; đồng thời thẳng thắn khẳng định: "Những điểm mới trong cải cách môi trường kinh doanh cho khu vực tư nhân chưa có bao nhiêu nhưng rõ ràng khu vực DN tư nhân trong những năm trước đây chỉ có số lượng đăng ký tăng lên, đồng thời số lượng DN ngừng hoạt động cũng tăng lên. Và cũng không rõ có khu vực nào nổi trội lên thì năm 2018 đã xuất hiện những DN lớn chuyển dần một phần nào đó từ thành công của họ trong bất động sản sang các lĩnh vực khác, hoặc làm sâu thêm thành công trước đó của họ. Trường Hải và Vinfast là những ví dụ về sự thành công này".
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
Qua đó, nữ chuyên gia cho rằng nên hoan nghênh và hỗ trợ những quyết định chuyển hướng của những DN này:"Cần khuyến khích và hỗ trợ họ. Hỗ trợ không phải là đổ tiền, hay có chính sách mới về nguồn lực. Nhưng ít nhất là gỡ khó, đừng gây khó cho họ. Không giúp được họ thì thôi nhưng đừng tạo thêm rào cản mới".
TS Lê Đăng Doanh - nguyên viện trưởng CIEM chia sẻ, tiến trình cắt giảm điều kiện kinh doanh cho DN còn chưa thực chất:"Mới đây, VCCI đã báo cáo tích cực về cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng trong thực tế một số DN phản ánh chi phí ngoài pháp luật tăng lên dù thủ tục giảm đi. Điều này gây khó khăn nhiều cho DN, đặc biệt là các DNNVV.
Nỗ lực cải cách thể chế như thế nào để thực sự cải thiện được môi trường kinh doanh. Chúng ta hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ nhưng thực tế cho tháy cắt giảm điều kiện kinh doanh còn chậm và chưa đi vào thực chất, tác động tích cực đến doanh nghiệp chưa nhiều"..
Tại Tọa đàm “Kinh tế Việt Nam 2018 và triển vọng 2019-2020: Vận hội mới – Yêu cầu mới" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, CIEM công bố báo "Kinh tế Việt Nam 2018 - 2019: Chuyển biến, triển vọng và một số vấn đề". Về tình hình kinh tế vĩ mô, CIEM cho biết: GDP quý IV tăng 7,31%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017, nhưng cao hơn so với quý II-III. Tốc độ tăng GDP cả năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008. Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục mở rộng ở quý thứ 6 liên tiếp trong chu kỳ tăng trưởng. Hoạt động của doanh nghiệp trong quý IV/2018 có sự cải thiện, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 6,81%, tổng số vốn đăng ký tăng tới 63,68%. Những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm các chi phí không cần thiết và cắt giảm các điều kiện, thủ tục kinh doanh là minh chứng cho cải thiện sức khỏe của khu vực doanh nghiệp. Xuất khẩu trong quý IV/2018 ước đạt gần 64,02 tỷ USD, tăng 6,5%. Tính chung cả năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 243,48 tỷ USD, tăng 13,2%, vượt mục tiêu đề ra. "Cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới tăng trưởng và thương mại toàn cầu, lan truyền làn sóng bảo hộ sang các thị trường khác, trong đó một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Mỹ như dệt may, da giày, điện thoại có thể gặp phải các biện pháp có tính chất hạn chế thương mại hơn", CIEM cho biết. Kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,93%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,4%. Thặng dư thương mại ở mức 2,04 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng bình quân là khoảng 3,88%. |
Bài, ảnh: Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dấu ấn 2024: Thúc đẩy hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới
Giá nông sản ngày 21/1/2025: Cà phê giảm nhẹ, hồ tiêu tiếp tục ổn định
Tạp chí The Global Economics vinh danh Home Credit
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 21/1: Ngân hàng điều chỉnh giảm giá bán USD, tỷ giá NDT tăng nhẹ
Giá vàng nhích nhẹ sau lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump
Bình Dương 'khát' chung cư cao cấp
Cột tin quảng cáo