Thị trường

Kinh tế tuần hoàn mở ra cơ hội kinh doanh trị giá 4,5 nghìn tỷ USD

DNVN - Đây là khẳng định của ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội thảo chuyên đề "Thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam" do VCCI và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) phối hợp tổ chức vào sáng 17/4 tại Hà Nội.

Doanh nghiệp siêu nhỏ được 'cởi trói' vì không phải lập báo cáo tài chính / Ngày 17/4, giá xăng có thể tiếp đà tăng

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, kinh tế tuần hoàn (KTTH) là khái niệm rất mới với đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. Thậm chí, nhiều DN lạ lẫm với khái niệm KTTH.
Có thể định nghĩa ngắn gọn KTTH là mô hình kinh tế, trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng vào việc quản lý, tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải.

Ông Nguyễn Quang Vinh phát biểu tại hội thảo.

"Kinh tế tuần hoàn (KTTH) có tầm quan trọng và lợi ích to lớn trong việc giảm thiểu các rủi ro về khan hiếm các nguồn lực trong tương lai, giải quyết các vấn đề môi trường cũng như mở ra cơ hội kinh doanh trị giá 4,5 nghìn tỷ USD đến năm 2030, đồng thời góp phần thực hiện hóa Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững", Tổng Thư ký VCCI nhấn mạnh.
Bà Lê Thị Ngọc Mỹ - Giám đốc Phát triển bền vững - Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam đã dẫn lại khẳng định của McKinsey &Co trong bài tham luận mang tên: "Mô hình kinh tế tuần hoàn - từ lý thuyết đến thực tiễn": “Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ tạo tác động tích cực cho môi trường & xã hội mà còn giúp Châu Âu tạo ra giá trị kinh tế lên đến €1,8 triệu vào năm 2030”.
Theo bà Lê Thị Ngọc Mỹ, các chiến lược kinh tế tuần hoàn gồm: sửa chữa, tái sản xuất, bán lại, chia sẻ, rác thải là tài nguyên, mô hình dịch vụ sản phẩm, cung ứng tuần hoàn, tài tạo nguồn lực, kéo dài tuổi thọ sản phẩm.
Cho rằng, KTTH là xu hướng lớn trong thời đại hiện nay, nữ giám đốc này cho biết, Tập đoàn Ikea sẽ hoạt động hoàn toàn tuần hoàn và thân thiện với môi trường trước năm 2030. Trong khi đó, Tập đoàn Lego cam kết chuyển đổi các sản phẩm nhựa làm từ dầu mỏ sang nhựa thực vật.
Bà Lê Thị Ngọc Mỹ chia sẻ tại hội thảo

Bà Lê Thị Ngọc Mỹ chia sẻ tại hội thảo

Ông Andrew Thomas Mangan - Giám đốc điều hành Hội đồng DN vì sự Phát triển Bền vững Hoa Kỳ cho hay, trong năm 2015, Việt Nam phát sinh khoảng 27 triệu tấn chất thải và con số này vẫn tăng lên hàng năm.
Hiện nay, 70% bãi xử lý chất thải ở Việt Nam không được xếp là bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Trong khi đó, muốn biến chất thải thành nguyên vật liệu giá trị, DN gặp khó khăn trong việc kiểm soát, xây dựng cơ sở dữ liệu, phân phối cho nguyên liệu thứ cấp. Nhà đầu tư khó tiếp cận nguồn nguyên liệu cũng như khó đánh giá, kiểm soát thông tin về nguồn nguyên liệu tại Việt Nam.
Trong 3 năm gần đây, số lượng DN thế giới quan tâm và chú ý đến những sáng kiến, mô hình triển khai về KTTH tăng lên rất nhiều. Theo đó, các nước đã tổ chức nhiều sự kiện cho các DN thuộc các ngành nghề khác nhau để chia sẻ các mô hình của họ về KTTH. Do vậy, ông Nguyễn Quang Vinh cho rằng, Việt Nam không thể đứng ngoài, các DN nước ta không thể thể đứng ngoài cuộc chơi, không thể không tư duy về nền KTTH được.
Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra lễ ra mắt Nhóm làm việc về Hỗ trợ triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Nhóm làm việc về KTTH này bao gồm VCCI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, cùng một số doanh nghiệp.
Lễ ra mắt Nhóm làm việc về Hỗ trợ triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Lễ ra mắt Nhóm làm việc về Hỗ trợ triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Đặc biệt, hội thảo còn chứng kiến Lễ ký biên bản ghi nhớ về làm đường giao thông từ phế liệu nhựa giữa Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam và Công ty TNHH Deep C. Đây là dự án hợp tác thúc đẩy nền KTTH tại Việt Nam thông qua việc xây dựng các con đường làm từ nhựa tái chế, đồng thời phát triển thị trường đầu ra cho rác thải nhựa.
Dự án được thực hiện nhằm mục đích tái chế bao bì nhựa dẻo đã qua sử dụng bị vứt bừa bãi hoặc chôn lấp thành nguyên vật liệu xây dựng đường giao thông chắc chắn, bền vững hơn.
Dự án sẽ thu hút chính quyền địa phương, các đơn vị thu gom rác thải và chuỗi giá trị ngành nhựa cùng nhau giải quyết các vấn đề liên quan đến rác thải biển và rác thải nhựa tại Việt Nam; đồng thời phát triển thị trường đầu ra tốt hơn cho rác thải nhựa. Sự hợp tác liên kết này thể hiện cam kết của các tổ chức trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, cũng như giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm