Thị trường

Kinh tế Việt Nam được dự đoán tăng mạnh nhất Đông Nam Á

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay có thể đạt mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch mới của Nhật Bản / Giá xăng giảm hơn 900 đồng/lít

Đây là nhận định được nhiều định chế tài chính quốc tế đưa ra, dựa trên kết quả tăng trưởng cao nửa đầu năm cùng triển vọng tích cực trong nửa cuối năm. Và đà tăng trưởng này dựa trên nhiều trụ cột, trong đó sản xuất, xuất khẩu, du lịch và tiêu dùng nội địa là những động lực chủ chốt.

Doanh nghiệp chuyên sản xuất mặt hàng nha đam, thạch dừa này có tỷ trọng doanh thu từ xuất khẩu là 60%, còn 40% từ tiêu thụ nội địa. Đa dạng kênh bán hàng, cùng nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng cả năm khoảng 10% với thị trường nội địa và 20% từ xuất khẩu

Ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc GC Food cho biết: "Chúng tôi tập trung vào các khách hàng ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, đặc biệt là thị trường Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Đồng thời chúng tôi cũng đã mở được những đơn hàng đầu tiên sang thị trường Ấn Độ. Và chúng tôi mong muốn là năm nay sẽ duy trì tăng trưởng là 15%".

Kinh tế Việt Nam được dự đoán tăng mạnh nhất Đông Nam Á - Ảnh 1.

Sản xuất, chế biến, chế tạo dẫn dắt tăng trưởng, tiêu dùng nội địa dần phục hồi.

Đơn hàng tích cực, tăng tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu sản xuất cuối năm. Bức tranh chung của nhiều ngành sản xuất, chế biến, chế tạo. Trước đó, trong quý II, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng 10% và cũng là quý tăng thứ 5 liên tiếp, còn dịch vụ đã tăng quý thứ 11 liên tiếp sau giai đoạn Covid.

Báo cáo mới đây của Khối Nghiên cứu HSBC đã nhận định, những kết quả tích cực này đang tạo ra sự lan toả thúc đẩy tăng trưởng.

Bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nêu ý kiến: "Nếu phân tích sâu vào đằng sau những con số nổi bật với lĩnh vực xuất khẩu chẳng hạn, có thể thấy những năm trước, xuất khẩu sẽ được dẫn dắt bởi mặt hàng điện tử, đầu năm nay đã mở rộng ra nhiều ngành hàng như dệt may, da giày, máy móc, hàng nông sản và sự mở rộng này vô cùng tích cực. Chúng tôi cũng nhận thấy số liệu thương mại được cải thiện, sự phục hồi dần của tiêu dùng nội địa, do đó triển vọng tăng trưởng kinh tế ở mức cao của Việt Nam trong năm nay là rõ nét".

Các đơn vị nghiên cứu cũng dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ có sự bứt phá mạnh trong quý III và quý IV, đưa Việt Nam trở lại là nền kinh tế có tăng trưởng mạnh nhất khu vực ASEAN. Và điều này tiếp tục làm tăng sức hút dòng vốn FDI vào Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất.

Ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB nhận định: "Các nhà đầu tư quốc tế rất lạc quan về triển vọng và viễn cảnh của kinh tế Việt Nam. Tôi cho rằng xu hướng này tiếp tục được duy trì, năm nay sẽ tiếp tục là năm Việt Nam ghi nhận kỷ lục mới về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhìn vào số liệu cho thấy sự gia tăng cả dòng vốn FDI đăng ký và giải ngân trong mấy năm gần đây, khẳng định niềm tin và cam kết của các doanh nghiệp nước ngoài đối với Việt Nam trong làn sóng phi toàn cầu hóa và dịch chuyển chuỗi cung ứng hiện nay".

 

Sản xuất, chế biến, chế tạo dẫn dắt tăng trưởng, tiêu dùng nội địa dần phục hồi, đầu tư công cũng được dự báo sẽ tăng tích cực. Các động lực truyền thống nhưng được làm mới, sẽ giúp kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao, không chỉ năm nay mà cả những năm tiếp theo.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm