Kinh tế Việt Nam: Niềm tin vào sự phục hồi năm 2022
Không có tình trạng găm hàng tại đại lý của NSH Petro ở Sóc Trăng / Ưu tiên nhập khẩu nông sản vào thị trường Thụy Điển, thúc đẩy tiêu thụ trong cộng đồng người Việt
Theo tờ Thời báo ngân hàng, sự trở lại mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam năm nay phụ thuộc lớn vào việc triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Chương trình sẽ tác động đến cả phía cung và phía cầu, góp phần quan trọng trong khôi phục và thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất và tiêu dùng. Nếu các gói hỗ trợ được giải ngân đạt khoảng 40% năm 2022 và 50% năm 2023 thì tăng trưởng GDP có thể đạt 6,5 - 7% năm 2022 và 7 - 7,5% năm 2023.
Còn tờ Quân đội Nhân dân chỉ ra lý do để có niềm tin vào nhiều khởi sắc của nền kinh tế là do Việt Nam có nhiều cải thiện cả về động lực và kết quả phục hồi, phát triển kinh tế so với năm 2021. Với kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó với dịch COVID-19 tiếp tục được nâng lên, việc hoàn thành bao phủ vaccine chậm nhất vào đầu năm 2022 là một trong những điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế.
Quá trình phục hồi rất cần đối thoại với doanh nghiệp
Trong khi nhiều tờ báo nhấn mạnh đến việc triển khai hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, bài viết trên báo Đầu tư nhấn mạnh vào việc cần đối thoại với doanh nghiệp trong quá trình phục hồi này.
Kinh nghiệm cho thấy, địa phương nào làm tốt việc đối thoại với doanh nghiệp thì ở đó doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn.
Trong giai đoạn dịch bệnh, có nhiều lúc chính quyền địa phương buộc phải đưa ra các quyết định ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, người dân nhưng việc đối thoại, trao đổi đã khiến trách nhiệm của các bên rõ ràng hơn, hiểu nhau hơn, quyền lợi của người dân, doanh nghiệp cũng được đặt lên trên hết.
Quá trình phục hồi rất cần đối thoại với doanh nghiệp. Ảnh minh họa.
Về động thái cụ thể thấy rõ ngay được để kích thích kinh tế phục hồi đó là từ ngày 1/2 đến hết năm nay, thuế giá trị gia tăng các loại hàng hóa dịch vụ sẽ giảm từ 10% xuống 8%. Tờ Thời báo tài chính cho rằng, người dân và doanh nghiệp đều được lợi từ chính sách này.
Nhiều người dân cho rằng, từng mặt hàng mức giảm không lớn, nhưng nếu cộng dồn theo tổng hóa đơn thì cũng là một khoản đáng kể. Còn theo các chuyên gia kinh tế, hầu hết người dân và phần lớn doanh nghiệp đều được hưởng các chính sách hỗ trợ này, như vậy sự lan tỏa của chính sách là rất lớn.
Thậm chí, theo báo diễn đàn doanh nghiệp, việc giảm thuế Giá trị gia tăng (VAT) là một chính sách chưa từng có, là một mũi tên trúng nhiều đích, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vừa ổn định kinh tế vĩ mô kiểm soát lạm phát.
TP Hồ Chí Minh trở lại chinh phục ngôi "quán quân" xuất khẩu
TP Hồ Chí Minh đã quay trở lại ngôi vị "quán quân" xuất khẩu của cả nước khi thu về gần 9 tỉ USD trong 2 tháng qua. Báo Tuổi trẻ phỏng vấn PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, thành phố có truyền thống năng động, sáng tạo nên ngay trong đại dịch thành phố đã xây dựng chương trình phục hồi khi thấy dịch bắt đầu được kiểm soát. Sau đó là hàng loạt kế hoạch thích ứng an toàn.
Tuy nhiên, cần phải đẩy nhanh hơn nữa sự hồi phục của kinh tế, bởi sự cạnh tranh của TP Hồ Chí Minh không đơn thuần chỉ là cạnh tranh nội địa mà còn là bộ mặt quốc gia, cạnh tranh với các đô thị lớn trong khu vực.
Hiến kế để thành phố có những đột phá trong thời gian tới, theo ý kiến của các chuyên gia đăng trên báo Người lao động, họ ủng hộ một đề án triển khai một trung tâm tài chính quốc tế ở TP Hồ Chí Minh. Mô hình này cần phải cạnh tranh không chỉ vượt trội mà còn phải khác biệt, làm sao cạnh tranh được với khu vực và quốc tế, vài chục năm nữa cũng vẫn hiệu quả. Đây là điểm then chốt trong câu chuyệncạnh tranh của Việt Nam và quốc tế.
TP Hồ Chí Minh đã quay trở lại ngôi vị "quán quân" xuất khẩu của cả nước khi thu về gần 9 tỉ USD trong 2 tháng qua. Ảnh minh họa.
Rất nhiều chính sách đang được khẩn trương khởi động, triển khai, nhiều ý tưởng mới về đột phá cũng được các chuyên gia nêu trên nhiều diễn đàn. Nhưng một trong những yêu cầu thường trực cần luôn quan tâm, theo báo Đại biểu nhân dân đó là vấn đề về cải thiện môi trường kinh doanh.
Tờ báo cho rằng thời gian qua, các nhóm giải pháp của Chính phủ tập trung nhiều vào chống dịch, nên nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh của các Bộ, ngành có xu hướng chững lại.
Do đó, cùng với các gói hỗ trợ tài chính, việc cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng và thuận lợi là yếu tố cơ bản không thể thiếu nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi kinh doanh, góp phần đưa nền kinh tế tăng trưởng cao và bền vững. Đây cũng là giải pháp đem lại hiệu quả dài hạn, được cộng đồng doanh nghiệp mong đợi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo