Thị trường

Ưu tiên nhập khẩu nông sản vào thị trường Thụy Điển, thúc đẩy tiêu thụ trong cộng đồng người Việt

DNVN - Ông Diệp Văn Tỷ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển khẳng định: “Chúng tôi sẽ ưu tiên nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, trước mắt là thúc đẩy đưa hàng hóa tiêu thụ trong cộng đồng người Việt”.

SPS Việt Nam đề nghị gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc / Nhật Bản 'rộng cửa' đón nhận nông sản Việt Nam

Trong phiên đối thoại với Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Minh Hoan vừa diễn ra thông qua “Diễn đàn kết nối doanh nhân kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp”, ông Diệp Văn Tỷ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Xuất nhập khẩu (XNK) Thực phẩm East Asian Food tại Thụy Điển đã chia sẻ giải pháp đưa được nhiều hàng Việt Nam sang Thụy Điển cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào bên này về đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Diệp Văn Tỷ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển phát biểu tại“Diễn đàn kết nối doanh nhân kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp”.

Theo đó, ông Tỷ cho rằng: “Với vai trò làm cầu nối, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với thị trường Thụy Điển cũng như Bắc Âu, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển sẽ ưu tiên nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, trước mắt là thúc đẩy đưa hàng hóa tiêu thụ trong cộng đồng người Việt, rồi mở rộng ra cộng đồng Á châu, và cuối cùng là cộng đồng bản địa. Hiện nay, nhiều hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam đã được các doanh nghiệp hội viên nhập khẩu và phân phối tại các chuỗi siêu thị lớn của Thụy Điển”.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển cũng chia sẻ những khó khăn với Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Minh Hoan khi xuất khẩu nông sản sang Thụy Điển.

Đó là vướng mắc từ qui định mới của Liên minh châu Âu (EU). Theo qui định mới của EU, mỳ ăn liền của Việt Nam và Hàn Quốc sẽ bị tăng cường kiểm tra chất EtO và muốn nhập khẩu mặt hàng này vào EU cần phải có giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Quy định này có hiệu lực từ ngày 6/1/2022, và có thời gian chuyển tiếp đến 17/2/2022 cho các lô hàng đã rời cảng ở Việt Nam trước ngày 6/1/2022.

 

Hiện nay, Hàn Quốc đã bắt đầu cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp của họ, trong khi Việt Nam chưa có cơ quan nào cấp giấy này cho doanh nghiệp Việt Nam nên các lô hàng mỳ ăn liền hiện nay phải tạm dừng nhập khẩu.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành XNK thực phẩm tại Thụy Điển và cũng là một trong những nhà nhập khẩu và phân phối hàng thực phẩm Á châu lớn tại Thụy Điển, ông Tỷ cho rằng các sản phẩm nông sản Việt Nam những năm gần đây đã dần có mặt nhiều hơn trên thị trường châu Âu nói chung và Bắc Âu nói riêng.

Tuy nhiên, Thụy Điển cũng như các nước Bắc Âu là các nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, là thị trường tiềm năng, nhưng dân số ít, thị trường tiêu thụ quá nhỏ, mức cầu không nhiều nếu so sánh với các thị trường khác.

Ngoài ra, vị trí địa lý xa xôi nên thời gian vận chuyển dài, chi phí vận tải cao, và khó nhập khẩu các sản phẩm tươi sống. Do vậy, nếu các doanh nghiệp nhập khẩu hàng lẻ tẻ, số lượng ít dẫn đến chi phí cao, không mang lại hiệu quả kinh tế.

Nông sản Việt đang dần có mặt nhiều hơn trên thị trường Bắc Âu

“Để giải quyết vấn đề này, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển đang lên kế hoạch kêu gọi đầu tư trung tâm hàng Việt Nam tại thành phố Malmo để tập trung nhập khẩu hàng Việt Nam số lượng lớn, rồi tiếp tục phân phối cho các nước Bắc Âu hay các nước châu Âu khác, như vậy mới có thể giảm giá thành, giúp hàng Việt Nam hiện diện nhiều hơn tại khu vực này. Chúng tôi rất mong Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có thể giới thiệu các doanh nghiệp nông sản lớn có thể cùng chung tay với chúng tôi thực hiện dự án này”, ông Tỷ đề xuất.

 

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển cũng khuyến nghị: Việc cải thiện hình thức, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm (như các qui định liên quan đến thuốc trừ sâu, dư lượng kháng sinh..) cần được Nhà nước quan tâm để cạnh tranh với các hàng hóa cùng chủng loại của các nước khác như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Về vướng mắc khi đầu tư về Việt Nam làm nông nghiệp, theo ông Tỷ, việc đầu tư vào lĩnh vực này khá khó khăn do do quy chế và quy trình qua quá nhiều trung gian và khi đến được tay người mua cuối thì giá quá cao.

Cùng với đó, việc quản lý và tổ chức khâu sản xuất và tiêu thụ đầu ra chưa hiệu quả để thu hút các nhà đầu tư.

Ví dụ, ở Thụy Điển, họ sắp xếp việc sản xuất theo thế mạnh của vùng miền và đảm bảo tính độc quyền. Ở Việt Nam thì khác, cùng một sản phẩm có quá nhiều nhà sản xuất. Một sản phẩm nếu ước thấy việc khả thi thì ai ai cũng đổ xô làm, việc này dẫn đến cung nhiều hơn cầu. Vì thế các nhà đầu tư trên thực tế họ không nhìn thấy tính khả thi về kinh tế.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm