Kinh tế Việt Nam: Tốc độ và linh hoạt
Global Business Outlook: Kinh tế Việt Nam mang lại cơ hội lớn cho các nhà đầu tư / TP.HCM đề xuất thu phí cảng biển
Thông tin về hoạt động thu hút đầu tư chuyển dịch nước ngoài sau đại dịch COVID-19, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) tiết lộ, đã có nhiều tập đoàn nước ngoài cam kết đầu tư hàng chục tỷ USD vào Việt Nam. Tuy nhiên vì lý do bảo mật thông tin nên cơ quan chức năng buộc phải giữ bí mật về danh tính của nhà đầu tư, thay vào đó là âm thầm hỗ trợ họ.
Tín hiệu sáng trong thu hút FDI
Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, làn sóng đầu tư vào Việt Nam kéo dài từ 7-8 năm trước chứ không phải bây giờ mới có. Các nhà đầu tư chọn Việt Nam vì có môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng nhanh và bền vững, chi phí và ưu đãi cạnh tranh, có nguồn nhân lực dồi dào, thị trường tiềm năng.... Dịch COVID-19 đang tạo ra chuyển dịch đầu tư mạnh mẽ hơn.
Việt Nam là một trong những thị trường mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. |
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho rằng Việt Nam chỉ là một trong số thị trường được nhà đầu tư quan tâm, bởi Trung Quốc, Indonesia vẫn là những thị trường rất hấp dẫn, mà chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam cần phải lưu tâm.
Theo ông, để chuẩn bị đón các nhà đầu tư, Việt Nam cần phải hoàn thành các đầu việc trước mắt như chuẩn bị quỹ đất trong khu công nghiệp, hiện Việt Nam đang rà soát lại đất đai ở các địa phương để bổ sung đất cho công nghiệp.
Tiếp đó là đào tạo lại nguồn nhân lực chất lượng cao theo đơn đặt hàng doanh nghiệp (DN). Việt Nam đã có chương trình hành động về đào tạo nguồn nhân lực ở hai cấp độ: Cấp độ quản lý và cấp độ đào tạo người lao động có tay nghề cao.
Về vấn đề đào tạo lao động có tay nghề cao, hiện Việt Nam đang đào tạo 2,2 triệu lao động có tay nghề. Cả nước có 1.900 trường đào tạo, trong đó có 45 trường đào tạo cấp độ cao, với 800 ngành đào tạo thì có 100 ngành trọng điểm.
Cùng với đó, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, tháo gỡ cơ chế chính sách... Trong chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn tới, Việt Nam sẽ nhấn mạnh tới chiến lược "win - win". Thu hút đầu tư chọn lọc gắn với ưu đãi, Việt Nam sẽ có thêm tiêu chí cam kết cho DN Việt Nam tham gia vào chuỗi để nâng cấp DN phát triển.
Vì sao phải tốc độ và linh hoạt
TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đặt vấn đề, ở Việt Nam cụm từ cơ hội và thách thức đã được nói rất nhiều. Mỗi một giai đoạn, bước ngoặt như thời kỳ Việt Nam gia nhập WTO, ký kết CPTPP, EVFTA hay biến cố COVID-19 thì cụm từ cơ hội luôn được nhắc đến.
Tuy nhiên, theo ông Cung, chúng ta cần phải nhìn nhận rằng bất cứ một thay đổi nào không chỉ tạo ra cơ hội mà còn cả thách thức. Nêu quan điểm, ông Cung cho rằng cần tập trung vào thách thức nhiều hơn, bởi chỉ khi vượt qua được thách thức thì mới chớp được cơ hội. Nhấn mạnh quá nhiều cơ hội mà ít chú ý tới thách thức thì chúng ta không bao giờ tận dụng được.
Chuyên gia Nguyễn Đình Cung chỉ rõ thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt là vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Trong 30 năm qua, tăng trưởng GDP Việt Nam chỉ dao động trung bình trong khoảng 6-7,5%, thậm chí trong những năm gần đây tăng trưởng GDP đang có xu hướng giảm.
"Nếu tăng trưởng GDP không tạo được bứt phá để đi lên mà cứ đà đi xuống như vậy, thì đây sẽ là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế", ông Cung lo ngại.
Theo đó, ông Cung đề cập tới hai từ khóa mà DN, Chính phủ Việt Nam cần phải tập trung là "tốc độ" và "linh hoạt". Chính phủ và DN phải thay đổi với tốc độ nhanh, linh hoạt hơn trước. Có như vậy, chúng ta mới vượt qua được thách thức và nắm bắt cơ hội.
Theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, năm 2021 kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng rất tốt. Tuy nhiên, khi làm dự báo đều dựa trên một số giả thiết nhất định như các chính sách mà Việt Nam đưa ra cũng phải phù hợp mới có thể đạt được mức tăng trưởng tích cực trên. Thành quả phát triển kinh tế năm 2020 có được là nhờ việc kiểm soát tốt dịch bệnh và chính sách hỗ trợ đi kèm. Nếu điều này tiếp tục được phát triển trong năm 2021 thì kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khởi sắc.
Về phần DN, bà Vân khuyến nghị phải thay đổi mô hình kinh doanh, đẩy nhanh ứng dụng về công nghệ, đặc biệt là công nghệ số. Dịch COVID-19 vừa qua cho thấy một vấn đề, DN đầu tư tập trung vào mảng có thế mạnh sẽ ứng phó với biến cố tốt và bật dậy nhanh hơn, còn với DN đầu tư dàn trải thì đối mặt với nhiều khó khăn.
"Điều này cho thấy, DN cần tập trung vào lĩnh vực mình có thế mạnh, không phụ thuộc vào bên ngoài. Hệ thống quản trị và con người là hai yếu tố cần tập trung đầu tư." bà Vân nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Quyết liệt và toàn diện hơn trong tái thiết, phục hồi sau thiên tai
Căn hộ dịch vụ cho thuê thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024