Thị trường

Lãi suất huy động 'bình yên' cuối năm

Hiện nay thanh khoản tại các nhà băng vẫn khá dồi dào, không có động thái tăng lãi suất tiền gửi trên thị trường. Hiện một số ngân hàng đang có động thái tung ra các chương trình khuyến mãi để tri ân và "giữ chân" khách hàng.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 đạt 41 tỷ USD / Giá vàng hôm nay (25/12): Tiếp tục tăng

FB-IMG-1603287732016-9726-1608854970.jpg

Thời điểm này lãi suất tiền gửi vẫn duy trì ở mức thấp.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, bước sang năm 2021, nền kinh tế dự báo vẫn còn khó khăn, vì vậy mặt bằng lãi suất huy động không tăng để hỗ trợ giảm lãi vay, tiết kiệm chi phí vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông khuyến nghị, nếu lãi suất huy động tiếp tục giảm thêm, ngân hàng cần phải cân nhắc liều lượng vì có thể khiến người gửi rút tiền để chuyển sang các kênh đầu tư khác, đặc biệt là các kênh đầu tư như: vàng, bất động sản, chứng khoán... làm tăng độ rủi ro cho nền kinh tế.

Lãi suất huy động trượt dốc

Sau 3 lần cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm nay, đến thời điểm này lãi suất tái cấp vốn giảm 2%/năm, lãi suất chào mua giấy tờ có giá thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) giảm 1,5%/năm, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm 1%/năm, lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm.

Điều này đã tác động đến mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường liên tiếp đi xuống, thậm chí thấp nhất trong nhiều năm qua.

Có thể thấy, năm nay lãi suất huy động không còn đi theo quy luật thị trường, nghĩa là bước vào mùa vụ cuối năm, lãi suất tiền gửi trên thị trường sẽ được các ngân hàng đẩy lên cao nhằm thu hút nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, các nhà băng cũng muốn huy động nguồn vốn dồi dào để chuẩn bị cho kế hoạch bước vào mùa kinh doanh mới.

 

Thời điểm hiện nay khi năm tài chính 2020 gần đi qua, lãi suất tiền gửi vẫn duy trì ở mức thấp, không có dấu hiệu tăng.

Cụ thể, kể từ đầu năm đến nay lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng đã giảm khoảng 1-1,5%/năm, hiện phổ biến còn 3,1- 4%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng hiện phổ biến 3,5-6,5%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng khoảng 5,5-7%/năm. Còn lãi suất không kỳ hạn đã về mức 0,1-0,2%/năm.

Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng phổ biến ở mức 0,2-0,8%/năm. Tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng 4,3-5,0%/năm đối với. Tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng 5,3-7%/năm đối với và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,5%/năm.

Theo công bố của NHNN do tác động của dịch Covid-19 hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, nhu cầu vay mới sụt giảm mạnh, khiến tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Tính đến 21/12/2020, tín dụng tăng 10,14% so với cuối năm 2019 và tăng 11,62% so với cùng kỳ năm trước.Tín dụng tắc nghẽn trong khi thanh khoản hệ thống duy trì trạng thái dồi dào hầu hết cả năm đã khiến lãi suất trên liên ngân hàng xuống thấp kỷ lục.

 

Theo dữ liệu của NHNN, trong tuần đầu tháng 12/2020, lãi suất qua đêm bình quân chỉ ở mức 0,1%/năm; lãi suất kỳ hạn 1 tuần chỉ 0,22%/năm; kỳ hạn 1 tháng 0,4%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 1,46%/năm; 6 tháng là 2,9%/năm; 9 tháng là 3,34%/năm.

Khuyến mãi tri ân khách hàng

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhu cầu vốn trong tháng cuối năm của các nền kinh tế tăng nhanh. Ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - cho biết, dự kiến tăng trưởng tín dụng đến cuối năm 2020 có thể đạt tới 10,5 - 11% so với cuối năm trước.

Hiện nay thanh khoản tại các nhà băng vẫn khá dồi dào, không có động thái tăng lãi suất tiền gửi trên thị trường. Nhưng một số ngân hàng tung ra các chương trình khuyến mãi để tri ân khách hàng.

Chẳng hạn, OCB thông báo dành gần 10.000 phần quà để tặng khách hàng gửi tiền nhân địp dầu năm mới 2021. Đại diện khối Bán lẻ OCB chia sẻ, chương trình khuyến mãi dịp Tết không chỉ là một ưu đãi thường niên của ngân hàng, mà còn là dịp để ngân hàng tri ân khách hàng đã tin tưởng, đồng hanh cùng ngân hàng trong năm vừa qua.

 

Tuy nhiên theo ghi nhận của Thời báo Kinh Doanh, trong bối cảnh lãi suất huy động giảm, vẫn có ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao.

Ví dụ, đầu tháng 12, Sacombank công bố chương trình phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn bảy năm, trong đó năm đầu tiên lãi suất của sản phẩm này ở mức 7%/năm; từ năm thứ hai trở đi sẽ lấy lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của bốn NHTM Nhà nước ngày 26/11/2020 và cộng thêm 1,2% để ra lãi suất cho chứng chỉ tiền gửi thời kỳ tiếp theo.

Theo đại diện lãnh đạo Sacombank, mục đích của việc phát hành loại chứng chỉ tiền gửi này là tăng quy mô vốn của ngân hàng và tăng nguồn vốn trung, dài hạn, nâng cao các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng và cơ cấu nguồn vốn huy động của Sacombank theo hướng ổn định.

Tương tự, SHB phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng lên đến 7,5%/năm. Lãi suất năm đầu tiên đối với kỳ hạn 6 năm và 8 năm lần lượt là 7,3%/năm và 7,5%/năm; lãi suất các năm tiếp theo sẽ được điều chỉnh phù hợp, bảo đảm cạnh tranh trên thị trường.

Không phát hành chứng chỉ tiền gửi như Sacombank và SHB, mới đây Agribank thông báo phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng nhằm tăng vốn.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động đang được giữ ổn định ở mức thấp nhằm tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, thì các hình thức huy động vốn nêu trên cũng góp phần giúp các ngân hàng vừa đáp ứng được các tỷ lệ bảo đảm an toàn vừa tăng trưởng nguồn vốn dài hạn đáp ứng nhu cầu cho vay của nền kinh tế.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm