Tìm 'chìa khóa' mở cửa phát triển nông nghiệp quy mô lớn
10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2020 / Tăng trưởng tín dụng năm 2020 vượt mục tiêu 10%
Tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2020 diễn ra vào chiều ngày 24/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra nhiệm vụ cho ngành nông nghiệp năm 2021 phải đạt kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 44 tỷ USD. Con số này đòi hỏi việc đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
DN, HTX là 'hạt nhân' chuỗi giá trị
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2020, ngành nông nghiệp đối mặt với thách thức chưa từng có, cùng với dịch bệnh COVID-19 là thiên tai khốc liệt. Tuy vậy, kết quả mà ngành nông nghiệp đạt được khá thành công.
Đẩy mạnh liên kết trong phát triển sản xuất nông nghiệp. |
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 đạt khoảng 41,2 tỷ USD, duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều, gạo).
Đồng thời, việc tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp với thị trường, sản xuất hàng hóa lớn; nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với DN, HTX theo chuỗi được triển khai nhân rộng.
Năm 2020, toàn ngành thành lập mới được 14 liên hiệp HTX nông nghiệp, 1.555 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 68 liên hiệp HTX nông nghiệp, 17.300 HTX nông nghiệp; số HTX hoạt động hiệu quả là 14.532; có 1.718 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thành lập mới 1.055 DN, nâng tổng số lên trên 13.280 DNnông nghiệp.
Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, DN, HTX sẽ là "hạt nhân" quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất. Do vậy, việc thúc đẩy nhiều DN đầu tư vào nông nghiệp, hình thành các HTX hoạt động hiệu quả sẽ là "chìa khóa" cho phát triển giai đoạn tới đây.
Trên thực tế, nhờ đẩy mạnh liên kết trong xây dựng chuỗi giá trị, một số địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh có 8.000ha cây ăn quả được cấp 161 mã số vùng trồng, 85 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Toàn tỉnh có 614 HTX nông nghiệp, trong đó trên 300 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Sản phẩm nông sản được xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới, vào được nhiều siêu thị trong nước. Năm 2020, tỉnh khánh thành 3 nhà máy chế biến rau củ quả quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Tuy vậy, bên cạnh kết quả đạt được, ông Khánh chia sẻ, diện tích áp dụng công nghệ mới còn thấp, thiếu tập trung. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư vào chế biến sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, thời gian tới, Sơn La sẽ đẩy mạnh thu hút các DN để phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, kết nối với các kênh tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản xuất...
Đại diện tỉnh Sơn La kiến nghị các bộ, ngành hỗ trợ tìm kiếm thị trường để nông sản chủ lực của tỉnh được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vừa qua, TP. Hà Nội đã xây dựng và duy trì 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, trong đó có 59 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật, 82 chuỗi có nguồn gốc thực vật. Các chuỗi đã thu hút nhiều DN, HTX tham gia.
Đại diện TP. Hà Nội kiến nghị Bộ NN&PTNT, các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai để tháo gỡ những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay, có quy định cụ thể về tích tụ, tập trung ruộng đất; có các cơ chế, chính sách thông thoáng tạo điều kiện cho các DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
"Bộ NN&PTNT phối hợp các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn đã ban hành cho phù hợp với tình hình thực tế theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất", ông Quyền kiến nghị.
Vượt thách thức - đón thời cơ
Nhìn nhận quá trình đầu tư của DN vào nông nghiệp trong 3 năm qua, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, con số đã tăng gấp 3 lần, đến nay có hơn 13.000 DN đầu tư vào nông nghiệp.
Chủ tịch VCCI kiến nghị: Điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm nhiều nhưng vẫn còn thủ tục gây phiền hà cho DN, do đó ngành nông nghiệp cần sửa văn bản pháp luật trong phạm vi quản lý nhà nước của ngành mình. Hay trong lĩnh vực quản lý kiểm tra chuyên ngành vẫn còn hiện tượng chồng chéo làm khó cho DN.
Đặc biệt, việc tích tụ ruộng đất luôn là vấn đề lớn trong phát triển nông nghiệp, nên Chính phủ cần sớm trình Quốc hội sửa Luật Đất đai. Trong bối cảnh Luật Đất đai chưa được sửa, các địa phương có thể nhân rộng mô hình chính quyền thuê đất của nông dân rồi cho DN thuê lại, giải quyết "nút thắt" về đất đai.
"Ngành nông nghiệp cần chuyển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế kinh doanh nông nghiệp, DN giữ vị trí trung tâm, liên kết với HTX để cung ứng sản phẩm ra toàn cầu, định hình tương lai của nền nông nghiệp Việt Nam", ông Lộc khuyến nghị.
Đánh giá về phát triển của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng: "Sản xuất nông nghiệp phải gắn với thị trường. Nhưng để thực thi lại là vấn đề không dễ. Chúng ta cần chuyển tín hiệu thị trường đến người sản xuất nông nghiệp".
Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT cần tổ chức đánh giá việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA), không chỉ có CPTPP, EVFTA, RCEP. Điều này giúp tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường tính cạnh tranh. Các bộ ngành cần phải phối hợp để thực hiện phát triển thị trường, truy xuất nguồn gốc, đổi mới phương thức sản xuất.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá trong 5 năm qua, DN và HTX nông nghiệp đã thể hiện vai trò rất lớn trong sản xuất nông nghiệp. Trước yêu cầu cần phải chú trọng xây dựng hoàn thiện thể chế để kiểm soát tốt đầu vào và đầu ra của sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của phát triển HTX nông nghiệp là rất lớn, Liên minh HTX Việt Nam cần phối hợp với Bộ NN&PTNT để chỉ đạo chặt chẽ việc kiểm soát đầu vào và đầu ra trong sản xuất nông nghiệp.
Hơn nữa, Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ "thấy mừng nhưng vẫn thấy lo" vì tăng trưởng của ngành nông nghiệp chưa bền vững do chịu cú sốc bởi thiên tai và dịch bệnh. Nhiều mục tiêu chưa đạt như phát triển 15.000 HTX hoạt động hiệu quả, cơ sở hạ tầng, giao thông còn nhiều bất cập, chênh lệch khoảng cách giàu nghèo, vùng miền còn lớn...
Đặc biệt, dự báo cung - cầu vẫn là khâu yếu. Dẫn chứng từ bất cập giá thịt lợn tăng mạnh trong thời gian qua, Thủ tướng lưu ý làm sao Tết Nguyên đán này không được để người dân phải mua thịt lợn giá cao.
Về kế hoạch phát triển năm 2021, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngành nông nghiệp phải biến nguy cơ thành thời cơ. Nguy cơ là sự cực đoan của khí hậu nên ngành nông nghiệp cần phát huy kinh nghiệm để vượt qua, còn thời cơ là thị trường được mở ra. Vì vậy, ngành nông nghiệp cần tiếp tục tìm thị trường để ổn định đầu ra của sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế hợp tác, HTX để xây dựng chuỗi giá trị. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút DN liên kết với nông dân, HTX, từ đó phát triển thị trường trong và ngoài nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT