Thị trường

Sức chịu đựng rủi ro của thị trường tài chính Việt Nam ở mức độ trung bình khá

Các chuyên gia nhận định, năm 2020, diễn biến phức tạp kéo dài của dịch Covid-19 đang là thách thức lớn cho triển vọng phục hồi kinh tế năm 2020-2021. Đặc biệt, thị trường tài chính - tiền tệ đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có tính chất lan truyền.

10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2020 / Tăng trưởng tín dụng năm 2020 vượt mục tiêu 10%

rui-ro-tai-chinh-6785-1608821748.jpg

Việt Nam cần coi trọng mục tiêu an ninh, an toàn hơn là mục tiêu lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh dịch vụ ngân hàng. (Ảnh: Int)

Năm 2020 sắp đi qua, nhưng những bất ổn kinh tế do ảnh hưởng dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài sang năm 2021. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với những khó khăn do suy thoái kinh tế. Đặc biệt rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu là vấn đề đáng quan ngại trong bối cảnh nợ công và nợ tư tăng nhanh, nợ xấu tăng, nguy cơ đảo chiều hay giảm sút dòng vốn ngoại…

Việt Nam cũng không nằm ngoài bối cảnh và xu hướng trên, tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia đánh giá, thị trường tài chính Việt Nam ở mức độ rủi ro và sức chịu đựng Trung bình khá.

Trong đó, với quy mô thị trường tài chính Việt Nam (gồm cả 3 khu vực: ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm) tương đương 366,3% GDP thì tác động của các nguy cơ, rủi ro tài chính toàn cầu đối với Việt Nam là không nhỏ, trong khi các rủi ro không loại trừ lẫn nhau mà có thể cùng tác động vào nhiều lĩnh vực và có tính lan truyền.

Tuy nhiên, khả năng ứng phó và giảm thiểu tác động tiêu cực từ nguy cơ bất ổn tài chính được khẳng định bởi nền tảng kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính khá vững chắc và ổn định trong 5 năm qua.

Cùng với đó, Việt Nam có nhiều cơ hội để nâng cao vị thế, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế với khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế dương và ở mức cao nhất thế giới và khu vực năm 2020. Sức mạnh tài chính khá tốt và vị thế quốc tế không ngừng được tăng lên; là một trong số ít quốc gia giữ vững xếp hạng tín nhiệm ở mức ổn định (theo đánh giá của Fitch, S&P cập nhật tháng 9/2020).

 

Mặc dù vậy, theo TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, nước ta vẫn phải đối mặt với rủi ro nợ công và thâm hụt ngân sách tăng nhanh; xu hướng giảm sút dòng vốn ngoại có thể còn tiếp diễn, áp lực nợ xấu và giảm lợi nhuận là những thách thức khá lớn…

Chính vì thế, các chuyên gia đã đưa ra nhiều khuyến nghị để Việt Nam nâng cao khả năng ứng phó, tạo sự bền vững trước tình hình tài chính tiền tệ hiện tại như: nâng cao năng lực của khu vực ngân hàng, hướng tới chuẩn mực quốc tế, phát triển kinh tế số…

TS. Cấn Văn Lực đề xuất, Việt Nam cần phải đảm bảo gói hỗ trợ được thực hiện nhanh hơn để không chỉ giúp doanh nghiệp mà còn giúp cho hệ thống tài chính ngân hàng sớm ổn định. Vấn đề hoàn thiện thể chế cũng vô cùng quan trọng, đồng thời phải hết sức chú trọng chuyện tăng sức đề kháng của nền kinh tế, cũng như khối tài chính ngân hàng.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đại Lai, chuyên gia kinh tế chia sẻ thêm, Việt Nam cần coi trọng mục tiêu an ninh, an toàn hơn là mục tiêu lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh dịch vụ ngân hàng. Trong đó, các ngân hàng thương mại Việt Nam phải quan tâm đến việc đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, ưu tiên phương án kinh doanh hiệu quả hơn là chú trọng đến tài sản thế chấp của khách hàng vay…

Bên cạnh việc bảo đảm an ninh an toàn từ hệ thống, TS. Đinh Thị Thanh Vân, Khoa Tài chính ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng cần phải bảo vệ cả người tiêu dùng tài chính, như thành lập cơ quan chuyên trách, có luật riêng để thực hiện bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

 

Ngoài ra, các cơ quan liên quan cũng cần tăng cường công tác giáo dục tài chính, phát triển tài chính toàn diện… để nền tài chính của nước ta được bền vững từ những đối tượng nhỏ nhất.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm