Lãi suất ngân hàng tăng, khi nào mới dừng lại?
BẢN TIN TÀI CHÍNH - KINH DOANH: Giá xăng có thể giảm tiếp, cà phê Việt xâm nhập thị trường Mỹ / Thương lái bất ngờ lùng mua vảy cá ở miền Tây
Khoảng 2 tháng nay, nhiều ngân hàng thương mại liên tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn. Nếu như vài tháng trước, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài chỉ trong khoảng 6,5%-8%/năm, thì nay mức lãi suất đã ở ngưỡng 8,5%-8,7%/năm.
Theo ghi nhận của PV, tại thời điểm này, mức lãi suất tiền gửi cao nhất trên thị trường là 8,9%/năm sau khi áp dụng các gói sản phẩm, chương trình cộng thêm lãi suất…
Cuối tháng 11/2018, VPBank công bố biểu lãi suất tiết kiệm mới và điều chỉnh tăng 0,5% cho các kỳ hạn 6 - 12 tháng lên mức 7,7-7,8%/năm. Ở các kỳ hạn dài hơn, lãi suất được cộng thêm từ 0,6-0,7%/năm. Lãi suất tiết kiệm cao nhất tại VPBank hiện lên tới 8%/năm, tăng 0,7 điểm phần trăm so với trước đó, áp dụng cho các khoản tiền gửi trên 10 tỉ đồng, kỳ hạn 36 tháng.
Tại ngân hàng OCB, lãi suất huy động cao nhất đang được ngân hàng này áp dụng là 8,2%/năm với kỳ hạn 6 tháng, dành cho khách hàng vừa gửi tiết kiệm, vừa mua bảo hiểm.
Từ ngày 22/11, lãi suất tại Techcombank cũng tăng thêm 0,1-0,2 điểm phần trăm so với tháng 10 ở nhiều kỳ hạn. Lãi suất cao nhất ở ngân hàng này đang là 7%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên....
Mặc dù đua nhau tăng lãi suất nhưng mức độ điều chỉnh tại các ngân hàng lại khác nhau, dẫn đến chênh lệch lãi suất huy động trên thị trường giữa các ngân hàng là khá lớn. Cùng ở các kỳ hạn dài, lãi suất chênh nhau có lúc lên đến 1-1,5%/năm.
Nhiều người lo ngại, lãi suất ngân hàng tăng không biết đến khi nào thì dừng lại. (Ảnh minh họa: KT) |
Theo chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, việc tăng lãi suất vào thời điểm cuối năm mang tính chu kỳ và có thể sẽ tiếp tục xu hướng tăng chứ không chỉ vào thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Nguyên nhân khiến các ngân hàng lớn, nhỏ đồng loạt tăng lãi suất là vào tháng cuối năm, các ngân hàng cần nhiều vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các cá nhân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, thời điểm này cũng sắp hết thời gian mà các ngân hàng có thể sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn với tỷ lệ 45%. Chỉ 10 ngày nữa tỷ lệ này sẽ rút xuống còn 40%. Tức trong 100 đồng vốn ngắn hạn thì ngân hàng thay vì sử dụng 45 đồng như bây giờ chỉ còn được sử dụng 40 đồng cho vay trung và dài hạn. Do đó, ngân hàng phải tăng nguồn vốn trung và dài hạn để đáp ứng tỷ lệ từ 1/1/2019.
Một nguyên nhân nữa mà TS. Hiếu chỉ ra đó là, hiện tại, tỷ giá của VND so với USD đang có áp lực tăng giá, do chiến tranh thương mại Trung-Mỹ đã buộc Trung Quốc phải phá giá đồng NDT ở mức độ rất mạnh để đối phó với việc hàng hóa của Trung Quốc bị thuế nhập khẩu cao, tạo lợi thế cạnh tranh để tăng tỷ giá lên. Những lý do đó khiến giới đầu cơ ngoại tệ cho rằng, tỷ giá VND sẽ phải điều chỉnh để giới hạn nhập siêu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Điều này đã làm tăng lãi suất và các ngân hàng đang phải giữ lãi suất huy động ở mức cao, nhằm hạn chế việc khách hàng rút tiền đồng để mua USD găm giữ ngoại tệ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Tình trạng tăng lãi suất có thể sẽ kéo dài đến thời điểm trước Tết Nguyên đán. Sau Tết, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào hơn, khi đó, thị trường lãi suất trong nước sẽ tạm ổn định. Tuy nhiên, không thể lường trước được việc, sau Tết những cơn biến động trên thị trường tài chính thế giới và sự biến động trong hệ thống tài chính ngân hàng của Việt Nam sẽ tiếp tục gây áp lực lên lãi suất. Dự báo lãi suất trong năm 2019 có thể sẽ theo xu hướng tăng”.
Trước làn sóng tăng lãi suất tiền gửi, nhiều người nghi ngại, điều này sẽ tạo áp lực khiến lãi suất cho vay tăng theo trong thời gian tới. Đại diện NHNN cho biết, cơ quan này vẫn đang theo dõi chặt chẽ diễn biến lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại trong thời gian gần đây. Các ngân hàng chỉ tăng lãi suất huy động, nếu tăng cả lãi suất cho vay ở mức bất hợp lý sẽ bị NHNN tuýt còi.
“Việc NHNN tuýt còi những ngân hàng tăng lãi suất cao là điều hợp lý để tránh tình trạng các ngân hàng chạy đua về lãi suất. Nếu chạy đua tới mức 9% là điều bất hợp lý, bởi lãi suất tăng đi cùng với lạm phát. Nếu lạm phát năm nay là 4%, cộng thêm 2% biên độ nữa thì lãi suất huy động 6% là vừa đẹp. Còn nếu lãi suất huy động lên đến 7-8% thậm chí lên đến 9% thì cách xa với mức hợp lý của lãi suất. Thành ra, những ngân hàng đẩy lãi suất lên để huy động vốn đầu vào một cách bất hợp lý thì cần phải tuýt còi và cần có biện pháp chế tài từ ngân hàng trung ương”, ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh