K4... đã thành "vàng"
(DNVN) - Vùng gò đồi K4 thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đang vào vụ thu hoạch mùa trái cây. Chúng tôi thực hiện chuyến “vi hành” lên K4 để cảm nhận sự đổi thay của vùng đất hoang hóa năm nào.
Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2018 có thể đạt khoảng 6,9-7% / BẢN TIN TÀI CHÍNH - KINH DOANH: Giá xăng có thể giảm tiếp, cà phê Việt xâm nhập thị trường Mỹ
Bởi cách đây gần hai mươi năm về trước chúng tôi có lần đặt chân lên đây vào thời điểm một số người dân ở thôn Long Hưng (Hải Phú) đang bắt đầu cuộc phục hoang khai hóa, mở hướng làm ăn mới trên vùng gò đồi K4.
Từ Quốc lộ 1A thuộc địa phận phía Bắc huyện Hải Lăng (Quảng Trị) ngược lên phía tây đi khoảng chừng 7-8 cây số, gặp một con đường đất đỏ chạy ngoằn ngoèo, len lỏi giữa những tán cây rừng cao ngất ngưởng rồi rẽ về hướng nam, đi thêm hơn một cây số nữa, trước mắt chúng tôi hiện ra một vùng trái cây xanh tươi trải khắp trên những ngọn đồi, nhiều khoảnh rừng cam vàng chính vụ sum xuê trĩu nặng cành cây.
Đập vào mắt chúng tôi là vườn hàng trăm cây cam của anh Trần Lợi, trồng được từ 6 đến 15 năm tuổi, cây nào trái cũng nặng trĩu chín vàng. Anh Lợi cho biết, một cây cho từ 80-100kg, có nhiều cây đạt trên 200kg. Dưới chân đồi là một hồ nước đàò dùng để điều tiết môi trường cho vườn cây; một vùng cam rộng khoảng hai héc ta anh đã trồng được 2 năm tuổi; một khu rừng tràm rộng 5ha trồng từ nhiều năm nay để làm phòng hộ cho vườn cây ăn quả.
Anh Trần Lợi là một doanh nhân-Công ty của anh hoạt động trên lĩnh vực xây dựng dân dụng. Tích lũy được một số vốn, đến năm 2003 anh mạnh dạn đầu tư vốn mua lại đất của một số người dân thuộc vùng gò đồi K4 để phát triển cây công nghiệp.
Anh Trần Lợi đang thu hoạch cam.
15 năm lăn lộn trên vùng đồi K4, trải qua biết bao nhọc nhằn gian lao, nhất vào những năm đầu do chưa có kinh nghiệm, sản phẩm làm ra trên vùng đồi chưa được nhiều, gặp không ít những vụ mùa màng thất bát, cứ tưởng chừng không vượt qua nổi.
Bằng sự kiên nhẫn, chí thú làm ăn, anh Lợi đã “cơm đùm gạo bới” cùng với một số anh em đến những vùng quê xa xôi nơi được mạnh danh là vựa cam, vựa quýt để học hỏi kinh nghiệm. Với kiến thức thu nhận qua học hỏi cùng với những trải nghiệm trên vùng đất đồi quê nhà, anh Lợi đã chọn riêng cho mình một phương thức sản xuất cây công nghiệp mới.
Anh Lợi chọn cây cam, quýt làm cây trồng chính, bên cạnh đó trồng thêm cây tràm vừa làm rừng phòng hộ vừa làm kinh tế, vì trồng cây ăn quả khó hơn trồng những loại cây khác nhiều, về phương thức thì trong quy trình sản xuất chung, tuy nhiên cần có cách chăm bón riêng biệt tùy thuộc vào khí hậu và thổ nhưỡng của từng vùng.
Vùng quê Quảng Trị mưa nhiều vào những tháng cuối năm, cũng là thời điểm bước vào mùa thu hoạch cam, quýt chính vụ. Vì thế, muốn để cho quả cam vừa ngọt vừa có lượng nước vừa phải thì khâu làm cỏ phải đúng thời điểm. Bởi lẻ đó, những tháng thu hoạch để cho cỏ lên tốt dưới chân cây, lúc này cỏ có chức năng hút nước để trái cam có một lượng nước vừa phải.
Cũng vào thời điểm cuối năm mưa nhiều, thảm thực vật luôn ẩm ướt, càng tạo điều kiện để cho sâu bọ sinh sôi nảy nở. Vì vậy để cho quả cam vừa ngọt vừa lành tính, anh đã dùng một loại dung dịch chiết xuất từ việc ngâm ớt, tỏi, rượu để phun trừ, đuổi sâu bọ bảo vệ cho cây trái...
Từ một vùng đồi hoang hóa đầy cỏ dại, lau lách, vắt rừng... nay K4 trở thành một vùng cây trái trù phú, với tổng diện tích khoảng 50 ha, trong đó 50% diện tích được trồng cây ăn quả như cam, quýt của gần 10 gia đình ở xã Hải Phú, có 25 ha đã cho thu hoạch nhiều năm nay.
Bằng quy trình và phương thức sản xuất phù hợp với vùng đất mưa lắm nắng nhiều, những năm trở lại đây K4 đã cho ra quả ngọt, trái lành, được thị trường tín nhiệm, mỗi ha thu hoạch trên 20 tấn/năm, giá trị hàng trăm triệu đồng. Để rồi bao nhiêu công lao, mồ hồi và nước mắt của người dân đỗ xuống được đền đáp xứng đáng, khơi dậy một vùng cây trái kiểu mẫu của Quảng Trị.
Cần xây dựng thương hiệu Cam-quýt K4
Dẫu biết, cam-quýt sản xuất trên vùng gò đồi K4 có mặt và được thị trường chấp nhận trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, do người dân ở đây chủ yếu sản xuất tự phát và tự tiêu thụ nên cam-quýt K4 mới tiêu thụ tại các chợ ở TP Đông Hà và thị xã Quảng Trị.
Để cam-quýt K4 đến với thị trường xa xôi hơn, hay đi vào các siêu thị lớn thì cần xây dựng thương hiệu riêng cho cam-quýt K4. Thiết nghĩ các tổ chức liên quan của tỉnh Quảng Trị cần quan tâm, có chương trình cụ thể sớm xây dựng thương hiệu riêng cam-quýt K4, góp phần làm phong phú sản phẩm nông nghiệp sạch của quê hương, nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất trái cây trên vùng gò đồi K4.
Hữu Tiến
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo