Thị trường

Lần đầu tiên xuất khẩu hàng hóa Đồng Tháp đạt 1,2 tỷ USD

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đồng Tháp có mức tăng trưởng ấn tượng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,2 tỷ USD (không tính tái xuất xăng dầu), tăng 38,89 % so năm 2017 và cao nhất trong 5 năm gần đây.

Việt Nam ứng phó với biến động bất lợi trên thị trường thế giới / Giá xăng dầu đồng loạt giảm trong ngày đầu tiên của năm 2019

Là một trong những tỉnh dẫn đầu của khu vực đồng bằng Sông Cửu Long về nông thủy sản, thời gian qua Đồng Tháp đã triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy sản xuất, kết nối cung cầu, tăng cường xúc tiến thương mại… Nhờ vậy, xuất khẩu (XK) nhóm nông thủy sản của Đồng Tháp không ngừng tăng trưởng.


Thủy sản mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Đồng Tháp.

Thủy sản mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Đồng Tháp.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp - cho biết, năm 2018, tình hình xuất khẩu hàng hóa của tỉnh có nhiều thuận lợi và đạt mức tăng trưởng cao so với năm 2017. Trong đó 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh là gạo và thủy sản (cá phi lê) chiếm tỷ trọng trên 85% kim ngạch XK hàng hóa. Các mặt hàng khác như: bánh phồng tôm, dệt may, sản phẩm sau gạo... đều duy trì được mức tăng trưởng khá. Tổng kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 1,2 tỷ USD (không tính tái xuất xăng dầu), đạt 133,33% kế hoạch năm, tăng 38,89 % so năm 2017 và cao nhất trong 5 năm gần đây.

Hàng hóa XK của Đồng Tháp đã có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiện có khoảng 53 doanh nghiệp (DN) tham gia xuất khẩu với các mặt hàng gạo, thủy sản, dệt may, sản phẩm sau gạo, dược… Thị trường XK hàng hóa của Đồng Tháp chủ yếu tập trung 3 thị trường chính là châu Mỹ (41%), châu Á (38%) và châu Âu (15%).

Tuy tăng trưởng khá ấn tượng, nhưng hoạt động XK của Đồng Tháp vẫn còn một số khó khăn, nhất là 2 mặt hàng chủ lực là gạo và thủy sản (chiếm khoảng 85% kim ngạch XK hàng hóa) do bị tác động từ những rào cản thương mại của thị trường nhập khẩu. Đối với mặt hàng trái cây (xoài, nhãn, chanh…) của Đồng Tháp đã được một số thị trường khó tính chấp nhận như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Newzealand, Mỹ… Tuy nhiên, trái cây của Đồng Tháp hầu hết chưa XK trực tiếp mà chỉ cung ứng cho DN khác ngoài tỉnh XK nên không được tính vào kim ngạch.

lan dau tien xuat khau hang hoa dong thap dat 12 ty usd


Đóng gói gạo xuất khẩu tại Nhà máy gạo Đồng Tháp.

 

Có thể thấy, trong năm 2018, nhiều DN của Đồng Tháp hoạt động hiệu quả, chất lượng hàng hóa ngày càng được nâng lên, xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, các DN đã đẩy mạnh XK, đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế chung của Đồng Tháp.

Theo bà Võ Phương Thủy để đạt được kim ngạch XK 1,2 tỷ USD trong năm 2018, ngành Công Thương Đồng Tháp và các sở ngành khác đã đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, thuế, môi trường, đầu tư nhằm hỗ trợ cho DN sản xuất kinh doanh hàng XK. Bên cạnh đó, Sở đã triển khai có hiệu quả nguồn kinh phí xúc tiến thương mại của Trung ương và địa phương, tạo điều kiện để các DN đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường…

Trong năm 2019, Ngành Công Thương Đồng Tháp tiếp tục đồng hành cùng DN, nhằm tháo gỡ những vướng mắc khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN ổn định sản xuất kinh doanh và XK. Đồng thời thực hiện quyết liệt các kế hoạch, chuỗi liên kết về sản xuất tiêu thụ nông sản gắn với sản xuất an toàn và truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Đặc biệt, tranh thủ sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương để cập nhật thông tin diễn biến thị trường thế giới, tận dụng các FTA mang lại, chủ động ứng phó với các rào cản về thương mại nhằm hỗ trợ DN đẩy mạnh XK.

Theo congthuong.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm