Thị trường

Sau một năm “kỷ lục”, kịch bản nào cho kinh tế năm 2019?

Chuyên gia cho rằng, môi trường kinh doanh và cảm nhận của thị trường là những thách thức rất lớn đang chờ đón vào năm 2019. Cùng với đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa biết dừng ở đâu và như thế nào cũng là một trong những ẩn số đang lưu ý của năm tới.

CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam: Từ ngày 14/1/2019, đơn giản hóa thủ tục khai nguồn gốc xuất xứ sản phẩm / Giá xăng dầu đồng loạt giảm trong ngày đầu tiên của năm 2019

Năm 2018 của những kỷ lục
Số liệu công bố từ Tổng cục Thống kê (GSO, Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2018 tăng 7,31% so với cùng kỳ 2017. Tính chung GDP năm 2018 tăng 7,08%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Đây cũng là mức tăng cao nhất từ năm 2008 trở lại đây.
Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành hơn 5,53 triệu tỷ đồng. GDP bình quân đầu người khoảng 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD. Mức này tăng 198 USD so với năm 2017.
Về lạm phát, CPI bình quân năm 2018 tăng 3,54%, đạt mục tiêu dưới 4% Quốc hội giao. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt hơn 244,7 tỷ USD, tăng gần 14% so với 2017. Tính chung năm 2018 Việt Nam đạt thặng dư thương mại 7,2 tỷ USD, trong đó khu vực trong nước nhập siêu 25,6 tỷ và khu vực đầu tư nước ngoài (gồm dầu thô) xuất siêu 32,8 tỷ USD.
"Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện", Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận xét và cho biết, năng suất lao động tăng gần 6% so với 2017 và tính theo giá hiện hành đạt 102 triệu đồng (gần 4.512 USD) một người.
Kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2018 thể hiện những nỗ lực rất đáng ghi nhận của Chính phủ.
Kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2018 thể hiện những nỗ lực rất đáng ghi nhận của Chính phủ.

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ cuối cùng của năm 2018, Thủ tướng Chính phủ vui mừng cho biết, cùng với tăng trưởng kinh tế đạt mức kỷ lục, thu ngân sách Nhà nước, nhất là ngân sách Trung ương đạt kết quả đáng mừng. Thủ tướng cũng cho biết, chưa bao giờ Việt Nam xuất siêu trên 7 tỷ USD như năm nay.

Không chỉ vậy, chất lượng, mô hình tăng trưởng có chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP cao gấp đôi so với lạm phát. Đáng mừng hơn khi tăng trưởng kinh tế đạt được ở mức cao trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng ở mức thấp và sản lượng dầu thô khai thác giảm. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới năm nay cũng cao hơn so với các năm.

Dưới góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Phát triển, giảng viên chính sách công của Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng trên 7% trong năm 2018, cao nhất kể từ năm 2007 nhờ động lực đến từ hai khu vực chính là công nghiệp chế biến và dịch vụ.

"Nếu như năm 2017, Việt Nam phụ thuộc vào điện thoại và thiết bị điện tử với tốc độ tăng trưởng 20-30% thì nhóm ngành này chỉ tăng khoảng 11% trong 11 tháng năm 2018. Động lực cho sự tăng trưởng thay vào đó lại đến từ những ngành hưởng lợi từ chính sách để thay thế hàng nhập khẩu, như sản xuất ôtô và dược phẩm", ông Thành nói.

Bên cạnh đó, ông Thành cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế trong năm nay không còn phụ thuộc vào tín dụng. "Nhiều chuyên gia đã tỏ ra quan ngại khi tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam những năm trước gắn với mức độ thâm dụng tín dụng. Tuy nhiên trong năm nay, không cần tăng trưởng tín dụng cao nhưng tăng trưởng GDP vẫn tiếp tục tăng", ông Thành nói.

 

Chìa khoá vẫn là “cải thiện môi trường kinh doanh”

Ở một góc nhìn khác, TS Huỳnh Thế Du (Giảng viên ĐH Fullbright) cho rằng, cho rằng kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2018 thể hiện những nỗ lực rất đáng ghi nhận của Chính phủ. Tuy nhiên, ông Du cho rằng, nhìn tổng thể sẽ thấy rằng kết quả năm 2018, thực ra, không tốt bằng năm 2017. Cả thị trường và đánh giá từ bên ngoài đều không tích cực.

Theo ông Du, thứ nhất, xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam giảm ba bậc và môi trường kinh doanh giảm một bậc so với năm 2017 (hai thứ hạng này năm ngoái đều tăng).

Bên cạnh đó, kết thúc năm 2018, khả năng cao là chỉ số VN-Index sẽ dao động quanh 900 điểm (ngày 27/12 đúng 900 điểm), thấp hơn đáng kể so với 981 điểm cuối năm 2017 (tăng 47% so với 2016).

“Ngoài ra, khi nhìn vào các nhân tố tác động lớn đến các kết quả trong tương lai và tính bao trùm của thành quả tăng trưởng thì kết quả đạt được không quá hồ hởi. Ví dụ số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng chỉ có 3,5%, trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng đến 49,7%; lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp chỉ tăng 2,6% (năm 2017 là 5,1%)”, ông nói.

 

Dự báo về năm 2019, TS Huỳnh Thế Du cho rằng, môi trường kinh doanh và cảm nhận của thị trường là những thách thức rất lớn đang chờ đón vào năm 2019 – một thời điểm rất nhạy cảm với Việt Nam.

“Cùng với đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa biết dừng ở đâu và như thế nào? Nếu vừa phải thì Việt Nam có lợi thế trở thành điểm đến của một số nhà đầu tư rút khỏi Trung Quốc nhưng nếu nó lan mạnh hơn gây ra khủng hoảng suy thoái toàn cầu thì với một quốc gia có độ mở như Việt Nam, mọi chuyện sẽ rất căng”, ông Du bình luận.

Thêm vào đó, ông Du cũng chỉ ra rằng những “năm số 9” là năm cực kỳ nhạy cảm và có vấn đề với nền kinh tế Việt Nam. Ví dụ như: năm 1979 Việt Nam rơi vào khủng hoảng lớn, đình đốn sản xuất; Năm 1989 là năm đổ bể của hợp tác xã tín dụng, về cơ bản khủng hoảng tài chính; Năm 1999 sau cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, Việt Nam rơi vào khủng hoảng đổ bể các ngân hàng thương mại, sau đó Chính phủ phải có kích cầu kinh tế; Năm 2009 rơi vào khủng hoảng kép khi diễn ra cùng với khủng hoảng toàn cầu.

“Những phân tích hiện giờ cho thấy, những chỉ tiêu cơ bản của năm 2019 vẫn rất ổn với điều kiện quán tính, nhịp độ của năm 2018 vẫn giữ. Tiếp theo nữa là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đừng có quá mức. Tuy nhiên, nếu rủi ro lớn thì chưa biết được. Tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và cố gắng ổn định hơn nữa môi trường vĩ mô”, ông nói thêm.

Theo dantri.com.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm