Thị trường

Làng nghề miền Tây hối hả đón Tết

DNVN - Những ngày giáp Tết, làng nghề hơn 100 năm tuổi ở xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long luôn nhộn nhịp, người dân tất bật sản xuất để cung ứng hàng ra thị trường. Trong khi đó, các hợp tác xã (HTX) và hộ dân sản xuất tôm khô, bánh phồng tôm ở tỉnh Cà Mau cũng đang gia tăng sản lượng nhằm đáp ứng đủ nguồn cung cho thị trường Tết.

Đảm bảo nguồn cung thịt gia súc, gia cầm dịp Tết / Lễ hội cá tra lần thứ nhất năm 2022: Khẳng định thế mạnh vươn ra biển lớn

Nhộn nhịp làng nghề tàu hũ ky ở Vĩnh Long

Làng nghề di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tàu hũ ky (váng đậu) ở xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long có 29 hộ sản xuất, phát triển làng nghề với nhiều sản phẩm chay như tàu hũ ky, tàu hũ ky miếng lớn, tàu hũ ky cọng khô, cọng non, tàu hũ ky ướp muối.

Tổ trưởng tổ sản xuất tàu hũ ky Mỹ Hòa Đinh Công Hoàng cho biết, chuẩn bị cho thị trường Tết, làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa phải tăng tốc sản xuất gấp nhiều lần công suất ngày thường, đáp ứng nhu cầu khách hàng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP Hồ Chí Minh.

Làng nghề sản xuất tàu hũ ky ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long bảo đảm nguồn cung cho thị trường Tết

Làng nghề sản xuất tàu hũ ky ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long bảo đảm nguồn cung cho thị trường Tết.

Quy trình chế biến tàu hũ ky cũng khá đơn giản và an toàn cho sức khỏe người dùng. Đậu nành hạt đem ngâm khoảng 2-3 giờ, đổ vào nước, rút vỏ, đãi cho hạt đậu thật sạch và bỏ vào cối xay nhuyễn thành bột. Sau đó, vắt lấy nước và đổ vào lò nấu lửa than nóng âm ỉ và khi miếng tàu hũ đọng thành váng, thợ nấu sẽ dùng thanh trúc gợt miếng tàu hũ phơi vắt trên sào. Tiếp đó, miếng tàu hũ được phơi nắng rồi đóng gói, cung cấp ra thị trường.

Hiện, mỗi ngày cơ sở ông Hoàng sản xuất cung ứng ra thị trường khoảng 250 đến 300kg tàu hũ ky các loại, lo sợ sản xuất không kịp nên ông không còn nhận đơn đặt hàng. Theo ông Hoàng, năm nay lợi nhuận sẽ ít hơn so với những năm trước vì chi phí nhân công và nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi giá bán vẫn giữ mức cũ.”

Còn bà Nguyễn Thị Xuân Hà, gia đình đã 4 đời theo nghề này cho biết, trung bình mỗi ngày, hộ bà sản xuất khoảng 100 kg tàu hũ ky nhưng dịp Tết luôn tăng lên ít nhất gấp đôi, với giá bán ổn định khoảng 120.000 đồng/kg.

Làng khô ở Cà Mau hối hả đón Tết

 

Những ngày này, làng khô Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân hay các cơ sở tôm khô, bánh phồng tôm ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau rất nhộn nhịp. Những vựa khô nhân công đang lựa cá tôm, phân cỡ, làm sạch, ướp muối rồi cho lên kệ phơi nắng từ sáng sớm.

Chị Nguyễn Thúy Diễm, ngụ huyện Phú Tân cho biết, những ngày giáp Tết, sản lượng tăng gấp đôi mới đáp ứng nguồn cung, tuy có vất vả hơn nhưng chị cảm thấy vui vì tăng thêm thu nhập để gia đình đón Tết, bình thường mỗi tháng chị có thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng từ nghề này, riêng dịp Tết thì thu nhập tăng lên.

Còn anh Nguyễn Văn Út, ngụ huyện Ngọc Hiển cũng đang tăng ca làm tôm khô và bánh phồng tôm để có thêm tiền sắm đồ Tết và lo việc học cho hai đứa con anh. Theo anh Út, nhân công ở các làng nghề đặc sản hoàn cảnh còn khó khăn nên khi Tết đến xuân về ai cũng cố gắng làm để có thêm thu nhập.

Ông Bùi Văn Chương kiểm tra hàng hóa bảo đảm chất lượng an toàn trước khi cung cấp ra thị trường Tết

Ông Bùi Văn Chương kiểm tra hàng hóa bảo đảm chất lượng an toàn trước khi cung cấp ra thị trường Tết.

 

Ông Bùi Văn Chương, Giám đốc HTX Tân Phát Lợi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cho biết, năm nay, đặc sản tôm khô giữ giá như ngày thường, giá tôm khô loại 1 khoảng 1,6 triệu đồng, loại 2 là 1,4 triệu đồng/kg, còn bánh phồng tôm thì dao động từ 220.000 đến 280.000 đồng/kg, tùy loại. Năm nay, cơ sở của ông chuẩn bị khoảng 20 tấn hàng hóa phục vụ thị trường Tết.

Ông Nguyễn Văn Bình, chủ một vựa sản xuất, kinh doanh đặc sản khô ở huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau cho biết, tuy chi phí đầu vào, nguyên liệu tăng nhưng giá bán các sản phẩm vẫn giữ mức cũ để phục vụ người tiêu dùng trong những ngày Tết.

Hòa Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm