Lãng phí khi vàng ‘ngủ đông’, cần thay đổi thói quen tích trữ
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế tài chính, ước tính hiện có khoảng 400 - 500 tấn vàng được găm giữ ở trong dân và không được đưa vào nền kinh tế. Đây là một sự lãng phí. Người dân cần thay đổi thói quen mua và tích trữ vàng, chuyển đổi vàng sang công cụ đầu tư khác có lợi cho bản thân và nền kinh tế.
Tích trữ vàng - lợi bất cập hại
Hiện chưa có thống kê đầy đủ về lượng vàng tích trữ trong dân. Tuy nhiên, theo ước tính của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, con số này có thể lên tới 500 tấn vàng. Nếu huy động được 50% số vàng này, thì ít nhất cũng có hơn 10 tỷ USD đưa vào nền kinh tế.
Theo các chuyên gia, nếu số vàng này nằm trong két sắt ngân hàng, thì có thể dùng làm dự trữ Quốc gia, bảo đảm giá trị tiền đồng. Chính phủ cũng có thể dùng vàng như một bảo đảm để vay tiền thế chấp tại các tổ chức tài chính thế giới. Bởi vậy, việc người dân tích trữ vàng, không giao dịch, là lãng phí.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tích trữ vàng là “thói quen khó bỏ" của người dân Việt Nam. bởi vàng vẫn được xem là một tài sản an toàn. Tuy nhiên, lợi một thì hạn chế phải gấp 2, 3 lần.
Chuyên gia kinh tế Phạm Quốc Khánh nêu vấn đề: “Nếu tích trữ vàng trong nhà, không bảo quản cẩn thận có thể là mất, chưa kể đến những rủi ro về biến động giá cả. Thay vì cất giữ, người dân cần nghĩ đến đầu tư khác cho hiệu quả, như quy đổi ra tiền, hay đầu tư các lĩnh vực khác”.
Ông Phạm Quốc Khánh phân tích: “Vàng có giá trị quan trọng, là một tài sản có khả năng chuyển đổi trong bất cứ nền kinh tế nào, kể cả thị trường và phi thị trường. Do đó, ở các quốc gia khác, kể cả các cường quốc kinh tế lớn như Mỹ hay Trung Quốc, họ khai thác vàng để chuyển đổi thành các công cụ tài sản khác, phục vụ cho đầu tư và phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tài sản dưới dạng vàng tồn tại trong dân rất lớn và không huy động được. Điều này làm lãng phí nguồn lực trong việc sử dụng vàng như một công cụ chuyển đổi sang công cụ đầu tư khác’’.
Nhất quán chủ trương chống “vàng hóa” nền kinh tế
Một số chuyên gia kinh tế phân tích: Vàng không nằm trong rổ hàng hóa, dịch vụ tính Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), song vàng tăng giá mạnh sẽ tác động đến nền kinh tế. Vàng trong nước tăng giá mạnh, chắc chắn sẽ có hiện tượng đầu cơ, nhập lậu vàng và việc ảnh hưởng đến tỷ giá, là điều không tránh khỏi.
Hệ lụy dễ thấy nữa là mỗi khi giá vàng tăng, về mặt tâm lý, vì lo lắng tiền đồng Việt Nam (VND) mất giá, người dân sẽ tìm cách mua bằng được vàng, thay vì gửi tiền vào ngân hàng hoặc mua hàng hóa, dịch vụ để kích thích tăng trưởng kinh tế. Không ít thì nhiều, người dân cũng sẽ quy giá hàng hóa theo giá vàng và có thể giá các loại hàng hóa sẽ tăng theo. Giá vàng tăng, dẫn đến giá trị nhà đất, bất động sản tăng khiến thị trường bất động sản vốn đã trầm lắng càng thêm trầm lắng...
Không chỉ thu hẹp mức chênh lệch giá, việc không để “vàng hóa” nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tiền tệ quốc gia” cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng).
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý SJC để các đơn vị này bán vàng trực tiếp tới người dân và mới đây triển khai bán qua kênh online của Vietcombank.
“Mục tiêu là sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng ở trong nước và thế giới về mức phù hợp và bền vững. Cách làm mới đã nhanh chóng hạ nhiệt giá vàng từ đỉnh 92,4 triệu đồng/ lượng được thiết lập vào ngày 12/5 để nay chỉ về quanh vùng 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra)”, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Bên cạnh đó, NHNN cũng phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng đối với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp và sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có).
Mới đây, để quản lý thị trường vàng, nhiều chuyên gia còn đề xuất đánh thuế giao dịch vàng. PGS TS Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia đề xuất: NHNN cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng.
Theo PGS TS Nguyễn Thị Mùi, việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng. Giải pháp trên cũng có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng.
TS Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo: Thị trường vàng biến động thực sự khó lường, cần hết sức thận trọng khi mua vàng và phải theo dõi thị trường thường xuyên. Việc mức giá mua vào – bán ra chênh lệch cao có thể dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư khi phải đối diện nguy cơ thua lỗ nếu mua vàng ngắn hạn trong bối cảnh thị trường vàng đầy biến động.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam
Cột tin quảng cáo