Thị trường

Lào Cai: Liên kết nuôi thỏ công nghệ cao

Nhận thấy tiềm năng lớn từ nuôi thỏ chiết xuất vắc xin theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhật Bản, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Nậm Cần (Than Uyên, Lào Cai) đang liên kết hình thành nhóm hộ để phát triển mô hình theo hướng hàng hóa gắn với bảo vệ môi trường.

Quảng Ngãi: Hiệu quả nuôi rong nho biển trong bể xi măng / Nuôi con nhìn ghê, trồng cây đẹp phát mê, thu cả trăm triệu

Liên kết sản xuất

Mô hình nuôi thỏ chiết xuất vắc xin tại bản Nà Phát đang là một trong những mô hình tiêu biểu trong phong trào liên kết nuôi thỏ hàng hóa trên địa bàn xã Nậm Cần.

Nhờ liên kết, mô hình nuôi thỏ tại Nậm Cần đang cho hiệu quả cao

Nhờ liên kết, mô hình nuôi thỏ tại Nậm Cần đang cho hiệu quả cao

Với nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào (cỏ, rau, củ an toàn) tại địa phương, cùng với việc chăm sóc, nuôi theo quy trình tiêu chuẩn của Nhật Bản nên đàn thỏ tại bản có sức đề kháng cao, phát triển tốt và sinh sản nhanh.

Nhờ phát triển ổn định, từ 400 con thỏ giống ban đầu, đến nay, toàn nhóm hộ bản Nà Phát đã phát triển đàn thỏ lên tới gần 2.000 con, trung bình một con thỏ chiết xuất vắc xin cho thu lãi từ 2-2,5 triệu đồng.

Anh Nguyễn Quang Thành – đại diện nhóm hộ nuôi thỏ bản Nà Phát, cho biết: “Năm 2018, được sự giới thiệu của chính quyền địa phương, các hộ nuôi thỏ trong bản đã liên kết với công ty dược phẩm Nip Ponzoki của Nhật Bản để phát triển mô hình nuôi thỏ theo hướng hàng hóa gắn với bảo vệ môi trường”.

Trong hợp đồng liên kết, phía doanh nghiệp sẽ tổ chức hỗ trợ về con giống, thức ăn, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ đầu ra cho sản phẩm. Ngược lại, phía hộ chăn nuôi sẽ đảm bảo tuân thủ đúng quy trình chăn nuôi sạch, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao.

 

Theo anh Thành, thỏ nuôi được xuất khẩu sang Nhật Bản để nghiên cứu và chiết xuất ra vắc xin phục vụ y học. Vì vậy, trong quá trình nuôi dưỡng, phía đối tác Nhật Bản yêu cầu rất khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường nuôi tại các trang trại. Ngoài một số cám do Công ty dược phẩm Nip Ponzoki cung cấp, các hộ trong nhóm sẽ thay nhau lấy lá cây rừng, cây thảo dược cho thỏ ăn, để hạn một số bệnh như chướng bụng đầy hơi, đi ngoài… Chuồng trại phải luôn được vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt nước uống cũng phải là nước sạch, đảm bảo vệ sinh.

“Việc được hỗ trợ kỹ thuật và đầu ra là cú hích lớn giúp các hộ chăn nuôi trong nhóm sản xuất yên tâm chăn nuôi sạch, đảm bảo quy trình kỹ thuật, vệ sinh môi trường, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Thời gian tới nhóm sẽ tiếp tục đầu tư để mở rộng quy mô, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên”, anh Nguyễn Quang Thành cho biết thêm.

Mô hình sẽ được phát triển theo hướng an toàn

Mô hình sẽ được phát triển theo hướng an toàn

Phát triển bền vững

 

Ông Nguyễn Hữu Thức, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Cần, cho biết hiện trên địa bàn xã đang có 2 nhóm hộ gia đình nuôi thỏ để chiết xuất vắc xin. Mô hình đang có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp từ sản xuất tới tiêu thụ nên bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế rất tích cực.

Nhìn nhận rõ những tiềm năng của mô hình, xã Nậm Cần đang đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ các hộ chăn nuôi trên địa bàn liên kết hình thành các nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX để phát triển nuôi thỏ. Bên cạnh đó, xã cũng tạo điều kiện để các hộ trong và ngoài địa bàn đến đến thăm quan và học hỏi kỹ thuật nuôi thỏ để chiết xuất vắc xin tại 2 nhóm hộ.

Mới chỉ đang trong thời kỳ đầu phát triển, nhưng mô hình chăn nuôi thỏ chiết xuất vắc xin đã cho thấy hiệu quả nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật gắn với bảo vệ môi trường và cam kết với doanh nghiệp thu mua.

Việc liên kết nhóm hộ, cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, doanh nghiệp đã tạo nên chuỗi liên kết vững chắc trong chăn nuôi. Mô hình chăn nuôi này thực sự đang cho thấy tín hiệu đáng mừng trong việc giúp cho người dân ở địa phương tăng thu nhập, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm