Thị trường

Lào Cai: Trồng rau an toàn giúp nhiều hộ dân thoát nghèo

Trước đây, hầu như các thành viên đều có hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ nghèo của xã nhưng nhờ tham gia phát triển trồng rau của HTX Dì Thàng (xã Na Hối, Huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) nhiều thành viên đã xóa được đói, giảm được nghèo và có cơ hội làm giàu khi tích cực mở rộng diện tích rau an toàn.

Kon Tum: Người phụ nữ Xơ-đăng tiên phong trồng sâm dây / Bà Rịa-Vũng Tàu: Thoát nghèo bền vững để vươn lên làm giàu từ nghề trồng nấm

Là một huyện vùng cao có điều kiện khí hậu, thời tiết và thổ nhưỡng thích hợp để phát triển các loại rau bản địa, huyện Bắc Hà đang có 477 ha rau, cho sản lượng trên 4.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, việc sản xuất rau còn manh mún, khó khăn trong khâu tìm đầu ra vì lâu nay người dân vẫn chỉ bán được tại địa phương và giá cả bấp bênh nên thu nhập từ trồng rau không cao. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, HTX Dì Thàng đã đứng ra làm đầu mối điều tiết việc lập kế hoạch sản xuất, thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.

Mô hình liên kết mới

Năm 2009, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lào Cai đã tổ chức khảo sát và lựa chọn các nhóm hộ có cùng sở thích sản xuất rau tại thôn Dì Thàng để xây dựng thí điểm mô hình trồng rau an toàn (RAT). Các hộ được tham gia các lớp tập huấn về sản xuất, phòng trừ sâu bệnh tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả. Nhờ sự giúp đỡ của tổ chức ASIA, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cùng Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, cuối năm 2011, HTX Dì Thàng được thành lập và chính thức đi vào hoạt động với chức năng sản xuất và kinh doanh rau bản địa.

Nhà sơ chế rau của HTX

Nhà sơ chế rau của HTX

Sau một thời gian đi vào hoạt động, HTX Dì Thàng cho thấy việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cần phải có sự chỉ đạo của HTX. Đây là một mô hình mới liên kết được các nông dân có cùng sở thích cùng tham gia đồng thời quản lý được chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn và tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Ban đầu, HTX có 21 thành viên là các chị em phụ nữ trong thôn, bản cùng liên kết phát triển các loại rau bản địa theo tiêu chuẩn an toàn. Hiện nay, HTX đã nâng tổng số lên trên 50 thành viên với 11,5 ha được chứng nhận rau an toàn.

Để khâu sản xuất đạt hiệu quả cao, HTX chia ra thành 2 nhóm sản xuất và tiêu thụ. Nhóm tiêu thụ đã giải quyết được mối lo đầu ra cho sản phẩm rau bản địa Bắc Hà. Nhóm sản xuất chuyên trồng các giống rau bản địa, như rau cải mèo, khởi tử (củ khởi), cải xòe, đậu cove. Các loại rau này được trồng trên đất ruộng 1 vụ nên không bị ảnh hưởng bởi chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt, có hàm lượng kim loại nặng dưới mức cho phép.

Rau bản địa của HTX có hàm lượng dinh dưỡng cao, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm so với rau cùng loại có xuất xứ từ các địa phương khác. Đây chính là cơ hội để sản phẩm rau của HTX tiếp cận với các thị trường "khó tính".

 

Cơ hội làm giàu

Hiện, một số siêu thị và cửa hàng rau cao cấp tại Hà Nội, như Ecomart, Vinagap, Biggreen và 10 cửa hàng bán lẻ đã cam kết bao tiêu đầu ra cho sản phẩm với sản lượng trung bình mỗi ngày 300-400kg. Chị Trần Thị Hiền, Phó Giám đốc HTX cho biết theo đánh giá từ bạn hàng, chất lượng rau của HTX tương đối tốt nên cung không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Rau của các thành viên được tập trung về HTX để sơ chế, đóng gói vào cuối ngày sau đó chuyển về Hà Nội và giao hàng vào sáng hôm sau. Nông dân bán hàng qua HTX có giá cao hơn so với bán trực tiếp ra thị trường 2.000-3.000 đồng/kg. Chị Lã Thị Liễu, thành viên HTX chia sẻ từ ngày có các siêu thị và cửa hàng đặt hàng, người trồng rau thấy rất yên tâm. Theo tính toán của chị Liễu, chỉ trồng gối vụ nhưng gia đình chị đã có nguồn thu hàng chục triệu đồng/năm.

Nguồn thu nhập này đã giúp không chỉ gia đình chị Liễu mà nhiều thành viên khác xóa đói, giảm nghèo và có cơ hội làm giàu. Để giúp bà con dần chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống sang phương thức canh tác mới, Ban quản trị HTX đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều đợt tập huấn chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Trên cơ sở đó, HTX định hướng thành viên áp dụng tốt phương pháp sản xuất mới như: Sử dụng phân vi sinh, điều kiện bảo quản, ghi chép sổ nhật ký sản xuất, tận dụng phân hữu cơ có nguồn gốc vi sinh thay cho phân hóa học, thời gian cách ly với thuốc trước khi thu hoạch,... Do đó, sản phẩm rau an toàn của HTX luôn có chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng.

 

Mặc dù đạt được nhiều thành công bước đầu nhưng diện tích rau bản địa được công nhận đạt tiêu chuẩn rau an toàn tại đây còn ít so với nhu cầu thị trường. Vì vậy, thời gian tới, HTX tiếp tục phối hợp với các cấp ngành địa phương hướng dẫn cho thành viên kỹ thuật trồng rau trái vụ để áp dụng nhằm tăng năng suất, sản lượng trên cùng một đơn vị diện tích. So với trồng rau đúng vụ, trồng rau trái vụ cho thu nhập cao hơn, đồng thời đáp ứng đủ nhu cầu đặt hàng của các siêu thị lớn ở Hà Nội và mở rộng ra các siêu thị khác trên cả nước.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm