Lộ trình kích hoạt phục hồi kinh tế trong bối cảnh COVID-19
Chịu áp lực bán cuối phiên, VN-Index giảm điểm phiên đầu tuần / Đà Nẵng: Bổ sung 2 khu đất lớn ở trung tâm thành phố đấu giá quyền sử dụng đất năm 2021
Nhớ lại quãng thời gian vừa qua, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, đánh giá là rất khó khăn. Có những thời điểm vào tối muộn, doanh nghiệp vẫn phải gọi điện tới Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN&PTNT để xin gỡ khó. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay cũng cho thấy đang có những điều kiện để đưa nền kinh tế phục hồi trở lại.
DN vẫn hoạt động dưới công suất
Đến nay, đại diện DN Vina T&T cho biết tình hình vận chuyển, thu hái trái cây đã diễn ra thuận lợi hơn. Trong thời gian vừa qua, DN thu mua được 500 tấn nhãn ở Cần Thơ, 300 tấn thanh long tại Tiền Giang, cùng các loại trái cây khác như sầu riêng... vẫn đang được DN thu hoạch và tiêu thụ tốt. Nhưng vị CEO Vina T&T cũng cho hay, lượng hàng chỉ cung cấp 50-60% nhu cầu mà các thị trường trên thế giới đặt hàng với doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp sản xuất mong muốn có thể hoạt động được tối đa công suất trong thời gian sớm nhất có thể. |
Có rất nhiều lý do khiến DN Vina T&T đang phải hoạt động dưới công suất như hạn chế về thời gian ra đường, yêu cầu thực hiện 3 tại chỗ. "Sau 2 tháng xa gia đình, công nhân xuất hiện tâm lý chán nản, muốn trở về với gia đình. Được sự động viên của DN, họ vẫn tiếp tục làm việc nhưng nếu tình trạng này kéo dài không biết chúng tôi có giữ chân được người lao động không", ông Tùng nói, đồng thời mong muốn Chính phủ có giải pháp đưa sản xuất trở lại.
Khảo sát của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) mới đây cũng cho thấy đa số doanh nghiệp (76%) có kết quả kinh doanh không tốt trong cùng kỳ 3 tháng từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2021. Trong đó, 29% cho biết kết quả kinh doanh của họ “rất tệ.” Dự đoán trong 3 tháng tới, đa số doanh nghiệp cho biết kết quả kinh doanh của họ sẽ chỉ khá hơn một chút, tuy nhiên nhìn chung vẫn sẽ ở mức không tốt.
Trong đó, 71% DN châu Âu cho rằng hạn chế về mặt vận tải và cung ứng là hai tác nhân chính ảnh hưởng mạnh nhất đến sản xuất kinh doanh.
Đánh giá về khó khăn, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn Phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân(Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng), cho hay phản ánh của DN cho thấy ngay từ khi dịch COVID-19 bùng lên, mệnh lệnh hành chính giữa các tỉnh khác nhau nên DN không thể lưu thông được xe cộ, hàng hóa. Có những ngành mà DN đang cố gắng bám trụ từng ngày, nhưng nhìn xa để xem cơ hội phục hồi lúc nào thì đang không rõ ràng.
Yêu cầu địa phương đề xuất giải pháp phục hồi
Theo đại diện Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, thời gian qua, DN cũng nói nhiều tới câu chuyện Chính phủ đồng hành, hỗ trợ cùng họ vượt khó. Tuy nhiên, DN cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ tính tới biên độ phục hồi của từng ngành. Trên thực tế, mỗi ngành có mức ảnh hưởng, biên độ phục hồi khác nhau. Do vậy, việc Chính phủ giải cứu hay hỗ trợ đồng đều là tốt nhưng cần có giải pháp để giải quyết bài toán phát triển trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn ra.
"DN mong muốn là những vị tư lệnh ngành phối hợp cùng với Chính phủ bàn luận sâu hơn về các giải pháp để xem cơ hội từng ngành ở đâu, thách thức lớn nhất là gì, giải pháp nào để vượt qua. Đó là mong muốn của DN", bà Thủy cho biết.
Từ thực tế của ngành Nông nghiệp, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, chia sẻ trong bối cảnh hiện nay, ông nhớ đến bộ phim “Người giàu cũng khóc”. Hiện giờ, người nghèo hay người giàu, nông dân hay chính quyền, đầu sản xuất hay đầu thu hoạch lưu thông cũng đều khó khăn. Chúng ta có lường đến những câu chuyện từ trước nhưng đại dịch chưa có tiền lệ, việc ứng xử chưa có quy chuẩn nào, vừa đi vừa dò đường và sửa sai, hoàn chỉnh.
"Vì vậy, chúng ta chưa thể trông mong phép màu nào để vận hành một cách bình thường trong điều kiện không bình thường. Mục đích không phải là điều tiết để có thể vận hành được như trước đại dịch mà mục đích là tối thiểu hóa rủi ro cho nông dân, chính quyền, DN", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong các cuộc họp gần đây đã phát đi tín hiệu chúng ta chắc chắn phải chuyển nền kinh tế sang vận hành trong điều kiện bình thường mới, sống chung với COVID-19 như các nước xung quanh.
Còn Người đứng đầu Bộ KH&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đã đề nghị các địa phương đánh giá toàn diện, phân tích các mặt được, chưa được và làm rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan và các giải pháp đối với tình hình triển khai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư 8 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2021. Trong đó, đánh giá rõ việc dự kiến kết quả thực hiện chỉ tiêu GRDP của các địa phương trong năm 2021.
Về dự kiến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022, Bộ trưởng KH&ĐT yêu cầu, các địa phương cần tập trung về công tác dự báo, đánh giá, phân tích tình hình, bối cảnh “bình thường mới”, nêu bật những vấn đề khó khăn, vướng mắc và những tồn tại, hạn chế để Bộ KH&ĐT tổng hợp, giải đáp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ.
Đặc biệt, các địa phương cũng cần nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 đảm bảo triển khai ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, trong đó tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của địa phương và vùng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên toàn cầu tăng mạnh
Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025
Giá vàng thế giới ngày 27/12/2024: Tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường giao dịch trầm lắng