Loạn quảng cáo mỹ phẩm như thuốc chữa bệnh trên mạng
Xu hướng mới trong cuộc đua marketing chiếm lĩnh thị trường / Đề xuất chính sách giám sát mới để chống thất thoát thuế trong kinh tế số
Nhiều “shop online” hô biến mỹ phẩm thành thuốc
Do điều kiện kinh doanh không quá khắt khe nên đối tượng kinh doanh mỹ phẩm rất đa dạng. Đặc biệt, ngày càng nhiều cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp tham gia kinh doanh, buôn bán mỹ phẩm thông qua nhiều loại hình phân phối khác nhau, nổi bật là trên môi trường mạng internet.
Bên cạnh việc kết nối giữa người mua và người bán nhanh chóng thì thời gian qua cũng xảy ra nhiều hành vi gian lận, bán hàng giả, hàng kém chất lượng gây không ít thiệt hại cho người tiêu dùng thông qua hình thức mua bán này.
Gõ từ khóa “mỹ phẩm cho da mặt mụn” trên Google, sẽ có vô vàn hình ảnh quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm bắt mắt hiện lên và thu hút người tiêu dùng kèm thông tin quảng cáo “trị mụn tận gốc”, “tinh chất từ thiên nhiên”, “bài thuốc cổ truyền”…
Các website có dấu hiệu quảng cáo sai sự thật khi giới thiệu mỹ phẩm Bà Lão là “thuốc trị mụn” khiến dư luận bất bình.
Lấy ví dụ, hiện nay nhiều website như: ania...net (Luỹ Bán Bích, phường Hoà Thạnh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh); dyvi....com (Lý Thánh Tông, Đà Nẵng); natu...vn (Khu đô thị Geleximco, phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội)... đang quảng cáo cho sản phẩm “Serum trị mụn Bà Lão tái tạo cao cấp”. Mặc dù sản phẩm chỉ là mỹ phẩm thông thường nhưng các website lại quảng cáo sản phẩm này có công dụng như thuốc chữa bệnh, có dấu hiệu "lừa dối" người tiêu dùng.
“Thuốc trị mụn Bà Lão của công ty TNHH Bà Lão là sản phẩm trị mụn được nghiên cứu trên bài thuốc bí truyền của người Dao Đỏ, chiết xuất hoàn toàn từ thảo dược, giúp trị sạch mụn từ căn nguyên, trị được mọi loại mụn (mụn ẩn, mụn viêm, đầu đen, đầu đỏ)… Nhờ được bào chế từ nhân sâm, nấm linh chi, tinh dầu Đàn hương cùng 12 loại thảo dược quý, Serum trị mụn Bà Lão giúp trị mụn từ căn nguyên với cơ chế thải độc da và tái tạo da mới”, website ania...net cho biết.
Theo quy định, những từ như "trị", "điều trị"… không được chấp nhận trong việc công bố tính năng cũng như đặt tên cho sản phẩm mỹ phẩm. Các chuyên gia pháp lí cho biết, Luật Quảng cáo năm 2012 đã có quy định cấm đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng kí hoặc đã được công bố.
Tại Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo nêu rõ: Mỹ phẩm được cấp công bố trong nước được quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng 'điều trị' để quảng cáo cho người tiêu dùng.
Việc sử dụng câu từ để quảng cáo các tính năng của sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó các sản phẩm chăm sóc da không được sử dụng những từ như xóa sẹo, trị mụn, trị nám, trị sắc tố.... Các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như "trị", "điều trị", "chữa trị" không được chấp nhận trong quảng cáo mỹ phẩm.
Đã có không ít trường hợp quảng cáo mỹ phẩm có công dụng như thuốc chữa bệnh bị xử phạt. Đây là hành vi vi phạm pháp luật. Tại Khoản 4 Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Đầu tháng 3/2021, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra, xử phạt Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu MQ (địa chỉ tại 280 Lê Văn Sỹ phường 14 Quận 3, TP Hồ Chí Minh) số tiền 30.000.000 đồng vì hành vi vi phạm: "Quảng cáo mỹ phẩm có nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định". Ngoài việc xử phạt hành chính, Thanh tra Sở Y tế yêu cầu doanh nghiệp sai phạm phải tháo gỡ, xóa quảng cáo có nội dung không phù hợp.
Cẩn trọng khi mua mỹ phẩm trên “chợ mạng”
Thương mại điện tử là hình thức kinh doanh mới mẻ nhưng đã phát triển một cách ồ ạt nhờ sự tiện lợi của nó, giúp kết nối giữa người mua và người bán nhanh chóng. Với quy mô rộng lớn, chính sách bán hàng ấn tượng, nhiều chương trình giảm giá, chăm sóc khách hàng, đầu tư xây dựng hình ảnh thương hiệu với độ phủ cao, quả thật kênh thương mại điện tử là nơi lý tưởng để kinh doanh của các doanh nghiệp hay cửa hàng nhỏ lẻ.
Thay vì đến trực tiếp cửa hàng, nhiều người tiêu dùng đang chọn mua sắm online để phục vụ nhu cầu của mình.
Về vấn đề này, gần đây đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công thương cho hay: Trong những năm gần đây quảng cáo, bán mỹ phẩm trên thương mại điện tử, internet, mạng xã hội, các ứng dụng trực tuyến... ngày càng phổ biến. Đây là môi trường thuận lợi để các đối tượng vi phạm lợi dụng bán các sản phẩm mỹ phẩm giả, kém chất lượng nhằm trốn tránh kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát, lực lượng QLTT gặp nhiều khó khăn do thiếu các công cụ hiệu quả để giám sát, theo dõi giao dịch cũng như truy xuất các đối tượng giao dịch, địa điểm kinh doanh, địa điểm cất giữ hàng hóa. Nhiều cơ sở kinh doanh thương mại lại là các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, hộ gia đình, cá nhân nên khó kiểm soát, giám sát, theo dõi. Các đối tượng thường đăng bán hàng không đầy đủ thông tin, mập mờ thông tin hoặc đăng bán hàng thật nhưng khi giao hàng cho khách hàng lại không giống như hàng đăng bán.
Thời gian qua, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực phối hợp các cơ quan chức năng như Hải quan, Công an để tăng cường công tác chia sẻ thông tin và phối hợp trong công tác đấu tranh phòng chống mỹ phẩm giả, kém chất lượng. Tổng cục cũng tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp chủ thể quyền trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các sản phẩm mỹ phẩm.
Dịch COVID-19 đang làm người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm, thay vì đến trực tiếp cửa hàng, nhiều người tiêu dùng lại chọn mua sắm online để hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích của bản thân, những khách hàng thường xuyên mua mỹ phẩm online tốt nhất phải tìm hiểu kỹ lưỡng, cần nằm lòng những cách phân biệt hàng thật - hàng giả. Khi phát hiện các hành vi vi phạm trong kinh doanh cần báo ngay cho các cơ quan chức năng như QLTT, y tế, công an… để được xử lý và bảo vệ quyền lợi kịp thời.
End of content
Không có tin nào tiếp theo