Thị trường

Lối đi nào cho kinh tế Việt Nam?

Kinh tế Việt Nam được dự báo là có mức tăng trưởng hàng đầu khu vực và thế giới. Song, trước những rủi ro đang rình rập, Việt Nam cần phải đẩy mạnh cải cách thể chế hơn nữa, từ đó cắt giảm chi phí do chính sách, tạo thêm không gian kinh tế và động lực đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp.

Bài toán xử lý dữ liệu vận hành cho kinh tế số / Quý III/2020, thị trường lao động có dấu hiệu phục hồi

Tại Diễn đàn cải cách kinh tế hướng tới tăng trưởng bền vững và có tính chống chịu cao sau COVID-19 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức ngày 10/11, các chuyên gia chỉ ra những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt trong và sau đại dịch COVID-19.

Tăng trưởng còn phụ thuộc vào bên ngoài

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), Việt Nam đã ứng phó hữu hiệu với COVID-19, nhưngkinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn hiện hữu. Cụ thể, hoạt động của nhiều ngành kinh tế quan trọng bị gián đoạn, điển hình như du lịch sụt giảm doanh thu nghiêm trọng. Các ngành được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA cũng là các ngành chịu gián đoạn trong bối cảnh dịch COVID-19.

tang-truong-kinh-te-gia-doan-2-8314-3402

Kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với một số nguy cơ.

Đánh giá đến năm 2019 của CIEM chỉ ra, tăng trưởng GDP thế giới giảm 1 điểm phần trăm thì tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam giảm 4 điểmphần trăm,nhưng mức giảm trong năm 2020 dường như còn nghiêm trọng hơn.

Chưa kể, đại diện CIEM cũng cho rằng, Việt Nam vẫn đang chậm thích ứng với yêu cầu phát triển bền vững. Việt Nam thường chỉ nhìn nhận việc tuân thủ các yêu cầu phát triển bền vững (và các biện pháp phi thuế quan tương ứng) ở góc độ chi phí.

Trong khi đó, ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam, dẫn lại dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á: tăng trưởng GDP dự kiến đạt 1,8% năm 2020 và 6,3% năm 2021;của Ngân hàng Thế giới: tăng trưởng GDP dự kiến đạt 2,8% năm 2020 và 6,8% năm 2021. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo nằm trong nhóm đầu trên thế giới và tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình của các nền kinh tế mới nổi tại khu vực này và chỉ sau một số nền kinh tế như Trung Quốc (6,9%), Malaysia (6,9%).

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tích cực của Việt Nam còn phụ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và của một số nền kinh tế lớn - cũng là bạn hàng lớn của Việt Nam. Hiện nay, dịch bệnh chưa được khống chế tại một số thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ và đang quay trở lại tại EU. Do vậy, một số ngành vẫn tiếp tục chờ đợi hồi phục, đặc biệt như du lịch, hàng không, bất động sản nghỉ dưỡng, nhà hàng, dịch vụ ăn uống. Việc triển khai các dự án FDI chậm do hạn chế về đi lại của chuyên gia, kỹ sư, kỹ thuật viên, lao động tay nghề cao...

Rủi ro rình rập

 

Theo TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhờ những hành động kịp thời của Chính phủ thì đến thời điểm hiện tại, kinh tế Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm 2020, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với một số nguy cơ mà nếu như không được chú ý kiểm soát có thể dẫn đến những tác động tiêu cực cho sự phát triển tiếp theo của nền kinh tế. Chỉ số cảnh báo vẫn trong ngưỡng an toàn nhưng đã có những tín hiệu cho thấy kinh tế Việt Nam xuất hiện nhiều vấn đề cần lưu ý.

Cụ thể, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề cập tới khó khăn trong việc huy động nguồn vốn cho tăng trưởng. Hiệu quả đầu tư và khả năng hấp thụ của vốn đầu tư nói chung và của dòng vốn đầu tư công nói riêng vẫn còn hạn chế, phần nào cản trở tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang sử dụng vốn đầu tư công là động lực quan trọng và hồi phục nền kinh tế sau tác động của dịch COVID-19.

Việt Nam có cơ hội thuận lợi để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, song vẫn chịu sự cạnh tranh từ một số thị trường như Ấn Độ, Indonesia..., đòi hỏi phải có sự nỗ lực, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thu hút luồng vốn mới này.

Cùng với đó, nguy cơ lạm phát tiềm ẩn. Theo ông Sang, áp lực làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong thời gian tới đã giảm, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lạm phát trong năm 2020 như giá xăng dầu cũng như một loạt hàng hóa khác sẽ có xu hướng tăng trên toàn cầu khi đại dịch COVID-19 đi qua. Hay triển vọng thương mại cũng như kinh tế toàn cầu sẽ được khơi thông trở lại, khi đó nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất toàn cầu sẽ tăng lên.

Vậy lối đi nào cho kinh tế Việt Nam? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, cải cách thể chế vẫn rất cần thiết, cần cắt giảm chi phí do chính sách, tạo thêm không gian kinh tế và động lực đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp. Điều này cần phải làm ngay, không được chờ đến hết khủng hoảng.

 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần hội nhập hiệu quả hơn, để tận dụng tốt hơn các cơ hội từ FTA, nâng cao năng suất lao động, chủ động phát triển bền vững.

Phân tích về năng suất lao động, GS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết trong giai đoạn 2010-2019, năng suất lao động của Việt Nam đã tăng xấp xỉ 1,6 lần từ mức 38,47 triệu đồng lên mức 60,68 triệu đồng/lao động (tính theo giá so sánh 2010). Năng suất lao động tăng đều qua các năm, nhưng nhìn chung còn rất thấp.

TheoGS. Trần Thọ Đạt, đóng góp của kinh tế số là rất quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế trong thập kỷ tới và là một động lực mới cho cải thiện nhanh chóng năng suất lao động. Trong cả giai đoạn 2020-2030, trung bình mỗi năm, chỉ riêng kinh tế số dự kiến sẽ đóng góp từ 6,88% - 16,50% trong 100% tốc độ tăng năng suất lao động của cả nền kinh tế. Do vậy, việc chú trọng phát triển kinh tế số là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm