Thị trường

Lục Ngạn: Sẵn sàng 3 phương án giúp nông dân tiêu thụ vải thiều, đưa vải thiều tới các thị trường khó tính

DNVN - Vùng đất vải Lục Ngạn, Bắc Giang năm nay hứa hẹn được mùa vải bội thu. Dự báo sản lượng vải tại Lục Ngạn năm nay đạt trên 85.000 tấn, trong đó vải chín sớm khoảng 18.000 - 20.000 tấn, vải chính vụ trên 65.000 tấn. Để giúp nông dân tiêu thụ vải trong tình hình xuất khẩu còn khó khăn, chính quyền huyện Lục Ngạn đã vào cuộc từ rất sớm.

Cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho tiêu thụ vải thiều Bắc Giang / Vải thiều 'tiêu chuẩn quốc tế' không đáp ứng đủ nhu cầu xuất khẩu

Khó xuất khẩu do Covid-19, vải Lục Ngạn chủ yếu tiêu thụ và chế biến trong nước

Mọi năm phần lớn sản lượng vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Úc. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giao thương hàng hóa xuất khẩu đi nước ngoài gặp khó khăn. Do đặc điểm vải thiều chỉ thu hoạch trong vòng 2 tháng, từ cuối tháng 5 đến hết tháng 7, do đó việc lên phương án hỗ trợ nông dân tiêu thụ vải thiều là bài toán được chính quyền huyện Lục Ngạn đặt ra từ rất sớm.

Ông Lâm Văn Mật, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước còn diễn biến phức tạp, khó lường. Ngay từ tháng 3, khi dịch bệnh bắt đầu có dấu hiệu bùng phát, UBND huyện Lục Ngạn đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ nhân dân sản xuất, chế biến và tiêu thụ vải thiều theo 3 phương án. Trong đó, các phương án đều đưa ra các tình huống diễn biến dịch bệnh để cókịch bản phù hợp giúp nông dân bán vải kịp thời. Cụ thể:

Phương án 1: Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài ở cả trong nước và trên thế giới. Lúc đó, xác định vải sẽ được tiêu thụ chủ yếu ở trong nước và chế biến. Giải pháp hàng đầu là đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ nội địa, chế biến (sấy khô, đóng hộp, ép nước) và trữ lạnh. Trong đó, vải thiều tươi dự kiến sẽ tiêu thụ trong nước khoảng 60.000 tấn; chủ yếu là thị trường phía Nam, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, miền Trung (Đà Nẵng).

Bên cạnh đó, sẽ xuất khẩu khoảng 20.000 tấn, chủ yếu là thị trường Trung Quốc (qua cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai...) và một số thị trường khác như Australia, Pháp, Mỹ, Anh, Nhật Bản… Huyện Lục Ngạn cũng lên phương án tiêu thụ khoảng 5.000 tấn, chủ yếu là sấy khô, bảo quản lạnh, chế biến thực phẩm...

Phương án 2: Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát nhưng chưa hết dịch. Lúc này, chính quyền huyện Lục Ngạn sẽ hỗ trợ nông dân đẩy mạnh tiêu thụ nội địa; xuất khẩu thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á và chế biến. Trong đó, sản lượng tiêu thụ vải thiều tươi khoảng 70.000 tấn, tiêu thụ trong nước là 34.000 tấn, xuất khẩu: 36.000 tấn. Chế biến khoảng 15.000 tấn, trong đó sấy khô: 5.000 tấn; bảo quản lạnh, ép nước, chế biến: 10.000 tấn.

Phương án 3: Tình hình dịch bệnh được ngăn chặn hiệu quả, các hoạt động xuất nhập khẩu trở lại bình thường. Khi đó, việc tiêu thụ vải sẽ gặp thuận lợi hơn, chính quyền sẽ hỗ trợ nông dân đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ như những năm trước. Lượng vải xuất khẩu lúc này sẽ chiếm tới hơn 50% sản lượng vải tươi. Hình thức tiêu thụ chủ yếu là bán quả vải tươi và chế biến vải thiều tại chỗ như: Đóng hộp, ép nước, sấy khô. Vải thiều tươi tiêu thụ khoảng 81.000 tấn (tiêu thụ trong nước khoảng 36.000 tấn; xuất khẩu: 45.000 tấn). Chế biến sấy khô, ép nước, đóng hộp khoảng 4.000 tấn, trong đó sấy khô: 1.000 tấn; ép nước, đông lạnh, đóng hộp: 3.000 tấn.

Chính quyền huyện Lục Ngạn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các cơ sở thu mua vải thiều và cung ứng các mặt hàng phụ trợ, phục vụ tiêu thụ vải thiều. Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 500 điểm cân của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động thu mua, tiêu thụ vải thiều, cùng với khoảng 400 lò sấy của nhân dân, có thể sấy khô từ 13.000 - 15.000 tấn quả. Các mặt hàng như thùng xốp, nước đá công nghiệp đảm bảo đáp ứng nhu cầu của thị trường cho việc bảo quản, đóng hộp vải tươi để vận chuyển đi xa.

Vườn vải an toàn trồng theo chuẩn GlobalGap đã thu hút du khách tới tham quan và mua vải mang về.

Vườn vải an toàn trồng theo chuẩn GlobalGap đã thu hút du khách tới tham quan và mua vải mang về.

Huyện ủy, UBND huyện Lục Ngạn đã sớm ban hành kế hoạch và chỉ đạo thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhân dân sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều năm 2020, như thành lập Ban Chỉ đạo hỗ trợ nhân dân sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều năm 2020, tổ chức 2 hội nghị đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều ở trong và ngoài tỉnh, các hợp tác xã và hộ sản xuất, kinh doanh vải thiều ở địa phương để bàn biện pháp chuẩn bị các điều kiện cho vụ thu hoạch, tiêu thụ vải thiều.

Đặc biệt nhất, để hỗ trợ các thương nhân Trung Quốc sang Lục Ngạn thu mua vải, UBND huyện đã sớm phối hợp với cac cơ quan chức năn bàn phương án đón, tổ chức cách ly thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải thiều, xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trong vụ thu hoạch vải thiều năm 2020. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện đã xây dựng Phương án thực hiện cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nước ngoài và thương nhân nước ngoài đến xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại huyện Lục Ngạn và đã được UBND tỉnh chấp thuận.

“Huyện đã tổ chức phương tiện và lực lượng đón các thương nhân Trung Quốc tại Cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn để đưa về các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn huyện để thực hiện cách ly tập trung đủ thời gian 14 ngày. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của huyện đã chủ động chuẩn bị phương án tổ chức cách ly, các điều kiện về lực lượng và chuyên môn y tế, cơ sở vật chất, hậu cần, an ninh trật tự... đảm bảo đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch cho các thương nhân Trung Quốc. Đến nay, hơn 300 thương nhân Trung Quốc đã sang Lục Ngạn và đang thực hiện cách ly y tế 14 ngày tại các khách sạn”, ông Lâm Văn Mật cho biết.

Sản xuất vải an toàn, chất lượng cao hướng tới những thị trường khó tính

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu vải lớn nhất của Lục Ngạn, bên cạnh việc tạo điều kiện tốt nhất cho các thương nhân Trung Quốc đến Lục Ngạn thu mua vải, huyện Lục Ngạn còn thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ nông dân trồng vải đạt chuẩn chất lượng cao GlobalGap, VietGap để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang những thị trường khó tính hơn như Nhật Bản, Anh, Pháp, Australia.

Theo đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của huyện đã phối với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang xây dựng quy trình xông hơi khử trùng quả vải bằng khí methyl bromide, lựa chọn đơn vị, địa điểm thực hiện phù hợp; ban hành hướng dẫn quy trình kỹ thuật thu hoạch, sơ chế, đóng gói sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường Nhật Bản. Cũng như lựa chọn công nghệ xử lý, bảo quản, đóng gói phù hợp với yêu cầu của Nhật Bản. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với phía Nhật Bản để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh nhằm đảm bảo đưa lô vải đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản theo đúng kế hoạch.

Lục Ngạn đang hướng tới việc sản xuất vải đáp ứng chuẩn xuất khẩu sang thị trường khó tính.

Lục Ngạn đang hướng tới việc sản xuất vải đáp ứng chuẩn xuất khẩu sang thị trường khó tính.

Triển khai thực hiện nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản và nâng cao chất lượng quả vải Lục Ngạn bằng màng bao gói khí quyển biến đổi MAP, công nghệ Juran (Israel), công nghệ CAS của Nhật Bản đảm bảo cho sản phẩm vải thiều giữ nguyên được cấu trúc, hương vị, màu sắc và dinh dưỡng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Hiện Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai thí điểm mô hình che màng lưới cho vải thiều trên diện tích 800 m2 thuộc thôn Bắc 2, xã Quý Sơn và thôn Lâm, xã Nam Dương. Lần đầu tiên thử nghiệm mô hình này tại huyện, nông dân tham gia vào mô hình sẽ được hỗ trợ toàn bộ vật tư, lắp đặt và hướng dẫn sử dụng. Diện tích được áp dụng là vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Hiện quả đang giai đoạn đỏ cuống, dự kiến nửa tháng nữa mới được thu hoạch chừng 4 tấn quả.

Thời điểm này, vải rất dễ bị mắc sâu bệnh hại, vì thế việc sử dụng màng lưới che cho vải thiều ở giai đoạn này nhằm hạn chế côn trùng, nhất là sâu đục cuống quả, giúp sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu. Được biết, từ mô hình điểm sẽ được cơ quan chuyên môn của huyện tổng kết, đánh giá, nếu thành công sẽ hỗ trợ, tiếp tục nhân ra diện rộng.

Kim Chi
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm