Cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho tiêu thụ vải thiều Bắc Giang
DNVN - Tại Hội nghị trực tuyến Xúc tiến tiêu thụ vải thiều Bắc Giang năm 2020 sáng 06/6, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng như đại diện nhiều tập đoàn, chợ đầu mối, hiệp hội hoa quả trong và ngoài nước đều cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, DN, thương nhân trong và ngoài nước thu hoạch và tiêu thụ vải thiều.
Quả vải thiều Việt Nam phải cạnh tranh với Thái Lan để xuất khẩu sang Trung Quốc / Gấp rút chuẩn bị để xuất khẩu lô vải thiều đầu tiên vào Nhật Bản
Hội nghị lớn quy mô quốc tế này do UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức tại điểm cầu chính là Trung tâm hội nghị tỉnh Bắc Giang và kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu ở tất cả các tỉnh, TP trong cả nước và 4 điểm cầu tại hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc).
Cùng ngày diễn ra Hội nghị, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Bắc Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ cắt băng xuất hành những xe vải đầu tiên đi tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế.
Đẩy mạnh biện pháp tiêu thụ vải thiều
Trong bài chiêu thương và giới thiệu vụ vải thiều năm 2020, ông Lại Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định, hiện nay Bắc Giang được coi là “thủ phủ” trái cây ở miền Bắc Việt Nam và là “kinh đô” của vải thiều với diện tích, sản lượng được tiêu thụ lớn nhất cả nước. Sản lượng vải thiều năm 2020 ước đạt 160 nghìn tấn. Bắc Giang đã sẵn sàng các điều kiện và đáp ứng đủ số lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, Singapore, Trung Đông, Thái Lan và các nước khác trên thế giới.
Về thị trường tiêu thụ, từ nhiều năm nay, tỉnh luôn chú trọng cả thị trường nội địa và xuất khẩu, đồng thời quan tâm khai thông các thị trường mới, tiềm năng, có hiệu quả kinh tế cao.
Ông Lại Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang kỳ vọng được đón tiếp nhiều hơn nữa các DN và thương nhân trong nước và nước ngoài đến tham quan, khảo sát, sớm ký kết hợp đồng chính thức với các hợp tác xã, DN cung ứng trên địa bàn tỉnh để ổn định trong thu mua tiêu thụ vải thiều. Tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, DN, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều.
Tham dự hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng cho biết, để phát huy lợi thế của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong điều kiện dịch Covid -19 trong nước cơ bản đã được kiểm soát, chủ trương nhất quán của lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn là luôn tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng nhất để thu hút, mời chào các doanh nghiệp đến với Lạng Sơn đầu tư sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, đem lại hiệu quả cao trong kinh doanh của doanh nghiệp.
"Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng của tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng phía Quảng Tây - Trung Quốc trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao năng lực thông quan, tạo thuận lợi nhất cho thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh", ông Nguyễn Công Trưởng nhấn mạnh.
Tại đầu cẩu tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, ông Điêu Vệ Hồng, Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây cho biết, từ nhiều năm nay, tỉnh Quảng Tây luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu vải thiều của tỉnh Bắc Giang. Tới đây, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các thông tin liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu vải thiều.
Ông Điêu Vệ Hồng cho rằng, tỉnh Bắc Giang cần tăng cường xúc tiến đầu tư cho hoạt động xuất nhập khẩu trái cây, trong đó có vải thiều; đề nghị Bộ Công Thương Việt Nam tích cực ủng hộ tỉnh Bắc Giang để làm tốt công tác trao đổi thông tin giữa hai bên làm nền tảng trong giao lưu thương mại giữa hai tỉnh.
Trong khi đó, ông Lăng Tinh Cương, đại điện doanh nghiệp tại Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc) khẳng định, quả vải Bắc Giang được tiêu thụ rất tốt trên các thị trường của các thành phố lớn tại Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thẩm Quyến. Hiện nay thương hiệu vải Bắc Giang đã vô cùng nổi tiếng trên đất Trung Quốc. Vải Bắc Giang rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng bởi quả to, cùi dày, hạt nhỏ, vị ngon ngọt.
Nhấn mạnh đến giải pháp tiêu thụ vải thiều, bà Phạm Thị Thùy Linh, Giám đốc Phát triển kinh doanh tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, mùa vải năm 2020, Tập đoàn sẽ tiêu thụ khoảng 500 tấn vải; tổ chức tuần lễ quảng bá và giới thiệu trái vải tại Hà Nội và sẽ đưa trái vải vào bán trong hệ thống 38 BigC & Go trên cả nước. Ngoài bán trực tiếp trái vải, Tập đoàn còn giới thiệu tới khách hàng một số món ăn và thức uống được chế biến từ trái vải.
Bà Phạm Thị Thùy Linh, Giám đốc Phát triển kinh doanh tập đoàn Central Retail Việt Nam.
Tại hội nghị, đại diện Central Retail cam kết mua 6 container vải thiều để bán tại hệ thống siêu thị ở nhiều tỉnh, thành phố. Trong suốt giai đoạn bán vải thiều, siêu thị cũng dành vị trí đẹp nhất, bắt mắt nhất để giới thiệu những trái vải có thương hiệu với đầy đủ thông tin, chứng nhận VietGAP, mã vạch truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý.
Ngoài ra, Tập đoàn Central Retail tiếp tục xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn sang Thái Lan để trưng bày lên quầy kệ của hệ thống đại siêu thị Tops, Central Food Hall thuộc chuỗi kinh doanh bán lẻ thực phẩm của Central Group để giới thiệu đến người dân thủ đô Bangkok (Thái Lan). Ước tính mùa vải năm nay, đơn vị tiêu thụ khoảng 500 tấn, tăng gấp rưỡi so với vụ vải 2019.
Nỗ lực kết nối, mở rộng thị trường
Đánh giá cao tỉnh Bắc Giang đã phối tích cực, chủ động và hiệu quả với Bộ Công Thương và các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức hội nghị ngày hôm nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, Bắc Giang là địa phương tiên phong của Việt Nam đã rất năng động tổ chức hội nghị quốc tế quy mô lớn, với sự tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật của Bộ Công Thương theo phương thức tiếp cận mới, đó là hội nghị theo hình thức vừa trực tiếp vừa trực tuyến ứng phó nhanh trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.
Bộ Công Thương luôn coi công tác hỗ trợ DN và các địa phương là nhiệm vụ trọng tâm với vai trò là cơ quan điều hành lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường các mặt hàng, sản phẩm, trong đó có nông sản trong và ngoài nước. Nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bền vững, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương, tổ chức quốc tế, HH ngành hàng và DN triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường. Trong số các giải pháp này, Bộ Công Thương đặc biệt chú trọng đến hoạt động giao thương kết nối cung cầu, chủ động đưa nông sản Việt Nam vào hệ thống phân phối nội địa và quốc tế, tạo nguồn hàng ổn định...
"Tôi rất vui mừng khi năm nay Bắc Giang tiếp tục chào đón một vụ mùa vải thiểu với sản lượng lớn và chất lượng cao. Đây là yếu tố rất quan trọng cho công tác XTTM tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang", ông Đỗ Thắng Hải chia sẻ.
Đối với việc hỗ trợ và mở rộng thị trường tiêu thụ quả vải của Bắc Giang, do sản xuất quả vải thiều mang tính mùa vụ cao, trong khi sản lượng thu hoạch lớn, thời gian thu hoạch ngắn, khâu bảo quản chế biến còn cần thêm giải pháp tối ưu hơn, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và khu vực còn phức tạp, nên Bộ Công Thương xác định thị trường nội địa là đầu ra quan trọng của quả vải thiều. Bên cạnh đó, thị trường XK hàng đầu là Trung Quốc và đang mở rộng dần ra các thị trường khác trên thế giới.
Trước khi kết thúc hội nghị đã diễn ra nghi thức bấm nút khai trương Sàn Giao dịch "Vải thiều Bắc Giang"để phục vụ cho công tác Xúc tiến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
Theo đó, các hoạt động đẩy mạnh và mở rộng thị trường tiêu thụ quả vải thiều ngay tại thị trường trong nước, đồng thời tìm hướng tối ưu hóa hiệu quả với các thị trường XK đang được Bộ Công Thương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt suốt thời gian qua. Chuỗi các hoạt động XTTM, kết nối cung cầu hàng hóa được thực hiện liên tục từ 2014 đến nay.
Năm nay, các hoạt động đẩy mạnh tiêu thụ quả vải tại thị trường trong nước đặc biệt được chú trọng để Bắc Giang chủ động kịp thời ứng phó với kịch bản thị trường xấu nhất. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh hỗ trợ tỉnh Bắc Giang thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ quả vải ở thị trường XK thông qua các hình thức kết nối giao thương trực tuyến.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo và phối hợp với các hệ thống phân phối kể cả hiện đại và truyền thống, căn cứ điều kiện và khả năng của DN để chuẩn bị phương án dự trữ, vận chuyển và tiêu thụ quả vải với lượng lớn nhất trong tất cả các hệ thống siêu thị ở 3 miền Bắc - Trung - Nam, kể cả các bán hàng lưu động... nhằm gia tăng tối đa khả năng tiếp cận của người tiêu dùng đối với quả vải có chất lượng cao của Bắc Giang và những tỉnh khác.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, để bảo đảm vụ vải thiều thắng lợi toàn diện, chính quyền tỉnh cần tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, thương nhân nước ngoài đến tham quan, khảo sát và ký kết hợp đồng chính thức với các HTX, doanh nghiệp cung ứng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Thường xuyên trao đổi với các cơ quan chuyên môn và bộ phận thương vụ của các nước để kịp thời cập nhật thông tin thị trường, chính sách biên mậu, hàng rào kỹ thuật đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu, trong đó có vải thiều.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Buồn vui với sản phẩm phục vụ Tết
Cột tin quảng cáo