Lý do để doanh nghiệp Việt Nam nhắm đến thị trường Canada
DNVN - Canada là nền kinh tế lớn thứ 9 trên thế giới và là một nền kinh tế mở. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong số các nước ASEAN, đứng thứ 5 Châu Á và đứng thứ 16 thế giới. Mặc dù vậy, hàng hóa mới chỉ chiếm 0,9% tỷ trọng nhập khẩu của Canada, một con số còn khiêm tốn so với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam.
Dự báo xuất khẩu thủy sản 4 tháng năm 2021 đạt 2,32 tỷ USD / Doanh nghiệp xuất khẩu VN bị tác động trực tiếp bởi mẫu chứng thư mới của EU
Thị trường tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam
Bà Đỗ Thị Thu Hương - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada cho biết, Canada là thị trường khá tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Với dân số hơn 36 triệu người và mức tăng trưởng GDP ổn định (3%/ năm), Canada là một trong số những thị trường phát triển. Giá trị nhập khẩu trên đầu người tại Canada luôn luôn cao gấp đôi Mỹ, mặc dù quy mô dân số chỉ bằng 1/10 so với Mỹ.
Không những thế, tại Canada tồn tại rất nhiều cộng đồng dân nhập cư đến từ các nước gốc Á như Trung Quốc, Thái lan, Việt Nam… Trong đó, số lượng dân nhập cư Việt Nam lên đến gần 250.000 người. Người Việt sống rải rác tại nhiều nơi thuộc Canada và có không ít trong số đó đang sở hữu nhu cầu mua sắm thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng Việt cao. Tính đa văn hóa của Canada cũng ảnh hưởng đến thị hiếu tiêu dùng chính. Nhiều sản phẩm trước đây chỉ bán cho một thị trường ngách của một nhóm dân tộc giờ trở nên phổ biến. Điều này giúp các nhà nhập khẩu các sản phẩm mới tiềm năng bán hàng cao hơn ở Canada so với nhiều thị trường khác.
Ngoài ra, Canada là quốc gia có chính sách mở về thương mại và đã ký 15 FTA với các nước và khu vực trên thế giới như EU, Mỹ, Mexico và đặc biệt có CPTPP với 11 nước châu Á – Thái Bình Dương. Canada cũng áp dụng những chính sách ưu đãi thuế quan phổ cập đối với các quốc gia kém và đang phát triển như Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Doanh nghiệp (DN) Việt cần lưu ý đến sức mua của người tiêu dùng tại Canada. Nền kinh tế Canada tăng trưởng 2,4% năm 2014 và tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức dưới 3% trong hai thập kỷ qua. Trong khi có những dấu hiệu cho thấy Canada đang bước vào thời kỳ suy thoái, nền kinh tế vẫn ổn định với lực lượng lao động mạnh. Mặc dù Canada có số lượng người tiêu dùng hàng xa xỉ ít hơn so với Hoa Kỳ, nhưng tốc độ tăng trưởng của nhóm người có thu nhập cao (hơn 150.000 USD/năm) đang vượt xa tỷ lệ của Hoa Kỳ. Sự tập trung của cải mới, đặc biệt là xung quanh sự bùng nổ của dầu mỏ tại Calgary, đã thu hút sự chú ý của các nhà bán lẻ hàng xa xỉ, điển hình là việc Nordstrom mở cửa hàng đầu tiên tại Canada vào năm 2014.
Kim ngạch xuất nhập khẩu song phương
Về trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Canada, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong số các nước ASEAN, đứng thứ 5 Châu Á (sau Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan), đứng thứ 16 thế giới. Mặc dù vậy hàng hóa Việt Nam mới chỉ chiếm 0,9% tỷ trọng nhập khẩu của Canada, một con số còn khiêm tốn so với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam.
Tổng kim ngạch XNK năm 2019 gần 8 tỷ CAD (tương đương 6 tỷ USD), trong đó xuất khẩu xấp xỉ 7,0 tỷ CAD, tăng 29,7% và nhập khẩu đạt gần 1,0 tỷ CAD, giảm 8,4% so với năm 2018. Xuất khẩu tăng 1,6 tỷ CAD năm 2018 chủ yếu nhờ tăng 520 triệu CAD của điện thoại di động (tăng từ 560 triệu CAD lên 1,1 tỷ CAD), tăng 283 triệu CAD dệt may (từ 1,2 tỷ CAD lên 1,49 tỷ CAD), tăng 270 triệu CAD máy móc thiết bị điện, điện tử khác ngoài điện thoại di động (từ 1,063 tỷ CAD lên 1,333 tỷ CAD), từ 138 triệu CAD các kim lại và sản phẩm kim loại (từ 222 triệu CAD lên 360 triệu CAD), từ 100 triệu giầy dép.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada tăng gần 6 lần và thị phần tăng gần 4 lần (từ 0,3% lên 1,1%) trong vòng 10 năm 2010-2019.
Xuất khẩu (XK) sang Canada năm 2019 tăng cao hơn trung bình cả nước và tương đương tốc độ tăng xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Mexico cùng khu vực Bắc Mỹ (03 nước phụ thuộc thương mại nội khối cao). Kết quả tăng trưởng tích cực này là do sự dịch chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ tháng 01/2019, nhiều mặt hàng Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan, thấp hơn nhiều so với mức thuế MFN và GSP trước đây như dệt may, giầy dép, túi xách, đồ nội thất; Samsung đã tăng thị phần khi Apple bị giảm sản lượng trên thị trường thế giới, giúp cho điện thoại di động xuất khẩu sang Canada tăng mạnh.
Theo Bộ Công Thương, các mặt hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao tại thị trường Canada cũng những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam nói chung, bao gồm: Dệt may, Điện thoại di động, thủy sản, đồ gỗ, hạt điều.. Trong đó, hạt điều của Việt Nam đứng thứ nhất, chiếm tới 83% thị phần Canada, hai nhà xuất khẩu lớn còn lại là Brazil chiếm 13%, Gana chiếm 3%.
Mặt hàng tôm chế biến cũng đứng thứ nhất, chiếm 42% thị phần Canada, tiếp sau là Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ.
Mặt hàng tôm đông lạnh Việt Nam đứng 2, chiếm 30% thị phần Canada, Ấn Độ là nhà xuất khẩu thứ 1 nhưng thị phần chỉ nhỉnh hơn Việt Nam 1,2%, đứng thứ 3 là Trung Quốc chiếm 14% thị phần và Thái Lan chiếm 10% thị phần.
Hàng dệt may xuất khẩu vào Canada đạt 1.169 USD, đứng thứ 3 tại thị trường Canada, với tỷ trọng thị phần là 9%. Trong đó Trung Quốc đứng thứ 1 chiếm 37% thị phần, Bangladesh chiếm 12% và Campuchia cũng chiếm xấp xỉ 9% thị phần.
Đồ nội thất phòng ngủ bằng gỗ cũng là mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam tại Canada, đứng thứ nhất và chiếm 25% thị phần, Trung Quốc đứng thứ 2 chiếm 15% thị phần, tiếp sau là Ba Lan, Hoa Kỳ.
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi có CPTPP
Bà Đỗ Thị Thu Hương - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada cho biết, khi ký kết Hiệp định CPTPP, Canada đóng vai trò rất đặc biệt đối với Việt Nam, vì đây là là 1 trong 3 nước ít ỏi, bên canh Mexico và Peru, lần đầu tiên có quan hệ FTA.
"Chính vì vậy, khi CPTPP có hiệu lực, sẽ mang lại cơ hội lớn để doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của mình sang thị trường Canada. Canada cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế ngay lập tức, trong đó bao trùm 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, chuyển từ mức thuế MFN trung bình trước đây là 17% xuống 0%. Rõ ràng là các lĩnh vực tiềm năng có thể phát triển mạnh như thủy sản, đồ gỗ nội thất, dệt may, giày dép và hàng nông sản…", bà Đỗ Thị Thu Hương nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Thu Hương cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý để tận dụng thuế quan ưu đãi, sản phẩm của doanh nghiệp cần đáp ứng uy tắc xuất xứ CPTPP (trong khi thuế MFN không có điều kiện về quy tắc xuất xứ).
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến nghị, các DN và hiệp hội cần chủ động tìm hiểu nhiều hơn về CPTPP, các ưu đãi thuế quan…; sử dụng những nền tảng thương mại điện tử để giao lưu, kết nối hợp tác với DN tại các nước tham gia hiệp định.
Theo bà Trang, muốn có chỗ đứng tại Canada cũng như các nước trong CPTPP, DN Việt cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyên sâu hơn vào những thị trường cụ thể, mặt hàng cụ thể.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo