Mở cửa trở lại nền kinh tế: Cần thiết nhưng phải cẩn trọng, linh hoạt
Các quỹ ETF tái cơ cấu khiến cổ phiếu VRE, PDR, MSN... bị giảm mạnh / Chứng khoán tuần 20-24/9: Thị trường có cơ hội lập lại đỉnh tháng 8
Việt Nam bắt buộc phải mở cửa kinh tế
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, sau đợt giãn cách lần thứ tư này, doanh thu của nhiều doanh nghiệp (DN) đã giảm 50% và giảm mạnh trên diện rộng. Nhu cầu các ngành hàng cũng giảm mạnh. Trong khi đó, chi phí đầu vào, vận chuyển ngày càng tăng, nguyên vật liệu bị thiếu hụt, dẫn đến hậu quả là DN bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông Nam cho rằng, sự thiệt hại đối với nền kinh tế đã rất rõ ràng, thể hiện qua một loạt cácchỉ số như:phát triển công nghiệp, bán lẻ hàng hoá, hàng tiêu dùng... đều suy giảm. Ngoài ra, còn nhiều thiệt hại trong trung và dài hạn như: áp đặt biện pháp hành chính chưa hợp lý, còn quá nhiêu khê, cồng kềnh, phức tạp làm xói mòn lòng tin của các doanh nghiệp. Niềm tin bạn hàng nước ngoài cũng suy giảm do đổ vỡ chuỗi cung ứng, không đảm bảo tiến độ giao hàng, làm ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
"Càng kéo dài các biện pháp giãn cách thì sự ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất càng lớn", ông Nam khẳng định.
Đồng quan điểm, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ–ASEAN (USABC) cho rằng, mục đích của các biện pháp giãn cách, phong tỏa mạnh chưa từng có tiền lệ như ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam là để “làm phẳng” đỉnh dịch, giảm thiểu thiệt hại về người. Trong thời gian đó, đương nhiên phải cắt giảm các hoạt động sản xuất kinh doanh để hạn chế sự di chuyển và tụ tập số đông người lao động. Tuy nhiên, việc tạm dừng hoặc cắt giảm công suất, sản lượng này không thể kéo dài quá lâu vì khi quá ngưỡng, DN sẽ không thể phục hồi, sẽ mất thị trường và hàng vạn lao động cũng sẽ mất việc, dẫn đến đổ vỡ về kinh tế.
“Việt Nam bắt buộc phải tính đến tái mở cửa, tái hoạt động, không phải là sắp tới, mà ngay từ bây giờ và có kế hoạch rõ ràng”, ông Vũ Tú Thành nêu quan điểm.
Nới lỏng nhưng phải an toàn, linh hoạt
Rõ ràng, việc mở cửa trở lại nền kinh tế là cần thiết nhưng mở thế nào để người dân được an toàn và DN hoạt động ổn định là điều mà ai cũng quan tâm. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần lên kịch bản sống chung với dịch thay vì đóng cửa, giãn cách như hiện nay. Các nước trên thế giới cũng đã đi theo hướng này. Tuy nhiên, nới lỏng nhưng vẫn phải an toàn, linh hoạt, thích ứng hơn với điều kiện mới. Đặc biệt, phải đẩy nhanh tiêm vaccine, tuân thủ nghiêm 5K, chủ động tích cực hơn ứng dụng công nghệ thông tin và dữ liệu trong phòng chống dịch.
“Phải có kế hoạch, kịch bản chi tiết. Ví dụ, nếu xảy ra F0 thì phải xử lý như thế nào từ người dân đến DN, chính quyền chứ không phải thấy F0 là đóng cửa ngay nhà máy. Chấp nhận mở cửa thì không thể không có F0 nhưng phải làm gì để DN vẫn duy trì được hoạt động. Sống chung với dịch trong tình hình mới tức là người nhiễm bệnh thì được đi chữa, người khỏe thì phải được đi làm”, TS. Cấn Văn Lực nêu ý kiến.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử VOV. VN, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, mở cửa và nối lại các hoạt động kinh tế đang là vấn đề sống còn đối với DN hiện nay. Tuy vậy, để mở cửa trở lại kinh tế ưu tiên trước hết vẫn phải đảm bảo an toàn để giữ được những thành quả chống dịch trong thời gian qua. Cần đưa ra các điều kiện an toàn và lộ trình phù hợp để mở cửa trở lại nền kinh tế.
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, đã đến lúc nên thí điểm mở cửa dần theo địa bàn. Đầu tiên, cho phép các khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại các vùng an toàn (vùng xanh) không có F0 trong cộng đồng trong 2, 3 tuần được trở lại sản xuất bình thường cùng với việc thực hiện 5K.
“Khi nhiều DN trở lại hoạt động bình thường, đặc biệt là những DN lớn có hàng chục nghìn công nhân thì lực lượng lao động này không phải đến từ một vùng, mà có thể đến từ vùng xanh, vàng, đỏ nên phải phân loại cẩn trọng, có thể cho những người đến từng vùng nguy cơ cao tạm nghỉ hoặc thực hiện “3 tại chỗ”. Khi vùng xanh tổ chức tốt thì dần dần triển khai đến vùng vàng, còn vùng đỏ phải làm rất chặt, bóc tách F0 và điều trị”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nêu rõ.
Cũng theo ông Thịnh, kịch bản mở cửa trở lại nền kinh tế cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, thực hiện cẩn trọng từng bước, hài hòa với các điều kiện an toàn về phòng chống dịch. Khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và hạn chế được vùng đỏ sẽ cho áp dụng các biện pháp bình thường mới.
“Việc mở cửa tuy nói là dần dần vì chúng ta phải lựa chọn ngành nghề mở cửa lần lượt nhưng rõ ràng rất nhiều ngành nghề bây giờ phải mở cửa ngay và luôn vì có ý nghĩa về kinh tế vừa có ý nghĩa về dân sinh. Bởi nếu không sớm mở cửa lại nền kinh tế trong tháng 9 sẽ rất nguy hiểm bởi các hợp đồng hàng hoá nếu không triển khai ngay sẽ bị mất thị trường, mất bạn hàng mà về lâu dài còn ảnh hưởng đến dân sinh. Chính vì vậy, ban đầu chúng ta sẽ lựa chọn ngành nghề đủ an toàn để mở cửa trước”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh đề xuất.
Đồng thời, PGS. TS. Thịnh cho rằng, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc thống nhất các thủ tục, giấy tờ, hóa đơn, chứng từ để giảm bớt thủ tục hành chính, thời gian, chi phí vận chuyển, logistics, bến bãi, kho tàng… để cùng với các chính sách hỗ trợ về lãi suất, vay nợ, miễn giảm thuế, phí, lệ phí… của Chính phủ, giúp DN nhanh chóng hồi phục và phát triển sau khi mở cửa lại hoạt động sản xuất kinh doanh sau giãn cách.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mạng 5G đã sẵn sàng, hướng đi nào để doanh nghiệp viễn thông 'đánh thức' tiềm năng thị trường?
Giá xăng giảm gần 500 đồng/lít
Vụ phát hiện giá đỗ độc hại dùng chất cấm gây não úng thủy, dị tật bẩm sinh: Một cơ sở khai bán cho siêu thị Bách Hóa Xanh 350-400kg/ngày
Lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên toàn cầu tăng mạnh
Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá