Thị trường

Địa phương và doanh nghiệp cùng kiến tạo không gian an toàn cho sản xuất, chống dịch

Quá trình phục hồi của doanh nghiệp nông, thuỷ sản tới đây đòi hỏi chính quyền địa phương cần đồng hành và tháo bỏ tư duy “kiểm soát, tuân thủ” với doanh nghiệp. Địa phương và doanh nghiệp cùng kiến tạo không gian sản xuất an toàn là hướng đi thiết thực trong thời gian tới.

Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long qua cửa khẩu Quảng Ninh do phát hiện virus Sars-CoV-2 trên bao bì / Cục Hàng không đề xuất kế hoạch hồi phục hoạt động vận tải hàng không nội địa

Doanh nghiệp xuất khẩu lo thiếu nguyên liệu tôm cho những đơn hàng đã ký - Ảnh minh hoạ

Doanh nghiệp xuất khẩu lo thiếu nguyên liệu tôm cho những đơn hàng đã ký - Ảnh minh hoạ

Đây là thông điệp mà Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đưa ra tại Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ ở khu vực Nam Bộ do Bộ NN&PTNT tổ chức hôm nay (17/9).

Chi phí tăng gây áp lực cho sản xuất

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, những khó khăn về kiểm soát và phát sinh chi phí mùa dịch khiến chỉ còn khoảng 40% doanh nghiệp trong Hiệp hội đủ sức phục hồi sản xuất sau giãn cách xã hội.

Đa số các doanh nghiệp thuộc VASEP hiện nay cho biết cần thời gian dài để khôi phục được sản xuất. Ông Nguyễn Hoài Nam cũng nêu ý kiến của doanh nghiệp: “Cần có hướng dẫn rõ ràng, ví dụ việc xét nghiệm COVID-19 ở các nhà máy sản xuất được thực hiện theo nguyên tắc nào? Người lao động đã tiêm một mũi vaccine và 2 mũi vaccine phòng COVID-19 thực hiện xét nghiệm như thế nào?”

Việc doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ” cũng phải có được sự ủng hộ và phối hợp của các địa phương. Doanh nghiệp phải trình phương án và được sự đồng ý của chính quyền địa phương thì mới thực hiện được việc này. Ông Nguyễn Hoài Nam đề xuất Bộ NN&PTNT phối hợp và có ý kiến với địa phương thực hiện nhanh việc này, đặc biệt là “xem xét bỏ quy định cách ly 14 ngày đối với lực lượng đi thu hoạch cá tại các tỉnh bằng việc xét nghiệm PCR".

 

Cụ thể hơn, với lĩnh vực chế biến, xuất khẩu tôm, ông Lê Văn Quang, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú nêu thực tế, dù có cố gắng “thần tốc” thì lúc này, cũng không thể đủ nguyên liệu cho mùa nhập khẩu tôm vào dịp lễ cuối năm tại thị trường châu Âu và Mỹ. Chính vì vậy, những nỗ lực lớn nhất của doanh nghiệp thúc đẩy người nuôi tôm bằng giá thu mua thì cũng chỉ đủ nguyên liệu cho thị trường châu Á vào cuối năm nay. Tuy nhiên, đó cũng là kịch bản khả quan nhất mà ông Lê Văn Quang đưa ra nếu người dân còn mặn mà với sản xuất.

Ông Quang cho biết: “Giá thu mua của chúng tôi đã về gần như thời điểm trước dịch nhưng tâm lý bà con vẫn e ngại nếu dịch quay trở lại, các biện pháp kiểm soát chặt chẽ thì doanh nghiệp lại không mua hàng. Việc này cần sự hỗ trợ của chính quyền để bà con yên tâm hơn”.

Ở lĩnh vực rau quả, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, trong 4 tháng gần đây, ngành hàng này bắt đầu chịu sự tác động nặng nề của dịch COVID-19. Hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn rau, quả Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan, Australia… đều có sự sụt giảm.

Về dài hạn, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng cần tổ chức sản xuất nguyên liệu theo quy hoạch, điều tiết quy mô, tốc độ tăng trưởng phù hợp. Sản xuất theo nhu cầu thị trường, bảo đảm sản phẩm sản xuất ra phải phù hợp với quy định của từng thị trường; chất lượng sản phẩm phải đáp ứng được các yêu cầu của người tiêu dùng.

Cần thống nhất phương án sản xuất và tiêu thụ

 

Là người trực tiếp điều hành Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN&PTNT tại phía nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, việc quan trọng nhất để khôi phục sản xuất hậu COVID-19 là các địa phương cần thống nhất các phương án hướng dẫn sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản, chăn nuôi, thủy sản. Địa phương phải cùng với doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất trong và sau giai đoạn giãn cách nhằm bảo đảm sản xuất, cung ứng nông sản ổn định, lâu dài.

Với tư duy gắn kết các thành tố kinh tế để tạo nên nền kinh tế nông nghiệp thực thụ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh câu chuyện 13 tỉnh ĐBSCL phải thống nhất một khối với nhau, không phải là 13 mảnh ghép địa giới hành chính bởi vì, “nước xa không cứu được lửa gần”. Bộ trưởng mong muốn doanh nghiệp và chính quyền các tỉnh ĐBSCL phải thực sự gắn bó chặt chẽ với tinh thần chia sẻ, tháo gỡ. Bộ NN&PTNT luôn đồng hành và lắng nghe những kiến nghị chung, từ đó mới có thể trình Chính phủ những kiến nghị phù hợp, thiết thực.

Với kinh nghiệm của mình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: “ĐBSCL còn nhiều dư địa để giảm chi phí sản xuất. Điều quan trọng là cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con. Các địa phương thường rất mong muốn mời gọi doanh nghiệp về đầu tư sản xuất, tiêu thụ… nhưng trước khi mời gọi doanh nghiệp, địa phương cần xem xét việc đã tổ chức sản xuất thế nào? Việc tập hợp thành tổ hợp tác, hợp tác xã để doanh nghiệp liên kết có hay chưa? Chất lượng sản phẩm đã được bảo đảm theo tiêu chuẩn gì?”.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, chỉ khi hiểu rõ và sát cánh cùng với doanh nghiệp thì các địa phương mới có thể kiến tạo được không gian, môi trường đầu tư hấp dẫn. Cũng chính những công việc cụ thể này sẽ khiến doanh nghiệp an tâm khi sản xuất và có những đầu tư phát triển bền vững cho địa phương.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm