Thị trường

Mỹ gắt gao truy vấn xuất xứ sản phẩm của Việt Nam

DNVN - Mỹ muốn truy vấn xem sản phẩm của Việt Nam có phải là xuất xứ của Việt Nam hay có từ nguồn gốc khác. Mỹ sẽ cân nhắc liệu có nên cân nhắc áp thuế tương tự như với Trung Quốc hay không trong bối cảnh nhiều công ty đa quốc gia dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, và một trong những điểm đến đầu tư mới hấp dẫn nhất là Việt Nam.

Hướng đi an toàn từ chăn vịt siêu nạc / Tín nhiệm quốc gia bị hạ bậc: Thủ tướng rất không hài lòng

Ông Christopher Corr - Luật sư Công ty White & Case đã chia sẻ như vậy tại “Hội nghị đối thoại: Hạn chế rủi ro về gian lận xuất xứ và phòng vệ thương mại trong hoạt động xuất khẩu” do Cục Phòng vệ Thương mại – Bộ Công Thương phối hợp cùng một số đơn vị liên quan tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) hiện nay được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia, bởi đây là những công cụ chính sách được Tổ chức thương mại thế giới cho phép để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước tránh bị thiệt hại từ hàng hoá nhập khẩu.
Thời gian tới, các vụ điều tra chống bán phá giá (ĐTCBPG) chống trợ cấp, tự vệ toàn cầu và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại có ảnh hưởng đến Việt Nam từ các nước có thể tiếp tục tăng lên. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có nhận thức đầy đủ về nguy cơ xảy ra các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, điều tra gian lận xuất xứ hàng hoá (XXHH), có sự chuẩn bị để tránh ảnh hưởng bất lợi đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp cũng như của cả ngành.
Hội nghị được tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm hiểu biết, thông tin về các cam kết về PVTM và những tác động của các biện pháp này đối với các hoạt động xuất khẩu Việt Nam.
Việt Nam quyết liệt trong việc chống gian lận xuất xứ và ngăn chặn các hiện tượng lẩn tránh các biện pháp PVTM
Theo ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), đây là chủ đề nổi cộm trong thời gian gần đây. Các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động quản lý cũng như sản xuất kinh doanh nhận thấy các biện pháp về chống gian lận xuất xứ, chống lẩn tránh các biện pháp PVTM đã được các cơ quan quản lý Nhà nước từ Chính phủ đến các bộ như Bộ Công Thương, Tài chính và các cơ quan liên triển khai mạnh mẽ. Bởi trong thời gian vừa qua, đặc biệt từ năm 2018 đến nay, diễn biến quan hệ thương mại trong khu vực và thế giới có nhiều yếu tố phức tạp, các biện pháp bảo hộ gia tăng, đặc biệt là là các biện pháp điều tra áp dụng PVPM, cùng với căng thẳng Mỹ - Trung, thì các nước khi áp dụng biện pháp PVTM cũng tăng cường việc kiểm tra, giám sát luồng hàng hóa để ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ, lẩn tránh mức thuế cao mà các nước áp dụng với nhau...
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam rất quyết liệt trong việc chống gian lận xuất xứ và ngăn chặn các hiện tượng lẩn tránh các biện pháp PVTM bất hợp pháp. Cụ thể, ngày 04/7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 824/QĐ-TTg ban hành Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ.
Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương)

Trên cơ sở đề án này, các bộ, ngành liên quan đã triển khai nhiều nhiệm vụ chi tiết, hoạt động thiết thực và quyết liệt. Trong số những nội dung, nhiệm vụ liên quan đến QĐ 824 có 1 nhiệm vụ là nâng cao nhận thức cho cơ quan quản lý Nhà nước và DN về các biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM, và chống gian lận xuất xứ. Đa số DN, đặc biệt là các DNNVV, kể các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là các cơ quan quản lý tại địa phương chưa hiểu biết đầy đủ, chưa có bức tranh toàn cảnh về những quy định của những nước NK liên quan tới chống gian lận xuất xứ và chống lẩn tránh biện pháp PVTM.
Chia sẻ với báo chí bên lề sự kiện, bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đã triển khai một loạt biện pháp để triển khai Quyết định 824 của Chính phủ. Đó là việc tham mưu, xây dựng các VBQPPL, trong đó văn bản về xuất xứ hàng hóa sẽ tạo một hàng lang pháp lý minh bạch đối với các tổ chức cấp C/O cũng như DN. Và trong những VPQPPL này thì chế tài xử phạt các hành vi vi phạm xuất xứ hàng hóa cũng rất được tập trung, coi trọng.
Biện pháp thứ 2 mà Bộ Công Thương, cụ thể là Cục Xuất nhập khẩu đang tiến hành ráo riết là phối hợp với các cơ quan được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O thực hiện những buổi tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho chính những tổ chức cấp C/O, đồng thời cũng có kiểm tra, xác minh xuất xứ tại doanh nghiệp để uốn nắn DN kịp thời để phòng, chống gian lận xuất xứ ở những bước khởi đầu.
Biện pháp thứ ba là Bộ Công THương cũng thường xuyên và chủ động phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu trong công tác xác minh xuất xứ hàng hóa. Đối với những trường hợp phát hiện ra gian lận thì bộ cũng phối hợp để đảm bảo việc phòng - chống và có những hình thức phối hợp để giảm thiểu và hạn chế rủi ro về gian lận xuất xứ.
Còn đối với hàng hóa được chứng minh là đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ hàng hóa thì bộ cũng phối hợp với cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu và có ý kiến để cho hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan.
Ngoài ra, theo bà Hiền, Bộ Công Thương cũng rất chú trọng đến công tác cải cách thủ tục hành chính, trong đó việc tiếp nhận và trả lời những vướng mắc của DN rất được chú trọng. Và đây là một trong những biện pháp rất được cộng đồng DN quan tâm và hoan nghênh.
Theo ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng - Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), tác động của hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp là rất lớn bởi chúng chỉ đem lại lợi ích nhất thời cho một vài doanh nghiệp có hành vi bất chính. Trong khi đó, làm tăng chi phí và nguồn lực của các doanh nghiệp chân chính để chứng minh sự tuân thủ, có nguy cơ cản trở xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời ảnh hưởng đến uy tín hàng xuất khẩu của Việt Nam, giảm lợi ích mà Việt Nam có được từ các nỗ lực hội nhập kinh tế.
Mỹ gắt gao truy vấn xuất xứ sản phẩm của Việt Nam
Đánh giá thực trạng và xu hướng điều tra gian lận xuất xứ, chống lẩn tránh biện pháp PVTM tại Mỹ, ông Christopher Corr - Luật sư Công ty White & Case cho biết: Trong hoạt động XK, chúng ta đối mặt với nhiều thách thức. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, ông đã bắt đầu tăng thuế quan lên rất nhiều. Việc tăng thuế quan tác động đến việc dịch chuyển các nhà sản xuất ra khỏi Trung Quốc và thường các nước dịch chuyển sản xuất sang khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam.
"Các rủi ro mà các nhà xuất khẩu của Việt Nam và các quốc gia khác khi sử dụng nguyên liệu đầu vào có xuất xứ Trung Quốc thì chưa thực sự nắm rõ và hiểu hết những rủi ro mà họ đang đối mặt", ông Christopher Corr nhìn nhận.
Cũng theo luật sư Công ty White & Casse, một trong những điều luật dưới thời nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump được sử dụng nhiều là PVTM, trong đó bao gồm Luật phòng chống bán phá giá cũng như thuế đối kháng. Đây là rủi ro rất lớn mang lại cho các nhà XK và NK bởi thực tế thuế đối kháng đã được tăng lên nhiều dưới thời ông Trump. Trong đó, Điều khoản 201 liên quan đến chống thiệt hại và có một số khách hàng, các nhà sản xuất ở Việt Nam cũng chịu tác động bởi điều khoản này.
Đề cập tới việc dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, ông Christopher Corr cho hay, có một số công ty đa quốc gia có trụ sở sản xuất đặt tại Trung Quốc nhưng hiện giờ họ dịch chuyển khỏi quốc gia châu Á này. Kết quả một khảo sát gần đây cho thấy, phần lớn các quốc gia có hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã lên kế hoạch hoặc đã di chuyển cơ sở sản xuất tới quốc gia khác, và 1 trong những điểm đến đầu tư mới hấp dẫn nhất là Việt Nam.
Có 1 thực tế xảy ra là Mỹ cũng muốn truy vấn xem sản phẩm của Việt Nam có phải là xuất xứ của Việt Nam hay không hay có từ nguồn gốc khác. Mỹ sẽ cân nhắc liệu có nên cân nhắc áp thuế tương tự như với Trung Quốc hay không.

Toàn cảnh hội nghị.
"Trong bối cảnh hiện tại, Mỹ rất gắt gao trong việc áp dụng các biện pháp phạt và sử dụng các đạo luật mới và cũ để truy thu được thuế. Chẳng hạn đạo luật cũ về kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm xuất khẩu. Đạo luật này được thực hiện bởi cơ quan hải quan và phòng vệ biên giới của Mỹ. Theo đó, Mỹ sẽ áp dụng điều tra cơ chế chuyển đổi - cơ chế này phức tạp hơn một chút so với thuế chuyển đổi mà các nhà NK của Việt Nam đã thực sự trải nghiệm ở khung mậu dịch tự do khác. Hình phạt của Mỹ dành cho các nhà XK rất là nặng", ông Christopher Corr nhấn mạnh.
Việc rà soát tiếp theo không phải do cơ quan hải quan mà do Bộ Thương mại Mỹ thực hiện. Việc kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của Bộ Thương mại Mỹ sẽ tuân theo luật PVTM của Mỹ hoặc các điều khoản khác của Mỹ. Tuy nhiên, nó có thể khác hoặc giống với việc kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của cơ quan hải quan Mỹ.
Nói về trách nhiệm của DN, ông Chu Thắng Trung cho rằng, trách nhiệm của DN là không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; Nắm vững các quy định về xuất xứ; Cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý về các hành vi nghi ngờ gian lận xuất xứ; Hợp tác với các cơ quan chức năng
Để chủ động phòng tránh, DN cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng, giá trị gia tăng (giá cao hơn); Thu thập thông tin thị trường nước nhập khẩu; Lưu trữ sổ sách, chứng từ kế toán minh bạch, có hệ thống
Về chủ động ứng phó vụ kiện, DN cần có chiến lược, mục tiêu và nỗ lực tham gia ứng phó một cách rõ ràng, thống nhất và đến cùng. Cần hành động một cách nhanh chóng (thời gian là kẻ thù số 1 của doanh nghiệp). Chủ động trong việc ứng phó tại các giai đoạn rà soát hành chính hàng năm và cuối kỳ (Có thể đem lại kết quả tích cực cho doanh nghiệp)...
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm