Thị trường

Năm 2021, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản xác lập kỷ lục mới

DNVN - Nếu năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản Việt Nam đạt 12,6 tỷ USD thì đến hết năm 2021, con số này đã tăng vọt lên gần 16 tỷ USD, xác lập kỷ lục mới.

Đề xuất thành lập lực lượng cảnh sát lâm nghiệp / Công ty Lâm nghiệp Bến Hải: Doanh nghiệp đi đầu trong phát triển rừng bền vững

Chiều 28/12/2021, Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức “Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022” theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tới 6 Vườn quốc gia thuộc Tổng cục, 4 Chi cục Kiểm lâm vùng.
“Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022”.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Nhiều năm gần đây, lâm nghiệp luôn dẫn đầu ngành nông nghiệp về mức xuất siêu với giá trị cao (trên 10 tỷ USD năm 2020).
Tính đến hết tháng 12/2021, giá trị xuất khẩu lâm sản chiếm trên 30% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng nông lâm thủy sản và là một trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD trong năm 2021.
Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ và các loại lâm sản của nước ta đạt tới 15,87 tỷ USD, vượt 20% kế hoạch đề ra và tăng 20% so với năm 2020. Mức xuất siêu là 12,94 tỷ USD (tăng 21,2% so với năm 2020), tiếp tục xác lập nên kỷ lục mới, đưa Việt Nam tiếp tục đứng đầu khối ASEAN, đứng thứ hai châu Á và thứ 5 thế giới về xuất khẩu lâm sản.
Chỉ tính riêng thu dịch vụ môi trường rừng, năm 2021, ngành lâm nghiệp đạt 3.115 tỷ đồng, vượt 11% kế hoạch thu năm 2021, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng cũng đã đạt 42,02%, tăng thêm khoảng 3.300ha so với năm 2020. Cùng với đó, năm 2021, tình trạng vi phạm rừng giảm rõ rệt (cả số vụ lẫn diện tích).
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại hạn chế, đặc biệt là sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến các hoạt động sản xuất lâm nghiệp.
Đó là, vẫn còn các điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ tại một số vùng trọng điểm như: Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân thiếu đất sản xuất, tình trạng di dân tự do, chuyển diện tích đất rừng sang trồng cây công nghiệp, nông nghiệp và khai thác rừng tự nhiên trái phép.
Đưa ra kế hoạch năm 2022, ông Nghĩa nhấn mạnh: Năm 2022, ngành lâm nghiệp phấn đấu duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng 42%, nâng cao chất lượng rừng. Trồng 230.000 ha rừng tập trung, trồng 122 triệu cây phân tán. Khai thác 31,5 triệu m3 gỗ. Phấn đấu đạt giá trị xuất khẩu lâm sản 16 tỷ USD. Thu dịch vụ môi trường rừng 3.000 tỷ đồng.
Năm 2022, ngành lâm nghiệp phấn đấu đạt 16 tỷ USD giá trị xuất khẩu.
Để thực hiện những mục tiêu trên, Tổng cục Lâm nghiệp đã đề ra 10 nhóm giải pháp, trong đó trọng tâm là bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thực hiện hiệu quả chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án trọng điểm.
“Tổng cục Lâm nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu; tập trung thực hiện phối hợp trong việc ngăn chăn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng; thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng”, ông Nghĩa nói.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm