Nam Định: 'Bỏ phố về làng' làm nông nghiệp công nghệ cao
Cao Bằng: Mô hình vỗ béo bò cho thu nhập cao / EVFTA trong bối cảnh thế giới mới: Quyết tâm cải cách mang tính quyết định
Rau quả được trồng và chế biến theo quy trình “6 không”: Không phân bón hoá học, không thuốc trừ sâu có nguồn gốc hoá học, không thuốc diệt cỏ, không chất kích thích tăng trưởng, không sử dụng giống biến đổi gien, không sử dụng chất bảo quản sau thu hoạch.
Từng là học sinh chuyên Lý của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP Nam Định, sau khi tốt nghiệp Đại học Xây dựng Hà Nội, anh Trần Hữu Chung đã có gần 10 năm làm kỹ sư xây dựng với mức thu nhập cao. Tuy nhiên, với ước mơ tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như ở các nước phát triển ngay trên đồng đất quê hương, năm 2016, anh quyết định rẽ sang con đường hoàn toàn mới: về quê thuê đất, thành lập HTX Nông nghiệp Trường Xuân. Với vai trò là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, anh đã huy động số vốn hàng chục tỷ đồng xây dựng mô hình trồng rau công nghệ cao.
Có chí thì nên
Gặp kỹ sư Trần Hữu Chung đúng lúc anh đang lặn lội ngoài cánh đồng trồng măng tây sắp đến ngày thu hoạch. Vừa nhanh tay nhặt cỏ trên mặt luống, anh Chung vừa chia sẻ câu chuyện bỏ phố về quê, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Anh Chung kể: "Gần chục năm làm kỹ sư xây dựng với mức thu nhập hơn 15 triệu/tháng nhưng nay đây, mai đó. Vợ con chưa có, sống một mình nên bạn bè ới cái là đi nhậu, tiền công có được chẳng thể tiết kiệm để mua sắm nhà cửa, ổn định cuộc sống. Trong khi đó, ở quê mình đất đai còn rộng, nhu cầu của người dân về tiêu thụ nông sản sạch ngày một nhiều. Vậy nên năm 2016,mình quyết định về quê lập nghiệp bằng việc thuê đất sản xuất nông nghiệp và thành lập HTX Trường Xuân với vai trò là Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX".
Trên cánh đồng rộng 8ha bị nhiễm phèn mặn, bạc màu, trồng lúa kém hiệu quả, anh Chung bắt tay vào san lấp mặt bằng, nâng nền ruộng trũng, thau chua rửa mặn cải tạo đất, đào ao vừa lấy nguồn nước tưới, tiêu, vừa kết hợp nuôi trồng thủy sản, đồng thời đầu tư các loại máy móc phục vụ sản xuất như máy cày xới đa năng, máy làm đất, máy bơm tưới bán tự động, máy nghiền cành cây, củi mục làm phân bón hữu cơ. Anh đã từng bước trồng thử nghiệm nhiều giống cây trồng, từ khoai lang, ngô, đậu, rau vụ đông các loại của địa phương đến các giống rau, củ, quả nhập ngoại như rau xà lách Mỹ, cà chua bi Nga có hương vị hoa quả, vị sôcôla… để tìm ra cây trồng phù hợp.
Trải qua những khó khăn ban đầu, nhờ thường xuyên nghiên cứu, tìm tòi và tham quan học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi từ đó ứng dụng vào thực tế, một số cây trồng bước đầu đã mang lại hiệu quả, nhất là giống khoai tây thuần chủng và cây măng tây.
Từ nguồn hạt giống măng tây nhập khẩu của Mỹ được mua về, gieo trong bầu đất, sau 2 tháng cấy ra luống, khoảng 8 tháng sau là có thể thu hoạch nhiều lần không phải trồng lại. Đến nay, HTX có 2ha trồng măng tây, 2-3ha trồng dưa lê, ngoài ra còn trồng đinh lăng, các loại cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm… Đặc biệt, sản phẩm măng tây của HTX đã được xuất bán tại thị trường các thành phố lớn, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch với giá bán 80.000 đồng/kg; trung bình mỗi ha cho năng suất 60 kg/ngày.
Trồng măng tây công nghệ cao đang mang lại thu nhập cao cho HTX Trường Xuân (Ảnh:TL)
Theo đuổi nông nghiệp hữu cơ
Anh Chung chia sẻ, cây măng tây xanh được mệnh danh là “hoàng đế” của các loại rau do có giá trị dinh dưỡng cao, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Cây phát triển tốt vào dịp cuối xuân, đầu hè và cho thu hoạch mạnh nhất vào năm thứ 3, thứ 4 sau khi trồng. Do được trồng theo phương pháp hữu cơ, hợp với chất đất phù sa vùng ven biển nên sản phẩm măng tây của HTX đạt chất lượng cao, ngọt đậm, giòn, vị ngậy thơm ngon. Hiện tại, anh đã tự nghiên cứu gieo trồng hạt giống để mở rộng diện tích trồng măng tây thương phẩm.
Trải qua rất nhiều khó khăn, kỹ sư Trần Hữu Chung và 15 thành viên của HTX luôn kiên trì với mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ, áp dụng công nghệ cao từ khâu cải tạo đất đến quy trình chăm sóc. Rau quả được trồng và chế biến theo quy trình “6 không”: Không phân bón hoá học, không thuốc trừ sâu có nguồn gốc hoá học, không thuốc diệt cỏ, không chất kích thích tăng trưởng, không sử dụng giống biến đổi gien, không sử dụng chất bảo quản sau thu hoạch. Đối với các loại sâu bệnh, dịch hại trên cây trồng, HTX áp dụng biện pháp trồng xen canh, luân canh để tránh sâu bệnh bùng phát trên diện rộng. Đồng thời, sử dụng những loại cây có tinh dầu như tỏi, sả, bạc hà, chanh, ớt và các nguyên liệu tự nhiên như mật ong, tro bếp, thậm chí cả những con sâu được bắt từ vườn rau để chế ra thuốc trừ sâu sinh học hữu hiệu.
Đặc biệt, nguồn phân bón cho cây trồng trong trang trại hoàn toàn là phân bón hữu cơ vi sinh tự sản xuất bằng cá tạp, cỏ, rau, củ, quả, thân ngô, bèo tây, rơm rạ và nhiều loại vi sinh vật. Ngoài ra, HTX Trường Xuân còn được chọn để ứng dụng thí điểm sản phẩm phân bón Nano của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vào sản xuất nông nghiệp, vừa góp phần bảo vệ môi trường, không làm bạc màu đất đai, tăng năng suất, giảm tối đa chi phí, tăng hiệu quả kinh tế, vừa mang lại các sản phẩm nông nghiệp an toàn cho người sử dụng. Vì vậy, sản phẩm của HTX đã được đăng ký thương hiệu và sau khi thu hoạch được đóng gói xuất bán theo đúng quy trình rau sạch được cơ quan chuyên môn kiểm tra đánh giá chất lượng trước khi ra thị trường. HTX đã đoạt giải chương trình “Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu” do Bộ KH&CN phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức.
Người lao động làm việc tại HTX Trường Xuân với thu nhập bình quân gần 4 triệu đồng/tháng (Ảnh: TL)
Không chỉ đánh thức tiềm năng đất đai, biến vùng đất trồng lúa kém hiệu quả trước đây thành vùng trồng rau quả sạch trù phú, màu mỡ, HTX Nông nghiệp Trường Xuân còn góp phần tạo việc làm cho hàng chục lao động nữ địa phương với thu nhập gần 4 triệu đồng/người/tháng. Từ thành công bước đầu, trong thời gian tới, anh Chung và các thành viên HTX tiếp tục có kế hoạch mở rộng diện tích trồng măng tây thương phẩm, dưa lê, đầu tư làm hệ thống máng nhựa giữa các rãnh thoát nước, vừa giữ nguồn dinh dưỡng cho đất, vừa thuận lợi cho quá trình vận chuyển nông sản khi thu hoạch.
Hiện nay, nhu cầu của người dân về các sản phẩm nông sản an toàn, áp dụng công nghệ cao ngày càng tăng, vì vậy, các sản phẩm của HTX Trường Xuân không chỉ đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của thị trường mà còn góp phần quan trọng mở ra hướng phát triển nền nông nghiệp sạch mang tính hàng hóa, thân thiện với môi trường, rất cần được khuyến khích và nhân rộng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Anh Trần Hữu Chung, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Trường Xuân trực tiếp láy máy cày để chuẩn bị cho vụ trồng rau màu mới (Ảnh:TL)