Nam Định: Điện thoại giá rẻ "cháy hàng"
Gần 80.000 học sinh tại TP Hồ Chí Minh không đủ điều kiện học trực tuyến / Hàng trăm nghìn học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến, Bộ GD-ĐT kêu gọi ủng hộ
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Nam Định đang có những diễn biến phức tạp, nhất là trên các địa bàn các huyện Ý Yên, Nam Trực, Giao Thủy, Mỹ Lộc và thành phố Nam Định đã xuất hiện các chùm ca bệnh trong cộng đồng, có yếu tố dịch tễ phức tạp, diễn biến nhanh trong đó có cả các ca bệnh là giáo viên, học sinh.
Theo đó, UBND tỉnh Nam Định đã có quyết định cho học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập và ngoài công lập, trung tâm ngoại ngữ tại các địa phương đã ghi nhận chùm ca bệnh trong cộng đồng kể trên chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến từ ngày 8/11 cho đến khi có thông báo mới.
Ở vùng nông thôn nhiều gia đình chưa đủ thiết bị học tập cho con, bình quân mỗi nhà có 2-3 con trong nhưng có khi chỉ có một chiếc điện thoại smartphone cũ, cấu hình thấp. Sau khi nhận được quyết định con em mình sẽ phải học online, các phụ huynh đã phải vội sắm thêm điện thoại để hỗ trợ cho việc học của con cái.
Tuy nhiên việc các phụ huynh đổ xô đi mua điện thoại những ngày vừa qua đã làm cho giá điện thoại khu vực nông thôn có nơi trong tình trạng "cháy hàng", có nơi tăng trung bình từ 700.000 đến 1 triệu đồng cho một chiếc tùy loại.
Tại xãYên Phú, huyện Ý Yên các cửa hàng điện thoại luôn trong tình trạng cháy hàng khi có thông báo cho học sinh học online (ảnh minh họa).
Chị Lan (nhân vật đã đổi tên) trú tại xã Yên Phú, huyện Ý Yên là mẹ đơn thân, có hai người con đang học lớp 6 và lớp 8. Kinh tế khó khăn phải đi làm xa nhà kiếm tiền nuôi hai con ăn học, 2 con hiện đang ở cùng với ông bà nội. Trước thông báo của nhà trường là học sinh phải học trực tuyến, mặc dù khó khăn vì những tháng dịch bệnh vừa qua nhưng chị vẫn phải ứng trước tiền 1 tháng lương để nhờ người thân ở nhà mua 2 chiếc điện thoại phục vụ cho việc học của các con.
Tuy nhiên, đến bây giờ con chị vẫn đang phải học nhờ điện thoại của người thân vì điện thoại khu vực đó đang "cháy hàng", chưa mua được.
Theo một số người dân, ngay khi có thông báo toàn bộ học sinh phải học online, mọi người nơi đây đổ xô đi mua điện thoại khiến cho các cửa hàng điện thoại cả lớn lẫn nhỏ khu vực này đều trong tình trạng cháy hàng. Giá của nhiều loại điện thoại tăng từ 700.000 đến 1 triệu đồng 1 chiếc. Thậm chí có những nơi còn không có để mua. Hiện chị Lan đang phải nhờ người trên Hà Nội tìm nơi mua giúp điện thoại để phục vụ cho các con học online trong thời gian tới.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, chị Hương cũng trú tại xã Yên Phú cho biết, trước khi có thông báo cho học sinh học trực tuyến chị đã mua 1 chiếc điện thoại với giá 2 triệu đồng. Chỉ 2 ngày sau khi nhận được thông báo chính thức của nhà trường chị đi mua thêm 1 chiếc điện thoại thì được chủ cửa hàng báo giá của chiếc điện thoại đó đã tăng thêm 1 triệu đồng.
Theo khảo sát một số cửa hàng điện thoại trên địa bàn xã Yên Phú, chỉ sau khi có thông báo cho học sinh đi học trực tuyến thì tất cả các cửa hàng này điện thoại đều cháy hàng ở phân khúc giá thấp. Các dòng điện thoại giá bình dân trong tầm giá từ 2-4 triệu đồng được các phụ huynh lựa chọn nhiều nhất vì phù hợp với kinh tế gia đình nơi đây. Không chỉ chị Lan, chị Hương mà rất nhiều phụ huynh đều phàn nàn vì việc giá điện thoại tăng cao hơn so với bình thường những họ vẫn phải chấp nhận mua điện thoại để phục vụ việc học của con.
Việc cho học sinh học online ở thành phố lớn khó khăn một thì ở các vùng nông thôn lại khó khăn gấp 2-3 lần. Tại các vùng quê nghèo, việc đầu tư tiền để mua những chiếc điện thoại giá rẻ là việc không dễ dàng, phần lớn người dân khó có khả năng mua được các thiết bị xa xỉ như điện thoại cấu hình cao hay máy tính bảng, laptop để phục vụ việc học của các con.
Không những thế, việc tiếp cận với công nghệ thông tin tại đây còn nhiều hạn chế. Nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng khi con phải học online tại nhà và mong muốn dịch bệnh sớm được kiểm soát để các con sớm được quay trở lại trường học.
End of content
Không có tin nào tiếp theo