Tin tức - Sự kiện

Quan tâm hỗ trợ tâm lý khi học sinh chuyển từ học trực tuyến sang học trực tiếp tại trường

DNVN - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) yêu cầu khi học sinh mới trở lại trường học, nhà trường tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lí, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh, chuyển trạng thái từ học trực tuyến, học qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường.

Hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn ưu đãi mua máy tính học trực tuyến / Học sinh Hà Nội được hỗ trợ học phí cao nhất 108.500 đồng/tháng

Trong công văn gửi các Sở GD-ĐT ngày 21/10/2021 Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT cần chủ động rà soát, đánh giá, phân loại kết quả học tập trực tuyến, qua truyền hình của học sinh để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường, phù hợp với điều kiện thực tế và tình hình kiểm soát dịch COVID-19 tại địa phương.

Theo đó, khi học sinh mới trở lại trường học, nhà trường tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lí, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh, chuyển trạng thái từ học trực tuyến, học qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường.

Đồng thời, tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm học sinh có điều kiện học trực tuyến, dạy bổ sung những nội dung kiến thức còn thiếu, kết hợp với ôn tập, củng cố nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh không có điều kiện học trực tuyến.

Đặc biệt, sử dụng hiệu quả thời gian học sinh được đến trường để tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD-ĐT, phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực, quá tải cho học sinh.

Theo Bộ GD-ĐT, việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức.

Bộ GD-ĐT yêu cầu phải ôn tập, bổ sung kiến thức trước khi kiểm tra đánh giá định kỳ khi học sinh trở lại trường.

Bộ GD-ĐT yêu cầu phải ôn tập, bổ sung kiến thức trước khi kiểm tra đánh giá định kỳ khi học sinh trở lại trường.

Riêng đối với giáo dục mầm non, cần phát huy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, chia sẻ khó khăn, hết lòng vì học sinh. Các thầy, cô giáo cần hướng dẫn tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức cho các đối tượng học sinh bảo đảm chất lượng. Đặc biệt, không thu thêm kinh phí để tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các phương pháp dạy học tích cực, phù hợp với các nhóm đối tượng nhằm phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Chú trọng vai trò tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động học chủ động, tích cực, tự lực của học sinh.

Bộ GD-ĐT cũng đề nghị tiếp tục duy trì tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình phù hợp với kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp.

Trước đó, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các địa phương mở cửa trường trở lại theo cấp độ nguy cơ của COVID-19. Trong đó, địa phương ở cấp độ 1 và 2 (nguy cơ thấp và trung bình) có thể dạy học trực tiếp nhưng củng cố điều kiện để sẵn sàng chuyển sang hình thức dạy học khác khi dịch diễn biến phức tạp.

Những địa phương cấp độ 3 (nguy cơ cao) dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến, trên truyền hình, trong đó ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, 2, 6, 9 và 12.

Các địa bàn ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) cần căn cứ vào thực tế để tổ chức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học.

Thiên An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm